Từ sự cố của đội bóng chuyền nữ U17 Việt Nam: Không đơn giản là sơ suất của nhà tổ chức

10:36 Thứ tư 15/10/2014

Rốt cuộc, đội tuyển bóng chuyền U17 nữ Việt Nam cũng bị BTC giải châu Á 2014 ra quyết định xử thua 2 trận liên tiếp với cùng tỷ số 0-3, trước Nhật Bản và Kazakhstan, ngay cả khi đội bóng do ông Trần Văn Thư dẫn dắt đã thắng 3-1 trước Kazakhstan ở trận ra quân.

 

Đấy là hệ quả tất yếu sau khi nhà điều hành của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) cố tình đưa 3 VĐV từng góp mặt ở giải đấu này cách đây 2 năm (Dương Thị Hên, Trần Thị Việt Hương và Mai Thị Bích) vào danh sách sang Thái Lan dự giải, dù thừa biết như thế là vi phạm điều lệ 4.6 của giải “mỗi VĐV chỉ được phép đăng ký thi đấu 1 lần duy nhất”.

Trang tin của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á, kênh truyền hình SMMTV của Thái Lan thường trực tiếp các giải bóng chuyền quốc tế thậm chí cũng đã đưa tin về vụ việc này, khi nhấn mạnh rằng đây là vụ vi phạm đầu tiên xảy ra suốt chiều dài giải bóng chuyền nữ U17 châu Á. BTC giải hôm 13-10 đã ra quyết định xử thua 2 trận đối với đội bóng của Việt Nam, đồng thời đánh tụt xuống chót bảng và phải tranh các thứ hạng từ 9-13.

Ngay cả khi sau đó, ông Shanrit Wongprasert - Phó Chủ tịch LĐBC châu Á (AVC) - có lý giải rằng ông bỗng dưng “quên” trình đề xuất về đối tượng dự giải của đội U17 Việt Nam lên BCH liên đoàn xem xét lại, nên gây nên sự thất thiệt cho đội bóng Việt Nam, thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng nhà điều hành VFV đã rất chủ quan trong chuyện này.

Điều đáng nói là trước khi giải thích với VFV, chính ông Shanrit đã cho biết sẽ xử lý vụ vi phạm của đội U17 Việt Nam đến nơi đến chốn, thông qua lời khẳng định sẽ xử thua 0-3 nếu đội Việt Nam đưa 3 VĐV nói trên vào sân thi đấu. Thành thử, nhiều người không hiểu lý do vì sao vị quan chức của AVC này lại quay ngược lại vấn đề như thế.

Nhưng nói gì thì nói, sự cố kể trên khiến người ta tiếp tục mất niềm tin vào nhà điều hành bóng chuyền Việt Nam, đặc biệt là vai trò của ông Tổng thư ký, nhất là khi ông này mạnh miệng phát biểu trên báo chí rằng đã trao đổi với BTC giải trước ngày lên đường và được họ đồng ý cho 3 VĐV từng dự giải năm 2012 thi đấu.

Vấn đề là ngay cả khi dư luận, giới truyền thông phát hiện ra vụ việc, đã lên tiếng khuyến cáo VFV không nên vi phạm, vì như thế ảnh hưởng đến uy tín của bóng chuyền Việt Nam trên trường quốc tế. Song, ông TTK cũng như một vài nhân vật trong VFV vẫn phớt lờ, đưa VĐV sang Thái Lan dự giải và đinh ninh BTC sẽ thông qua.

Một vấn đề khác, tức là sự lấn át quyền lực của ông TTK ở VFV lâu nay đã phủ nhận vai trò của Ban chuyên môn - nơi chịu trách nhiệm cao nhất về tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển, nghiên cứu điều lệ, đánh giá đối thủ trước mỗi sự kiện quốc tế mà bóng chuyền Việt Nam góp mặt. Đến khi sự vụ vỡ lở, giới làm nghề mới biết và chủ yếu thông qua báo chí, khi mà từ lâu họ bị cô lập với các thông tin hoạt động của VFV.

Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục