TP.HCM triển khai dự án 'Bóng đá học đường'

10:54 Thứ bảy 21/09/2013

Những người làm bóng đá TP.HCM quyết tâm gây dựng lại nền bóng đá từng là số một quốc gia. Phương pháp cũng không mới khi đưa bóng đá vào trường học, như định hướng thể thao học đường mà các quốc gia tiên tiến đang áp dụng. Hiệu quả ra sao thì phải chờ ít nhất 5 năm nữa mới biết được.

1. Dự án “Bóng đá học đường” là tâm huyết của những người làm bóng đá TP.HCM. Chương trình này được sự hậu thuẫn lớn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn TP.HCM như Sở VH, TT&DL thành phố, Sở GD&ĐT thành phố, LĐBĐ thành phố (HFF).

“Bóng đá học đường” sẽ có mặt ở các hoạt động dạy và học tại các trường Tiểu hoc, THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM. Chương trình sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm, từ 2012 đến 2017 với một quy mô rộng khắp nhờ sự phối hợp của các ban ngành.

Chương trình “Bóng đá học đường” chính thức khởi động từ tháng 8/2013, được xây dựng thí điểm tại 48 trường Tiểu học trên địa bàn TP.HCMvà dự kiến sẽ chính thức thực hiện trên tất cả các trường tại TP.HCM từ năm 2014.

Sau khi XMXT.SG (phải) giải thể, V-League mùa sau sẽ không còn có đại diện nào của bóng đá TP.HCM. Ảnh: Quang Nhựt

Lãnh đạo HFF hy vọng chương trình sẽ là bước đi quan trọng nhằm tạo dựng một nền tảng vững chắc với những thế hệ kế tục tài năng, đào tạo ra những sản phẩm đậm chất địa phương, đưa bóng đá trở thành niềm tự hào của TP.HCM như trong quá khứ. Bên cạnh đó, HFF muốn xây dựng lại một nền tảng căn cơ cho bóng đá TP.HCM sau những chuyện “bi hài kịch” xảy ra cũng chỉ bởi thói quen “ăn xổi” như vài năm trở lại đây.

2. Sự tụt hậu của nền bóng đá giàu truyền thống bậc nhất Việt Nam khiến các CĐV TP.HCM không còn được thưởng thức giải đấu đỉnh cao nhất Việt Nam mỗi cuối tuần. Thành phố kinh tế phát triển nhất đất nước nhưng lại không có CLB chuyên nghiệp, không có món ăn tinh thần khoái khẩu cho nhân dân địa phương cũng là một vấn đề phải suy nghĩ.

Bóng đá chuyên nghiệp được thả nổi cho doanh nghiệp đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. TP.HCM phải thay đổi cung cách làm bóng đá sao cho hiệu quả hơn với sự vào cuộc của những cơ quan chức năng. Và một trong những biện pháp đó là xây dựng nền móng vững chắc cho nền bóng đá địa phương.

Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HFF, phát biểu: “Chúng ta có lẽ phải rất cay đắng khi nghe cựu HLV ĐT Việt Nam Alfred Riedl nói rằng bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc. Và sau những chuyện không hay của bóng đá TP.HCM gần đây, chúng tôi nhận thấy phải có những biện pháp căn cơ hơn để vực dậy nền bóng đá TP.HCM.

Phải xây dựng nền móng vững chắc, bắt đầu từ những mầm non có niềm đam mê với bóng đá. Nếu làm được điều này, chúng tôi có thể cung cấp được thế hệ tương lai cho bóng đá TP.HCM”.


3. Trong thời gian gần đây, chương trình “Bóng đá vì ngày mai” mà HFF định hướng đã thu được những hiệu ứng tích cực. Các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM đã có những sân chơi lành mạnh để cạnh tranh với nhau, giúp các học sinh vừa rèn luyện thể chất, vừa ươm mầm niềm đam mê, yếu tố quyết định đến tương lai nền bóng đá.

Song để vực dậy nền bóng đá đã bị tổn thương rất nghiêm trọng này đòi hỏi một sự nhẫn nại của nhiều phía. Ông Trần Anh Tú đã lường trước được những khó khăn trong định hướng của mình vạch ra: “Sự thật để làm bóng đá trong học đường là chuyện không thực sự dễ dàng, bởi đây là hoạt động dự án có liên quan đến cơ sở vật chất, con người và kinh phí.

Hơn nữa, rất nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố ít nhiều không mong muốn con em mình theo bóng đá. Nếu mong muốn được đá bóng thì phải phát triển song hành cùng văn hóa, đây cũng là khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng bóng đá từ gốc, lấy bóng đá phong trào, học đường để xây dựng nền tảng, ươm mầm cho tương lai, nhất định LĐBĐ TP.HCM, nhà tài trợ Công ty Worldline Sport sẽ quyết tâm hoàn mục tiêu đã đề ra”.
Phan An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục