Thư Olympic: Chuyên nghiệp từ chuyện... cổ vũ

10:12 Thứ tư 08/08/2012

Olympic sẽ ra sao nếu thiếu đi những cổ động viên? Ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh chắc chắn sẽ không thể thành công nếu không có những khán giả cổ vũ. Các nhà vô địch sẽ không thể vượt qua những kỉ lục khó tin nếu thiếu đi sự ủng hộ từ tinh thần. Ngày nay những chiến thắng đã được vinh danh trước cả triệu người theo dõi trực tiếp và hàng tỉ người qua sóng truyền hình. Khán giả cần Thế vận hội và thế vận hội cũng cần khán giả.

Cổ động viên là những người khách quan và công tâm nhất cho mọi sự thành công trong bất cứ môn thể thao nào. Khán giả đôi khi là động lực tinh thần để giành chiến thắng nhưng nhiều khi cũng là thách thức lớn mà muốn thành công, vận động viên phải vượt qua. Mới đây có tin VĐV cử tạ Quốc Toàn của Việt Nam bị mất huy chương vì những tiếng cổ vũ của hai du học sinh Việt Nam đã làm anh “giật mình” và mất tập trung. Vậy mới thấy khán giả có tác động lớn đến thế nào đến thành tích của vận động viên.

VĐV Trần Lê quốc Toàn - Ảnh : Internet

Chuyện Quốc Toàn bị mất huy chương phần nào có thể đổ lỗi cho những khán giả Việt Nam vẫn còn thiếu chuyên nghiệp trong sự cổ vũ, nhưng trước hết cũng phải trách VĐV ta đã không được chuẩn bị kĩ lưỡng về mặt tâm lí.

Hãy nhìn sang sự chuẩn bị của những nước khác để thấy ngoài chuyên môn, VĐV của họ được chuẩn bị tâm lí tốt đến thế nào. Những cầu thủ trẻ Hàn Quốc đã nhận được sự thán phục khi không hề mất bình tĩnh dù phải thi đấu với đội chủ nhà, trên sân ngập tràn cổ động viên Anh quốc. Thậm chí trong những môn thể thao cần sự tập trung cao động khi mà khán giả không mấy khi gây ồn ào thì VĐV vẫn được chuẩn bị để đối phó với những ảnh hưởng xung quanh. Theo Giám đốc của hiệp hội bắn cung Hàn Quốc, để rèn luyện tâm lý vững vàng cho Olympic, các VĐV bắn cung đều phải tập luyện trong một sân bóng chày đông đúc với những tiếng la hét từ phía khán giả, ồn ào hơn rất nhiều so với môi trường mà họ sẽ thi đấu tại Olympic. Và thực tế đã chứng minh sự thành công của đoàn Hàn Quốc tại Olympic lần này.

Hay như VĐV điền kinh Usain Bolt, ngay trước khi xuất phát ở cự ly 100m, bị một khán giả quá khích ném một cái chai về phía anh nhưng điều đó không hề làm ảnh hưởng tới anh. Dưới sự hò hét của 80 ngàn cổ động viên Bolt vẫn thể hiện những bước chạy thần tốc và trở thành người đàn ông nhanh nhất hành tinh.

Thực tế cho thấy, các vận động viên của chúng ta thật sự yếu về mặt tâm lí khi phải thi đấu dưới áp lực từ phía khán giả. Nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam không ít lần “cóng” khi thi đấu ở Mỹ Đình dưới sự cổ vũ của khán giả nhà. Sẽ ra sao nếu họ thi đấu ở Wembley hay sân Olympic với sức chứa gấp nhiều lần?

Trở lại với chuyện của Quốc Toàn, lý do khiến anh đánh mất huy chương dường như rất lãng xẹt, mang đến cảm giác tiếc nuối khi đoàn TTVN trắng tay ở Olympic London 2012. Nhưng cần hiểu rằng, nếu 2 du học sinh kia không hò hét, sẽ có những người khác gây ra tiếng ồn và nó xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào. Nghĩa là trừ khi thi đấu trong... phòng kín thì mới được yên tĩnh tuyệt đối.

Đừng nghĩ rằng khắc phục vấn đề này là đơn giản. Nó chính là biểu hiện của tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ cách cổ vũ. Và chuyên nghiệp ở sự chuẩn bị, mang tính quá trình. Trong thi đấu đỉnh cao, sự khác biệt giữa kẻ chiến thắng và người chiến bại đôi lúc chỉ là 1% giây. Tương tự, những chuyện rất nhỏ như cách đương đầu với tiếng cổ vũ là đủ khiến người ta tiếc nuối đớn đau.

Tường Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục