Cuộc đối đầu với U22 Thái Lan tại lượt trận cuối cùng bảng B thực tế yêu cầu những sự tính toán kĩ lưỡng về mặt nhân sự của ban huấn luyện U22 Việt Nam. Một phần bởi lịch thi đấu dày đặc, một phần bởi chúng ta đã chắc chắn có tấm vé vào chơi tại bán kết.
Khuất Văn Khang
Không phải ngẫu nhiên mà tiền vệ sinh năm 2003 của lò đào tạo Viettel giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Chơi trọn vẹn 90 phút với 2 vai trò thi đấu hoàn toàn khác nhau ở mỗi hiệp, Văn Khang chứng minh năng lực của mình với phẩm chất kĩ thuật, sự dẻo dai và độ đột biến khi ở gần khung thành đối phương.
Chơi trong vai trò wing-back trái trong 45 phút thi đấu đầu tiên, Văn Khang là nhân tố chính đóng góp vào 2 cơ hội nguy hiểm nhất của U22 Việt Nam trong quãng thời gian này. Dù đây không phải là vị trí sở trường của cầu thủ sinh năm 2003, nhưng tư duy chơi bóng giúp tiền vệ mang áo số 8 hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ của mình, với khả năng quan sát và đọc trận đấu ấn tượng.
Trận đấu còn trở nên quen thuộc hơn với Văn Khang khi Minh Trọng và Tuấn Tài được tung vào sân ở đầu hiệp 2. Số 8 của U22 Việt Nam trở lại với vai trò quen thuộc của mình ở vị trí tiền vệ tấn công lệch phải. Chọn vị trí một cách kiên nhẫn, những động tác nhận bóng, xử lý gọn gàng ở khoảng trống giữa hai tuyến được Văn Khang thực hiện chuẩn chỉnh.
Bên cạnh tư duy chơi bóng và tố chất kĩ thuật rất đặc trưng của một sản phẩm của lò đào tạo Viettel, điểm đặc biệt ở Văn Khang so với những cầu thủ thuộc lứa cầu thủ này của U22 Việt Nam là độ dẻo dai và bền bỉ thuộc dạng hiếm.
Cả trong tấn công, phòng ngự, và các tình huống chuyển đổi, cầu thủ sinh năm 2003 đều tham gia hoạt động xuyên suốt cả trận đấu mà gần như không có bất cứ một dấu hiệu nào của sự mệt mỏi.
Số 8 của U22 Việt Nam có thể nói sẽ là một quân bài chiến thuật cực kì giá trị trong tay ông Troussier ở những trận đấu quyết định.
Nguyễn Văn Trường
Cũng được sử dụng trong hai vai trò khác nhau trong cuộc đối đầu với U22 Thái Lan là Nguyễn Văn Trường, một cầu thủ sinh năm 2003 khác. Nếu như số 14 không thể hiện được quá nhiều điều trong hiệp thi đấu thứ nhất ở vai trò tiền vệ tấn công lệch phải, thì khi Văn Khang được đẩy lên thay thế ở hiệp hai, Văn Trường như cá gặp nước khi được hoạt động ở khu vực chính diện khung thành đối phương.
Sản phẩm của lò đào tạo bóng đá Hà Nội là một mẫu cầu thủ hiếm có ở lứa U22 này. Một cầu thủ có tầm vóc, kĩ thuật cơ bản và chơi hay khi được đặt vào vị trí của một tiền vệ tấn công hoặc tiền đạo lùi. Tư thế thân người trong những động tác giữ bóng và xoay trở của Văn Trường là thứ được thể hiện cực kì bản năng.
Trở thành một điểm nhận thường trực ở khu vực trước vòng 16m50, Văn Trường kết nối Văn Khang và Thanh Nhàn để khiến nhịp độ tấn công của U22 Việt Nam trở nên khó lường hơn trong hiệp thi đấu thứ 2.
Hình ảnh U22 Việt Nam với 3 cầu thủ trên hàng công đều sinh năm 2003 đã để lại những dấu ấn đậm nét trong hiệp 2 của cuộc đối đầu với U22 Thái Lan.
Văn Trường có thể chưa có được độ nhạy bén trong vòng 16m50 như người đàn anh Văn Tùng, nhưng cũng giống như Văn Khang, số 14 của U22 Việt Nam sẽ trở thành một quân bài chiến lược ở quãng thời điểm 30 phút cuối cùng của trận đấu với tinh thần thi đấu không thể chê của mình.
Nguyễn Ngọc Thắng
Nếu như cả Văn Khang và Văn Trường đều đã có cơ hội để thể hiện trước cuộc đối đầu với U22 Thái Lan, thì trường hợp của trung vệ Ngọc Thắng có lẽ là một bất ngờ với những gì cầu thủ thuộc biên chế Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã thể hiện.
Điềm tĩnh khi có bóng, đủ khả năng phát triển bóng lên phía trước với những lựa chọn đầy kinh nghiệm, giữ cự ly đội hình tốt và đặc biệt là mạnh mẽ ở những tình huống tranh chấp trước mặt, màn trình diễn của Ngọc Thắng trước U22 Thái Lan có thể nói là không thua kém gì so với Tiến Long hay Duy Cương ở những trận đấu trước đó.
So với Tiến Long và Duy Cương, cầu thủ thuộc biên chế Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng tỏ ra không thua kém gì về bản lĩnh thi đấu.
Ngọc Thắng đã là cầu thủ ra sân thường xuyên tại giải hạng nhất quốc gia năm ngoái trong màu áo CLB Long An, và ở mùa giải này, là cầu thủ đá chính trong đội hình Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, cũng ở vai trò trung vệ lệch phải trong hệ thống 3-4-3.
Sẽ là không bất ngờ nếu Ngọc Thắng có cơ hội được đá chính ở những trận đấu quan trọng sắp tới của U22 Việt Nam. Một người giải quyết tốt những vấn đề mà cả Duy Cương và Tiến Long đang mắc phải, khi vừa bình tĩnh trong khâu triển khai bóng, và cũng đầy quyết liệt ở những tình huống tranh chấp cần sự mạnh mẽ để không cho đối thủ xoay trở.
Bên cạnh những sự thử nghiệm đầy tích cực ấy trước U22 Thái Lan, có lẽ ông Philippe Troussier cũng đã có được sự nhìn nhận toàn diện hơn ở khu vực giữa sân. Đức Phú và Thái Sơn đã chơi trọn vẹn cả 3 trận đấu trước đó và cho thấy nguồn năng lượng dồi dào của mình để quán xuyến khu vực trung lộ.
Trong khi đó, Nhật Nam và Công Đến, những học trò đã làm việc với ông Troussier từ thời U19 Việt Nam lại không cho thấy được sự chắc chắn và tính kiểm soát trong lối chơi của mình, mặc dù cả hai là những người được đánh giá rất cao ở khả năng điều tiết nhịp độ.
Trong hành trình 4 trận đấu đã qua của U22 Việt Nam, mỗi trận đấu đều là một bài học quý giá cho HLV Philippe Troussier và các học trò.
Nếu như ở những trận đấu trước đó là câu chuyện của bản lĩnh và sự tự tin, thì chắc hẳn, cuộc đối đầu với U22 Thái Lan mang đến niềm tin cho ban huấn luyện về sự đồng đều ở chất lượng đội hình, thứ giúp U22 Việt Nam sẵn sàng cho cuộc đối đầu với U22 Indonesia ở bán kết.