Thành đạt từ thể thao: Không tự ti về nghề

23:45 Thứ hai 21/03/2016

“Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình giải nghệ sớm vì đau tim nhưng giờ hạnh phúc với công việc ở Tỉnh đoàn Quảng Ngãi. Cơ thủ Nguyễn Phúc Long chia tay sự nghiệp ở đỉnh cao và hài lòng với nghề báo kiêm doanh nhân…

Thể thao Việt Nam chứng kiến không ít trường hợp VĐV phải giải nghệ ở đỉnh cao sự nghiệp vì bệnh tật, tai nạn, chấn thương,... Có người sụp đổ niềm tin, kéo theo hoàn cảnh gia đình, cuộc sống cá nhân lâm vào bế tắc, khó khăn. Ngược lại, có người biết chọn lựa thời điểm để đứng dậy, vươn lên mạnh mẽ vì với họ, thể thao không phải nghề bạc bẽo nếu biết tư duy, vận dụng tốt cho một công việc mới, cuộc sống mới.

Bài học từ “nữ hoàng chân đất”

Năm 2013, tại Myanmar, một cô gái với thân hình nhỏ nhắn nhưng có những bước chạy dũng mãnh trên đôi chân trần đã khiến giới truyền thông quốc tế ngỡ ngàng khi xuất sắc cán đích ở vị trí số 1 nội dung marathon của SEA Games 27. Đó là Phạm Thị Bình, cô gái quê Quảng Ngãi, được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất”, người không bao giờ mang giày khi thi đấu ở nội dung vốn bị xem là khắc nghiệt nhất trong môn điền kinh.

Phạm Thị Bình trong một đợt hoạt động từ thiện của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sinh năm 1990, Bình có một tương lai hứa hẹn đầy xán lạn, một cô gái vàng của thể thao Việt Nam. Ấy vậy mà chỉ 8 tháng sau SEA Games, tin dữ liên tiếp ập đến với “nữ hoàng chân đất”. Cô bị đau ngực nên được Trung tâm Huấn luyện thể thao Đà Nẵng gửi ra Bệnh viện Thể thao Việt Nam chẩn đoán. Sau khi có kết quả, các bác sĩ đã gửi một tờ kết luận: “Phạm Thị Bình có dấu hiệu tái phát bệnh tim nên không được phép thi đấu để bảo vệ tính mạng.” Mọi thứ như sụp đổ với Bình khi cô bị Liên đoàn Điền kinh Việt Nam gửi trả về địa phương, bất chấp “nữ hoàng chân đất” đã đến thẳng Viện Tim mạch quốc gia tái khám và được nơi đây kết luận đủ khả năng thi đấu đỉnh cao.

Không thuyết phục được lãnh đạo ngành, Phạm Thị Bình chính thức giải nghệ sau khi giành HCV nội dung marathon tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Tuy nhiên, trong thời điểm nhiều người bắt đầu liên tưởng đến cuộc sống khó khăn mà Bình sẽ đối mặt sau ánh hào quang thì cô gái vàng của điền kinh Quảng Ngãi lại có bước rẽ đầy mạnh mẽ đến bất ngờ.

Với tên tuổi đã tạo dựng được, Phạm Thị Bình tham gia tích cực vào các hoạt động của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng như Chi đoàn Công ty Nước khoáng Thạch Bích, nhà tài trợ cho cô trong suốt 3 năm thi đấu đỉnh cao. Sự năng nổ đã giúp cô được nhà tài trợ nhận vào làm trong công ty, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong công tác của Tỉnh đoàn. Tất cả hoạt động mang tính xã hội, Bình đều tích cực tham gia.

Đầu năm 2015, trong khi nhiều đồng đội tích cực tập luyện cho SEA Games 28 ở Singapore thì Phạm Thị Bình vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều khi cô vừa tham gia công tác đoàn thể ở Quảng Ngãi vừa kiêm vai trò HLV điền kinh của trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT của tỉnh nhà. Không những luôn hoàn thành tốt các công việc mới, Bình còn mạnh dạn thử sức ở mảng kinh doanh trang phục thể thao trên mạng xã hội. Nhờ đó, cuộc sống kinh tế trong gia đình nhỏ của Phạm Thị Bình và Văn Đại, người chồng mới cưới, luôn ổn định.

“Giới điền kinh Việt Nam có không ít VĐV sa cơ lỡ vận sau khi giải nghệ. Điều này khiến không ít VĐV trẻ tự ti với chính nghề nghiệp mình lựa chọn. Tôi may mắn khi giải nghệ được tỉnh nhà quan tâm, tạo nhiều điều kiện phát triển công việc mới. Có dịp tiếp xúc với mọi người, họ thường lấy tôi ra làm ví dụ để khuyên nhủ các VĐV điền kinh rằng thể thao không phải lúc nào cũng bạc bẽo với mình. Quan trọng là biết cách để nâng uy tín bản thân cũng như lựa chọn công việc mới thích hợp với năng lực của mình, tất yếu sẽ thành công.” Phạm Thị Bình chia sẻ.

Cây cơ vàng làm phóng viên

Nguyễn Phúc Long là cơ thủ pool duy nhất của Việt Nam từng lọt vào tốp 20 thế giới (hạng 19). Cơ thủ người Hà Nội từng giành HCV nội dung pool 9 bi ở SEA Games 2009, thời điểm mà các nội dung pool chứng kiến sự thống trị tuyệt đối của các cơ thủ Philippines. Sự nghiệp đang thăng hoa, liên tục khoác áo tuyển Việt Nam dự tranh các giải quốc tế, bất ngờ đến năm 2011, cơ thủ người Hà Nội đột ngột rẽ sang hướng đi mới: làm phóng viên kênh VOV giao thông, cộng tác viên kiêm biên tập viên của chương trình dạy đánh billiards & snooker trên VTV.

Phúc Long nói: “Không hẳn là từ bỏ sự nghiệp bởi billiards, đặc biệt là nội dung pool, đã ngấm vào máu thịt, là niềm đam mê bất tận của tôi. Đó là lý do tôi tích cóp tiền thưởng của nhiều năm thi đấu để thuê mặt bằng kinh doanh cửa hàng billiards tại Hà Nội. Việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng cuộc sống của tôi luôn cảm thấy cân bằng giữa đam mê và trách nhiệm trụ cột kinh tế gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều năm thường xuyên thi đấu quốc tế, tôi học hỏi được rất nhiều cái hay và cảm thấy nghề phóng viên cũng phù hợp với bản thân. Đó là lý do tôi chọn thử sức ở VOV giao thông.”

Sau đó, khi VTV đưa ra đề nghị làm cộng tác viên kiêm bình luận chính cho chương trình “Chuyên gia tư vấn billiards”, Phúc Long nhận lời. Anh nói thêm: “Có người hỏi tôi có nuối tiếc khi chia tay billiards khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, tôi nói mình hài lòng vì thực ra cuộc sống đòi hỏi phải biết thích nghi. Quan trọng là chúng ta biết cách đứng vững trong mọi hoàn cảnh, đừng quá tiếc nuối vì biết đâu, cơ hội đang chờ chúng ta ở một con đường khác.”

Không khó trở lại

Phạm Thị Bình cho rằng khi công việc mới đã ổn định, cô có thể toàn tâm toàn ý trở lại với đường đua nhưng trong cương vị mới là HLV. “Các học trò của tôi đã giành được một số thành tích nổi bật tại giải vô địch điền kinh trẻ quốc gia. Đó là động lực để cô và trò cùng cố gắng.” Phạm Thị Bình nói.

Minh Ngọc | 22:39 21/03/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục