Nhìn lại đường chuyền kiến tạo của Xuân Trường, nghĩ tới tương lai bóng đá Việt Nam

18:50 Thứ sáu 25/03/2016

(TinTheThao.com.vn) - Tuyển Việt Nam vừa giành chiến thắng 4-1 trước tuyển Đài Loan ở lượt trận áp chót vòng loại World Cup 2018 - khu vực châu Á, trong trận đấu chính thức đầu tiên của tiền vệ Lương Xuân Trường. Về phía Việt Nam, nổi bật nhất trong trận đấu này cũng chính là Xuân Trường với những pha kiến tạo táo bạo xé toang hàng thủ Đài Loan. Trước khi hiệp một kết thúc, nhận bóng từ Xuân Trường bấm qua hàng hậu vệ, Văn Toàn chạy chỗ hợp lý ghi bàn thứ hai của riêng mình bằng một cú sửa bóng kỹ thuật.

Những đường chuyền dọn cỗ kiểu Xuân Trường là của hiếm trong bóng đá Việt Nam, không nhiều cầu thủ tiền vệ có thể thực hiện được. Đôi khi cũng cần phải có may mắn để phối hợp ăn ý với đồng đội. Tuy nhiên khi quan sát kỹ rõ ràng những đường chuyền kiểu này vẫn còn rườm rà và chậm nhịp.

Khi nhìn lại đường chuyền của Xuân Trường, chúng ta thấy Trường đã mất ba nhịp mới có thể đưa ra một đường chuyền. Đầu tiên Trường nhận bóng từ Công Vinh, đỡ một nhịp, lúc này xung quanh Trường chưa có cầu thủ áo xanh nào.

Tiếp theo đó Trường dùng chân gẩy bóng sang bên phải, là bên chân thuận của Trường, lúc này đã có 2 bóng áo xanh từ phía sau ập vào

Nhịp thứ ba Trường dùng chân phải bấm bóng qua hàng hậu vệ Đài Loan, ngoài hai cầu thủ áo xanh phía sau thì đã có thêm một hậu vệ kịp ra phía trước chặn bóng, tổng cộng có ba người, trong đó cầu thủ số 11 đã ra chân truy cản.

Cách đây không lâu, cựu cầu thủ Đặng Phương Nam có bài viết rất ngắn gọn và chính xác về tư duy của cầu thủ. Theo đó đẳng cấp của 1 cầu thủ sẽ được đánh giá khi họ thực hiện vòng tròn: "SEE-THINK-DO" trong thời gian ngắn nhất và hiệu quả nhất. Cũng theo quan điểm của Đặng Phương Nam, ở Việt Nam mới chỉ huấn luyện kỹ năng, kỹ thuật là huấn luyện bước "DO" cho cầu thủ. Còn "SEE" hay "THINK" thì gần như chưa nói đến; và đường chuyền của Xuân Trường phản ánh rõ điều này.

Cầu thủ Việt Nam mới chỉ có khả năng thực hiện (DO) chứ khả năng phân tích (THINK) và quan sát (SEE) còn rất yếu. Nếu có sự phân tích và quan sát tốt, trong pha bóng của Xuân Trường, thay vì đỡ bóng ra trước mặt rồi gẩy sang phải, Trường có thể đỡ bóng chuyển hướng sang bên phải rồi chuyền luôn để có thể giảm bớt một nhịp thừa. Nếu như thi đấu với đối thủ mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn, chưa chắc Xuân Trường đã có đủ thời gian xử lý, bởi chỉ chậm một tích tắc nữa thôi, cầu thủ đội bạn đã có thể kịp lao về cản phá.

Một trong những bậc thầy về đỡ bóng – chuyển hướng là Zinedine Zidane, mỗi cú đỡ bóng là một lần đổi hướng hoặc đánh lừa đối phương. Thay vì đỡ bóng chỉ để đỡ bóng, Zidane có thể biến pha đỡ bóng thành một đường chuyền, đường kiến tạo ngay lập tức. Tuy nhiên thời của Zidane cũng đã xa rồi vì với những cầu thủ đẳng cấp thế giới hiện nay thì họ có thể còn không cần phải đỡ, mà bấm bóng luôn cho tiền đạo. Như vậy thời gian xử lý một pha bóng cực nhanh đồng thời khả năng đột biến cao hơn nhiều nếu như có đồng đội hỗ trợ tốt.

Đó là lý do những đội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan khi đá với ta rất ung dung, nhàn nhã mà vẫn thắng Việt Nam hùng hục, vất vả. Họ chỉ xử lý bóng vài tích tắc mà vẫn hiệu quả hơn cầu thủ Việt Nam vài chục giây chạy theo quả bóng.

Rõ ràng mặc dù Xuân Trường là một trong những tiền vệ hàng đầu của Việt Nam hiện nay, nhưng cách thức tiếp cận và xử lý của Trường  vẫn còn nhiều nhược điểm và cần phải tiếp tục cải thiện mới hy vọng đua tranh ở đấu trường châu lục. Thay vì chỉ tập kỹ thuật các cầu thủ, HLV cần dành nhiều thời gian phân tích chi tiết kỹ thuật từng pha bóng của những đội bóng hàng đầu, điều này góp phần nhanh chóng bắt kịp sự phát triển của bóng đá thế giới.

(Bạn đọc: Trần Khánh Hưng)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

18:30 25/03/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục