Ngoại hạng Anh đang xuống cấp?

09:59 Thứ sáu 15/03/2013

Những con số thống kê vốn không gần gũi với mọi người như với những tổ chức tạo ra nó. Sự kiện Ngoại hạng Anh mất dạng từ vòng tứ kết Champions League năm nay gây chú ý khi người ta giật mình phát hiện đã 17 năm chưa có “ngày này”. Tuy nhiên, chỉ vì một mùa giải với những kết quả mang tính thời điểm mà cho rằng người Anh đang xuống cấp thì cũng không hoàn toàn chính xác. Có chăng, thất bại này chỉ giúp Premier League đặt ra những kế hoạch mới để trở lại hiệu quả hơn.

La Liga trỗi dậy

Công bằng mà nói, La Liga có lẽ vẫn là giải đấu sở hữu hai câu lạc bộ mạnh nhất hiện nay. Cái “mạnh” ở đây có lẽ được chỉ định nhờ hai yếu tố lớn: chất lượng đội hình cao nhất thế giới, và độ chênh lệch khi đá với các đối thủ trong nước rõ rệt nhất. Cảm giác thì như vậy, song thực tế cũng không có sự vượt trội quá rõ giữa Barca và Real với các đối thủ mạnh ở châu Âu. Hãy nhìn cách Real bế tắc trước một M.U ít sao hơn hẳn cho đến trước khi chơi hơn người, rồi lại nhìn chính cách Barca bại trận trước một Real đá không hết sức, rõ ràng chúng ta không thể đưa ra một sự so sánh bắc cầu chuẩn mực nào.

Bóng đá rất phong phú, và việc tách Real hay Barca khỏi phần còn lại ở thời điểm này rõ ràng chỉ là cảm giác mà thôi. Những kỷ lục hay sự thống trị của Barca ở La Liga mùa giải này được hưởng lợi lớn từ hàng loạt phát đạn mà Real tự bắn vào chân mình. Còn truyền thống của các đội bóng “bên lề” tại Tây Ban Nha vốn không có việc cố gắng vô hiệu hóa tiquitaca, đơn giản họ có những mục tiêu vừa sức hơn để kiếm điểm.

Một năm trầm xuống về kết quả, nhưng bóng đá Anh vẫn đầy hy vọng để nhanh chóng trở lại. Ảnh: Internet.

Bên phía Real, Mourinho đang có mùa giải ấn tượng ở mặt trận “Siêu kinh điển”, song đội bóng áo trắng vẫn thiếu sự hoàn hảo của Chelsea ngày nào, họ tấn công chệch choạc khi đối phương thủ kỹ, và phòng ngự không lấy gì làm xuất sắc – ngoại trừ trước Barca. Cả khi bằng nhau lẫn khi hơn một người, Real đều đã để MU tạo ra nhiều pha bóng nguy hiểm ở cuộc đối đầu vừa qua, trong khi dàn hỏa lực khủng khiếp của họ chìm nghỉm trước khi trọng tài Cakir rút thẻ cho Nani.

Một sự thật khác là những lá thăm cũng như yếu tố khách quan rất ủng hộ La Liga ở vòng 1/16. Real bốc được M.U tưởng như “cửa dưới”, song thắng được cũng phải nhờ một pha bóng trời ơi mà ít ai đoán trước được đó là thẻ đỏ.

Trong khi đó, Milan tuy chơi hay ở lượt đi song lại quá bạc nhược ở lượt về, thiếu mạnh mẽ, liên tục mắc lỗi, tấn công bị cùn, dẫn đến Barca dễ dàng “vào phom” và mạnh tay vùi dập. Cũng không có gì quá lạ, chất lượng chuyên môn từng cá nhân của hai đội khác biệt rõ rệt trong từng pha xử lý, và 11 ngôi sao sáng hơn đáng ra phải chiến thắng từ lượt đi mới phải. Đội “yếu” nhất của Tây Ban Nha là Malaga thì may mắn đụng một Porto không quá mạnh, rất phù hợp để vượt qua. Tất cả những thuận lợi trùng nhau ấy làm nên kết quả là có tới ba đội La Liga dắt nhau vào tứ kết.

Cái thiếu của bóng đá Anh

Dĩ nhiên chẳng tự hào chút nào với Premier League khi bao lâu vẫn mang danh hấp dẫn nhất hành tinh mà từ vòng 16 đội đã bị loại sạch sẽ. Bây giờ ở Anh không có một câu lạc bộ nào hội đủ hai yếu tố: đẳng cấp ổn định và đội hình siêu sao, điều mà Real hay Barca đang có. Ngắn gọn thì, đội đủ đẳng cấp lại không có nhân lực để phát huy tối đa đẳng cấp đó, còn đội rủng rỉnh tiền bạc, mua sắm thả phanh thì lại vẫn đi tìm, hoặc đã đánh rơi phần nào đẳng cấp của mình.

Không nhiều người nghĩ M.U sẽ chơi tốt như thế trước Real. Không có sự lép vế và bị động, thay vào đó là cách đá khôn ngoan, hiệu quả, ngang tầm, dù cho nhìn qua, đội hình của họ hoàn toàn thua thiệt. Thử hỏi nếu Real cũng như M.U, cực kỳ kỹ lưỡng và khắt khe với các bản hợp đồng, chịu khó xoay sở với những cái tên hạng khá, thì liệu họ đang ở đâu? khi mà chính sách “Giải ngân hà” suốt bao nhiêu năm còn chẳng mang về nhiều vinh quang ngoài châu lục. Arsenal - một kiểu bóng đá Anh vị nghệ thuật, hãy xem họ đã làm gì trước Bayern – đội được tung hô như ứng cử viên vô địch, ngay trên đất Đức. Và hãy nhìn lại những cầu thủ của họ để lại thấy rằng cái thiếu ở đây chỉ là cá nhân, Bayern đã phải đau tim để thắng sát nút trong khi bộ khung của họ vượt mọi mặt so với những gì Wenger có trong tay.

Man City hay Chelsea thì lại là những hoàn cảnh khác. Các “đội bóng tư nhân” này có đủ tiềm năng tài chính để “lấp lánh” hơn những M.U, Arsenal về mặt con người, song họ lại sử dụng nó không hợp lý, cũng như tổng thể cách làm bóng đá không mấy vững bền. Vung ra biết bao nhiêu triệu bảng, song The Blues mau chóng chứng minh giấc mơ bóng đá đẹp vẫn chỉ là trong ý nghĩ, không có bộ mặt, phong cách ổn định nào dù họ liên tục thay huấn luyện viên. Chức vô địch châu Âu mùa trước là thành quả của thế hệ tốt nhất được Mourinho dựng xây bài bản từ đầu, còn từ đó trở đi, chẳng còn gì đặc biệt để người ta nhớ về đội bóng. Man City thì quẩn quanh với một vị thuyền trưởng dường như đã ở giới hạn, nếu vẫn cứ tà tà thế này thì năm sau, việc tiếp tục rời sân trong một “bảng tử thần” khác là rất có thể.

Liverpool cũng đánh mất mình đã khá lâu. Sự trục trặc mang tính hệ thống hoặc những hạn chế từ các chính sách đã khiến bóng đá Anh hiện nay không có nhiều đội bóng mạnh thực sự khi bước ra ngoài biên giới. Được người thì thiếu lối chơi, được lối chơi thì thiếu người, đôi khi thiếu may mắn, có vẻ đây đúng là chu kỳ xuống thấp về thành tích với các câu lạc bộ xứ sương mù.

Song phải khẳng định lại, M.U hay Arsenal vẫn là những hình mẫu đáng nể nếu nhìn dưới góc độ hiệu quả của một tập thể được lắp từ các cá nhân. So với mùa trước, thậm chí M.U đã mạnh lên, hay hơn cả ở trong nước lẫn Champions League còn Arsenal dù ít thì cũng đã bắt đầu đầu tư “có lý” nhiều hơn. Cũng chưa biết Chelsea hay Man City sẽ thế nào, chỉ cần được lái đúng hướng đó cũng sẽ là các ông lớn đúng nghĩa. Thêm cả Tottenham, bóng đá Anh đang đầy hứa hẹn, nó chỉ hụt hơi một cách tạm thời, chẳng có gì lớn lao cả. Và có lẽ Premier League vẫn sẽ là giải đấu đáng xem nhất trong thời gian tới với sự muôn màu và khó lường của nó.
Trần Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục