Một đất nước, hai giải đấu, hai ĐTQG: Điều gì đang xảy ra với bóng đá Indonesia?

14:27 Thứ hai 01/10/2012

ĐT Indonesia đã phải hủy trận giao hữu tại Việt Nam hôm thứ Bảy 22/9 vừa qua và từ chối cung cấp lý do. Nhưng những ai quan tâm đến nền bóng đá này đều hiểu rằng nó đang trải qua một cơn ác mộng dài chưa thấy hồi kết...

CUỘC NỔI LOẠN CỦA CÁC ÔNG BẦU

Cách đây vài năm, LĐBĐ Indonesia (PSSI) quyết định lập ra một công ty để tổ chức giải VĐQG nước này. Công ty này mang tên Liga Indonesia (LI). Công ty LI ban đầu do PSSI nắm tới 99% cổ phần. Nghĩa là về thực chất, giải VĐQG Indonesia vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp của Liên đoàn. Tới năm 2009, công ty LI thành lập Indonesia Super League, giải đấu hạng cao nhất của xứ Vạn đảo.

Nhưng ngày 27/10/2011, tại Đại hội LĐBĐ Indonesia được tổ chức tại Bali, các ông bầu CLB đang dự Super League đã thực hiện một cuộc “đảo chính”. Trong đại hội đó, họ ép LĐBĐ phải nhường lại quyền kiểm soát công ty LI cho mình. Kết quả là gió đổi chiều: 99% cổ phần của công ty LI thuộc về 18 CLB đang dự Super League, còn Liên đoàn chỉ nắm 1%. Các ông bầu chính thức tự làm chủ số phận của họ.

Nguyên nhân của cuộc “đảo chính” ấy, là từ một quyết định của chủ tịch Liên đoàn Djohar Arifin Husin. Tháng 8/2011, ông đã ký quyết định thu hồi quyền tổ chức giải VĐQG Indonesia của công ty LI với lý do công ty này không minh bạch tài chính.

Các ông bầu phản đối: họ cho rằng quyết định bổ nhiệm LI làm nhà tổ chức giải bóng đá Indonesia được thông qua ở Đại hội Liên đoàn, thì không có lý gì quyền ấy lại bị thu hồi bởi chữ ký của mình ông chủ tịch. Các CLB kêu gọi tiến hành một Đại hội bất thường tại Bali. Và trong Đại hội ấy, cuộc đảo chính diễn ra.

Cuộc đảo chính ấy đã được tiến hành với những thủ thuật chính trị bài bản, để phía LĐBĐ không thể chống trả. Chống trả sao được khi giấy mời họ tham dự Đại hội bất thường được gửi đến... nhầm địa chỉ, và khi họ nhận được nó, đã đến sát ngày ấn định?

Đội bóng nào sẽ đại diện cho Indonesia tại AFF Cup tới đây?

Chính sau ngày 27/10 ấy, nền bóng đá Indonesia bắt đầu rơi vào một cơn ác mộng. Các CLB mạnh nhất đất nước, những thành viên của Super League, hay nói cách khác là cái “công ty LI” mà PSSI vừa mất quyền kiểm soát, quyết định không quay về dưới trướng LĐBĐ. Họ quyết định sẽ vẫn tổ chức Super League 2011/12 như thường. LĐBĐ muốn lấy lại quyền tổ chức giải VĐQG? Thế thì xin mời đi chọn các CLB hạng dưới để lập giải VĐQG mới.

Từ hôm đó, Indonesia có 2 hệ thống thi đấu. Xin nhấn mạnh là “hệ thống thi đấu”. Công ty LI (hay chúng ta có thể gọi là “công ty Ly Khai”) và công ty LPIS do Liên đoàn mới thành lập đều tổ chức một hệ thống gồm 5 hạng đấu, với những thể thức khác nhau và những CLB khác nhau.

ĐỘI TUYỂN CHUNG KHÔNG AI KHÓC

Không cần nói cũng biết trong số 2 giải đấu, “giải đểu” của công ty LI tổ chức và “giải xịn” của LĐBĐ Indonesia tổ chức, cái nào chất lượng hơn. Các thành viên của công ty LI vốn đang là những CLB mạnh nhất, giàu truyền thống nhất và giàu có nhất Indonesia trước khi “chiến tranh” xảy ra kia mà?

Thậm chí, những CLB như Persija Jakarta hay Persib Bandung còn là những người đã... sáng lập nên LĐBĐ Indonesia vào năm 1930. Nghĩa là nghiễm nhiên những cầu thủ tốt nhất của Indonesia thi đấu tại 18 CLB Super League, chứ không phải cái “Premier League” mà Liên đoàn mới lập.

Trong một vài bài báo rộ lên trong thời gian gần đây, bạn sẽ bắt gặp thông tin các thành viên của Super League từ chối cung cấp cầu thủ cho ĐTQG (vì ghét LĐBĐ?). Thực tế hoàn toàn khác: chính FIFA đã cấm PSSI không được phép gọi các cầu thủ đang “thi đấu lậu” ở cái giải ly khai kia vào ĐTQG Indonesia.

FIFA đã gây sức ép rất lớn lên PSSI và yêu cầu họ phải giải quyết mớ bùng nhùng mà cuộc ly khai đã tạo ra. Hồi tháng 3/2012, tổ chức này thậm chí đã dọa sẽ cấm Indonesia thi đấu trên trường quốc tế nếu họ không thể thống nhất giải VĐQG nước mình. Nhưng PSSI hoàn toàn bất lực trước thực tế. Super League quá giàu có để phải e sợ những sức ép.

Một nỗ lực “làm lành” đã được thực hiện hồi đầu tháng 8, khi PSSI vẫn quyết định triệu tập 5 cầu thủ hàng đầu của Super League vào ĐTQG cho trận giao hữu với Valencia (một trận đấu không chính thức, coi như không vi phạm luật của FIFA). Nhưng Super League muốn chống đối LĐBĐ đến tận cùng: cả 5 người này bị gọi trở lại, như một tuyên ngôn tẩy chay quyết liệt.

Bambang Pampukas, cầu thủ nổi tiếng nhất thế kỷ... 21 của Indonesia, chân sút đứng thứ 5 trong lịch sử AFF Cup và là cầu thủ chơi nhiều trận nhất cho ĐTQG sẽ khó có cơ hội góp mặt tại AFF Cup 2012. Anh hiện vẫn đang thi đấu tại Persija Jakarta, một CLB đã ly khai.

Sau khi cùng 4 đồng đội khác tại Super League về tập trung ĐTQG cho trận gặp Valencia, Pampukas bị gọi về, triệu đến một cuộc gặp với chủ tịch CLB, bị phạt một khoản tiền lớn kèm một lời cảnh cáo. 3 ngôi sao khác, Firman, Ponaryo và Ridwan cũng bị CLB Sriwijaya (nhà vô địch Super League) cảnh cáo vì “tội” về thi đấu cho ĐTQG.

“Chúng tôi đã đáp lại lời triệu tập về ĐTQG và tưởng rằng mình có thể góp phần giải quyết mối xung đột bất tận trong nền bóng đá. Nhưng hóa ra chúng tôi đã nhầm” – Ponaryo Astaman, người đáng ra phải đeo băng đội trưởng của Indonesia tại AFF Cup 2012 nói với báo chí – “Chúng tôi chỉ còn biết quay trở lại CLB và chờ mọi chuyện được giải quyết”.

Kết quả là ĐT Indonesia hiện tại chỉ còn được chắp vá bởi những cầu thủ trẻ. Thậm chí, với việc xin hoãn trận giao hữu với ĐT Việt Nam, người ta có quyền nghi ngờ PSSI đang không thể thành lập nổi một ĐTQG. Không ai dám nghĩ tới thành tích của Indonesia tại AFF Cup 2012 nữa. Với tình hình rối ren như hiện tại, thậm chí việc họ có được FIFA cho phép thi đấu quốc tế không vẫn còn bỏ ngỏ.

Thậm chí, các đại diện Super League còn đang lên kế hoạch thành lập một ĐTQG riêng của họ. Và lúc đó, chẳng thể tưởng tượng nổi nền bóng đá này sẽ có hình thù như thế nào...

Vũ Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục