Mô hình bóng đá Đức: Không như quảng cáo

16:22 Thứ tư 16/05/2012

Mặc dù vẫn duy trì vị thế giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, nhưng Premier League đã có một mùa giải bết bát ở các Cúp châu Âu, với Chelsea là ngoại lệ duy nhất. Giải Ngoại hạng Anh cũng không được lòng các nhà điều hành bóng đá lục địa già vì tình trạng chủ ngoại xâm lấn các CLB hàng đầu và nợ nần chồng chất gây ra cảm giác về một nền bóng đá như canh bạc với hệ thống tài chính như lớp băng mỏng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Ngược lại, Bundesliga và bóng đá Đức được coi là điển hình tiên tiến của châu Âu về bóng đá bền vững, nhưng sự thực có phải như vậy?

Mô hình bóng đá Đức: Không như quảng cáo - Ảnh Getty

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ khi Tây Ban Nha thống trị bóng đá thế giới với Barcelona, Real Madrid và ĐTQG cách đây chưa lâu, những lời khen ngợi đã tràn ngập La Liga về việc mô hình CLB do các CĐV sở hữu công bằng, bình dân, hiệu quả và cả nhiều cảm xúc ra sao. Tuy nhiên, rốt cuộc thì cơ chế hợp tác xã, hay socios như vẫn được gọi ở TBN, hóa ra cũng bị thúc đẩy bởi những động cơ cá nhân ích kỷ không thua gì các tỉ phú mới nổi người Nga hay các đại gia dầu mỏ ở Premier League.

Hai đội bóng lớn nhất của La Liga, Real Madrid và Barcelona, chiếm phần bản quyền truyền hình khổng lồ, thâu tóm mọi danh hiệu, vinh quang và các ngôi sao lớn, bỏ mặc phần còn lại của giải đấu trong nghèo khó, khi đội về thứ ba ở mùa này (với 30 điểm kém đội thứ nhì Barca), Valencia, thậm chí vẫn phải lên kế hoạch bán nốt những ngôi sao cuối cùng trong mùa Hè tới. Kết luận: TBN cũng không phải là chỗ của sự công bằng.

Những lời ca ngợi sau đó chuyển sang Bundesliga. Khán giả kín sân, giá vé thấp, miễn phí đi lại trong những ngày diễn ra trận đấu, một phần không nhỏ cổ phần CLB nằm trong tay các nhóm CĐV và bạn thậm chí có thể mang một vại bia lên khán đài. Và điều tốt đẹp nhất, không đội bóng nào trở nên nghèo túng đến mức như thể chỉ là có mặt cho đủ số.

Giống như với nhiều sản phẩm lừng danh thế giới khác, bóng đá ở Đức ngày càng được mô tả như một hình mẫu hoàn hảo, để bất cứ ai cũng phải noi theo. Tình trạng tài chính như đi trên băng mỏng ở Premier League không tồn tại ở Bundesliga, bởi những luật lệ chặt chẽ về công bằng và quản lý rủi ro. Nhưng sự thật là như thế nào? Có đúng là người Đức đang vượt trội so với phần còn lại của châu Âu, nhất là với Premier League?

Sự thật đằng sau những con số

Về mặt kỹ thuật, chưa bao giờ có CLB nào phải phá sản ở Bundesliga, so với 54 đội chuyên nghiệp ở Anh đã phải tuyên bố không trả được nợ kể từ khi Premier League ra đời vào năm 1992. Nhưng nên nhớ, các cấp Bundesliga chỉ có 36 CLB, so với 92 đội ở các giải chuyên nghiệp Anh, và vẫn còn tăng thêm. Northwich Victoria, Farsley Celtic và Salisbury City đều được tính là các đội Anh đã phá sản, cộng thêm 7 đội khác ở giải Conference, một giải bán chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, 6 đội, Leeds United, Luton Town, Bournemouth, Rotherham United, Southampton và Portsmouth, chiếm 22,5% các vụ phá sản, đã phải tuyên bố điều đó nhiều hơn một lần.

Nếu bóng đá Đức cũng được mở rộng ra ở cấp độ tương tự, thì phép màu về sự ổn định sẽ tan thành mây khói. Cũng không cần phải lần giở sổ sách sang những năm 1990. Danh sách các CLB đã phải phá sản hoặc bị phạt vì vi phạm quy định tài chính ở Đức từ năm 2008 đến nay, nếu mở rộng ra ngoài hai giải Bundesliga chuyên nghiệp, các giải tương ứng với Football League ở Anh (Liga 3 và Regionalliga) cùng Conference (Oberliga cùng nhiều giải cấp vùng), lên tới con số 33 chỉ trong vòng 5 năm.

Với một hệ thống được coi là hoàn hảo về mặt tài chính, đó là con số không nhỏ chút nào. Hơn thế nữa, trong khi nhiều cái tên trong danh sách phá sản là vô danh, không phải tất cả đều là tiểu tốt. SV Waldhof Mannheim chẳng hạn, sở hữu một sân bóng tương đương với Stoke City. Các khoản nợ phá sản cũng không hề nhỏ. Bonner SC đã không trả được khoản nợ 5,61 triệu bảng.

Ngay cả ở thượng tầng, chuyện tài chính lụn bại cũng không phải là hiếm ở Đức. Không đội Bundesliga nào phải chính thức tuyên bố phá sản bởi vì họ được cứu hộ theo cách mà các CLB Anh không được. Hãy xem xét trường hợp Hansa Rostock. Đội sổ ở Bundesliga 2, với các khoản nợ lên tới 6,81 triệu bảng, họ đứng trước nguy cơ bị đẩy xuống hạng nghiệp dư, nhưng hội đồng địa phương đã vào cuộc trong tuần trước với một gói cứu trợ khẩn cấp, bao gồm cả lệnh giãn nợ thuế và việc mua lại bất động sản ở khu tập của Hansa với cái giá rất hời cho CLB. Sự can thiệp phi thị trường đó còn tệ hại hơn bởi bang Mecklenburg-Vorpommern, bang nhà của Rostock, là bang nghèo nhất nước Đức, với GDP đầu người ở dưới mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU).

Và Rostock không phải là trường hợp duy nhất. Alemannia Aachen, sẽ xuống chơi ở Liga 3 cùng Rostock mùa tới, cũng đã được hội đồng thành phố cứu vớt. Buộc phải nâng cấp sân bóng do áp lực và yêu cầu của ban tổ chức Bundesliga, Alemannia đã chi 50 triệu bảng mà họ không có, để rồi được “hỗ trợ” với hai khoản vay có thời hạn tới 45 năm. Ngay cả như thế, tình trạng phá sản vẫn đang trực chờ. Chỉ có điều, vào mùa sau họ đã không còn là một đội của Bundesliga nữa, có nghĩa là giải chuyên nghiệp ở Đức vẫn giữ nguyên được danh tiếng trong sạch về mặt tài chính.

Trần Trọng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục