Khoa học đã thay đổi bóng đá như thế nào?

15:00 Thứ ba 15/01/2013

Câu nói nổi tiếng nhất của tỷ phú Warren Buffett là "hãy tham lam khi mọi người sợ hãi". Đại ý, không phải lúc nào đám đông cũng đúng. Đa phần giới hâm mộ vẫn thường cho rằng ĐT Anh là những kẻ thất bại, thi đấu không xứng với kỳ vọng. Thực ra, so với nguồn lực mà họ có thì “Tam sư” có thể được coi là khá thành công.

Cần hiểu đúng về thành công

Cái thời mà những HLV đến từ xứ sở sương mù truyền bá kiến thức bóng đá đi khắp thế giới cảm giác như vẫn chưa xa lắm. Ấn tượng về các vị HLV Anh quốc lớn đến nỗi, đến tận bây giờ các cầu thủ TBN và Italia vẫn gọi HLV của mình là “Mister”, danh từ tiếng Anh vốn được dùng để chỉ các quý ông.

Tóm lại, nước Anh đã từng một thời là trung tâm của bóng đá và người hâm mộ không phải không có lý khi kỳ vọng họ, dù không còn giữ được vị thế độc tôn như 100 năm trước, phải gặt hái được nhiều thành công. Nhưng thế nào mới được coi là thành công?

Thành tích của một ĐTQG thường được đánh giá qua số danh hiệu, chủ yếu là World Cup và EURO, mà họ giành được.

Nhưng ở những giải đấu theo thể thức loại trực tiếp như thế, khoảng cách giữa thành công và thất bại chỉ là 1-2 trận đấu hoặc thậm chí là 1-2 cm và may mắn nhiều khi đóng vai trò quyết định. Muốn đánh giá một cách chính xác nhất thành tích thi đấu của một đội bóng, cần dựa trên kết quả các trận đấu của họ trong một thời gian đủ dài.

Và còn phải so sánh với nguồn lực mà họ sở hữu nữa. Giống như không thể yêu cầu một anh chàng cầm lái con Vespa cổ phải đi với tốc độ nhanh như chiếc Lamborghini thể thao, cũng không thể đòi hỏi Luxembourg, đất nước chỉ có 500.000 dân, phải thi đấu ngang ngửa với Đức (dân số gần 82 triệu người).

Argentina có vẻ là ngoại lệ. Không giàu và cũng không đông dân, nhưng họ đã 2 lần VĐTG vào các năm 1978 và 1986.

Dân số hiển nhiên là có tác động quan trọng đến thành tích của ĐTQG. Về cơ bản, một nước càng đông dân thì càng dễ lựa chọn ra các tài năng đá bóng. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì Trung Quốc hay Ấn Độ đã vô địch thế giới từ lâu.

Ngoài yếu tố dân số, các quốc gia còn phải có điều kiện kinh tế (ở đây được hiểu là thu nhập bình quân đầu người) nhất định để đảm bảo mọi người dân đều được hưởng chế độ dinh dưỡng, y tế đầy đủ và có điều kiện tập luyện thể thao.

Dẫn chứng: 10 quốc gia có nền thể thao thành công nhất thế giới tính theo dân số lần lượt là Na Uy, Thụy Điển, Australia, New Zealand, Đức, Anh, Hungary, Jamaica, Pháp và Italia. 9/10 trong số đó là những nước phát triển.

Cuối cùng, truyền thống cũng có ảnh hưởng lớn đến khả năng thành công. Ở đất nước mà bóng đá đã phát triển từ lâu và còn hơn cả một tôn giáo như Brazil, rõ ràng tỷ lệ thanh thiếu niên chơi bóng đá sẽ lớn hơn một quốc gia mới gia nhập làng túc cầu đỉnh cao như Mỹ.

Đừng mơ Aston Villa đăng quang Champions League

Dựa trên kho dữ liệu về kết quả của tất cả các trận đấu quốc tế trong giai đoạn 1872-2001, giáo sư Stefan Szymanski (ĐH Michigan, Mỹ) đã phân tích tầm ảnh hưởng của các nhân tố nêu trên đến thành công của các ĐTQG.

Kết quả: có truyền thống gấp đôi đối thủ đáng giá 0,5 bàn thắng, nhưng đông dân gấp đôi và có GDP bình quân đầu người gấp đôi đối thủ đều chỉ tương đương với 0,1 bàn.

Nói cách khác, kinh nghiệm thi đấu quan trọng hơn nhiều so với dân số, đó cũng là lý do vì sao Uruguay, Thụy Điển hay Cộng hòa Séc thi đấu ở World Cup tốt hơn nhiều so với những nước đông dân nhưng thiếu kinh nghiệm như Nigeria.

Tất nhiên, bóng đá còn chịu ảnh hưởng từ vô vàn yếu tố khác và tổng cộng thì truyền thống, độ giàu có và dân số chỉ lý giải được khoảng 30% kết quả thi đấu của các ĐTQG. Dù sao, ở một chừng mực nhất định, thành công trong bóng đá có thể được ước tính thông qua các yếu tố định lượng.

Xét theo những tiêu chí này, liệu ĐT Anh có xứng đáng đứng đầu, hoặc ít nhất là trong top 5 thế giới? Họ là một trong những ĐTQG giàu kinh nghiệm nhất với 790 trận đấu (chỉ kém mỗi Thụy Điển - 802 trận), nhưng Brazil hay Đức cũng không quá thua kém với lần lượt 715 và 713 trận đã chơi.

Về thu nhập bình quân đầu người, Anh quốc đứng khoảng thứ 20-22 thế giới, nhỉnh hơn Pháp, Italia nhưng kém Đức và Hà Lan. Tuy nhiên điểm thật sự thua kém của người Anh là dân số:

không tính Scotland, Wales và Bắc Ireland, quốc gia còn có tên gọi khác là England trên thực tế chỉ quản lý xấp xỉ 50 triệu thần dân, thấp hơn nhiều so với Đức (82 triệu), Pháp, Italia (đều trên 60 triệu), càng không thể so với Brazil (195 triệu).

Hóa ra, câu nói cay đắng ngày nào của Gary Lineker: “Bóng đá là cuộc chơi của 22 người đàn ông, và cuối cùng thì người Đức luôn thắng” lại rất có lý nếu dựa trên các cơ sở khoa học.

Có thể một ngày nào đó thần may mắn sẽ mỉm cười với các tuyển thủ Anh, đặc biệt trong các loạt 11m, nhưng từ giờ đến lúc đó có lẽ NHM ĐT Anh nên suy nghĩ thực tế hơn, giống như cây bút David Winner của tờ Financial Times:

Sự thực, vị thế của ĐT Anh trên đấu trường quốc tế cũng giống như một đội bóng trung bình ở Premier League. Nếu bạn thất vọng vì ĐT Anh không thể giành một danh hiệu lớn thì có khác nào tức giận vì … Aston Villa không giành được Champions League ! ”.

Ngoại lệ Argentina

Argentina có vẻ là ngoại lệ. Không giàu và cũng không đông dân, nhưng họ đã 2 lần VĐTG vào các năm 1978 và 1986.

Thực ra, nếu tính theo tổng thành tích các trận đấu thì Argentina chỉ đứng thứ 15 thế giới và thập kỷ 1980 thậm chí là thời điểm họ thi đấu tệ hại nhất (chỉ thắng 33, hòa 35 và thua tới 27 trên tổng số 95 trận đấu), tuy nhiên thiên tài Maradona đã lóe sáng đúng những thời điểm quan trọng nhất để đưa đội nhà tới ngai vàng năm 1986 và trận CK năm 1990.

Còn lại, năm 1978 họ được đá trên sân nhà: theo các tính toán của Szymanski, lợi thế sân nhà tương đương với 0,6 bàn thắng nếu đá với các ĐT thuộc châu lục khác và 0,4 bàn nếu đá với các đội bóng cùng châu lục.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục