Học được gì từ chuyện bản quyền?

10:30 Thứ bảy 29/09/2012

Câu chuyện bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh đang khuấy động dư luận, khi mà ban tổ chức Premier League chuẩn bị mở thầu bán bản quyền ra nước ngoài cho ba mùa giải tới. Bỏ qua những chiêu nâng giá của các đại lý, song phải công nhận một điều rằng chính sức hấp dẫn của giải đấu này đã đẩy giá gốc lên cao, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan rộng.

Tháng 6 vừa qua, ban tổ chức Premier League đã bán được bản quyền nội địa của ba mùa giải tới cho hai kênh truyền hình ở Anh là BSkyB và BT với giá 3 tỉ bảng, tức tăng tới 71% so với hợp đồng cũ. Mà theo lý giải của báo chí Anh thì nguyên nhân chính đẩy giá lên cao là cuộc cạnh tranh hấp dẫn chưa từng thấy giữa Manchester City và Manchester United ở cuối mùa trước, khi chức vô địch được quyết định ở tận phút bù giờ thứ năm của vòng cuối.

Giả sử, nếu giải đấu diễn ra với chất lượng kém, các ngôi sao bỏ đi hết thì ban tổ chức giải sẽ chẳng có lý do gì để tăng giá bản quyền. Tới lúc đó thì chính các nhà đài sẽ gây sức ép buộc ban tổ chức phải hạ giá, thay vì cạnh tranh nhau quyết liệt đến độ kênh ESPN nổi tiếng cũng bật bãi trước đối thủ mới nổi BT.

Một lý do nữa khiến bản quyền bóng đá Anh tăng cao là bởi hệ thống phân chia tiền bản quyền minh bạch của ban tổ chức giải. Hệ thống đó được đánh giá là hết sức công bằng, gồm phần cứng chia đều cho cả 20 đội không phân biệt là Manchester United hay West Brom, và phần mềm tuỳ thuộc vào thành tích thi đấu của các đội bóng. Chính vì thế, tất cả các đội đều có nền tảng tài chính tương đối vững chắc để phát triển, mà trong đó quan trọng nhất là có tiền để tăng cường lực lượng.

Đấy chính là điểm khác biệt giữa Premier League với một số giải đấu khác, mà đơn cử là La Liga, khi hai ông lớn Barcelona cùng Real Madrid ký hợp đồng riêng với giá trị cao gấp cả chục lần những đội bóng khác. Điều đó đã tạo ra sự chênh lệch lớn về thực lực giữa hai ông lớn với phần còn lại, khiến cuộc đua trở nên nhàm chán. Mà cuộc đua nhàm chán thì các đại lý cũng chẳng có lý do gì để tăng giá, trừ phi các nhà đài đâm đầu vào cuộc cạnh tranh vô lý như ở Việt Nam.

Nói tóm lại, bài học được rút ra qua vụ tăng giá bản quyền truyền hình không chỉ là sự đoàn kết của các nhà đài, mà còn là sự cần thiết của việc sao chép lại mô hình hoạt động của Premier League. Tiếc rằng đấy dường như là một sự tụt lùi, khi mà những chuyện đơn giản như xác định có hay không chuyện một ông bầu nắm hai đội bóng, hay chuyện đội xuống hạng mua suất của đội trụ hạng vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Vậy mà bản quyền của giải đấu đó vẫn được định giá tới 50 tỉ đồng thì mới gọi là tài!

Bản quyền Premier League tại Anh tăng như thế nào?

Giá trung bình mỗi trận đấu tại Premier League từ năm 2013 là 6,53 triệu bảng một trận, cao gấp mười lần thời điểm giải đấu ra đời năm 1992.

1992 – 1997: BSkyB, tổng trị giá cả gói 190 triệu bảng/60 trận; 633.000 bảng/trận.

2001 – 2004: BSkyB, 1,2 tỉ bảng/110 trận; 3,64 triệu bảng/trận.

2004 – 2007: BSkyB, 1,024 tỉ bảng/138 trận; 2,47 triệu bảng/trận.

2007 – 2010: BSkyB/Setanta, 1,706 tỉ bảng/ 138 trận; 4,12 triệu bảng/trận.

2010 – 2013: BSkyB/ESPN 1,782 tỉ bảng/138 trận; 4,3 triệu bảng/trận.

2013 – 2016: BSkyB/BT 3,018 tỉ bảng/154 trận; 6,53 triệu bảng/trận.
Yến Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục