Grand Prix Canada và những lý giải dưới góc độ chiến thuật

16:36 Thứ năm 12/06/2014

Bài viết của phóng viên James Allen (BBC) sẽ cho độc giả hiểu rõ tại sao Red Bull thăng hoa tại Montreal, trong khi hai tay đua của Force India làm ảnh hưởng lớn tới cuộc đua giành ngôi nhất tại đây.

Grand Prix Canada được coi là chặng đua giàu cảm xúc nhất từ đầu mùa với đủ các yếu tố hấp dẫn: Sự căng thẳng, kịch tính được đẩy lên đỉnh điểm cùng những cuộc đấu trí về chiến thuật. Việc Ricciardo giành chiến thắng đã kết thúc chuỗi chặng bất bại của đội Mercedes nhưng cũng có tới 4 tay đua khác đủ cơ hội để lên ngôi ở Montreal, mọi việc chỉ ngã ngũ ở vòng cuối cùng và thành bại được quyết định bởi sự lựa chọn về chiến thuật. Trong khi đó dù cả hai chiếc W05 đều gặp sự cố ở giữa chặng nhưng Nico Rosberg vẫn lập được kỳ tích khi đưa được xe về đích ở vị trí thứ nhì dù gặp vô vàn khó khăn với mức tiêu hao nhiên liệu và bộ phanh gặp trục trặc.

Ricciardo về nhất nhờ chiến thuật phát huy tối đa hiệu quả. Ảnh: Formula 1.

Thiết kế thiên về tốc độ của đường đua Gilles Villeneuve khiến động cơ F1 phải hoạt động hết công suất và cuộc đua được đẩy tới đỉnh điểm về độ tiêu hao nhiên liệu trong khi lượng nhiên liệu sử dụng được giới hạn ở mức 100kg. Tuy nhiên việc xe an toàn sớm xuất hiện và có mặt những 7 vòng ngay từ vòng đua đầu tiên sau pha va chạm giữa bộ đôi của đội Marussia khiến các đội đua trút được gánh nặng lo âu khi có tới 1/10 chiều dài cuộc đua được diễn ra dưới tốc độ giới hạn của xe an toàn.

Những buổi chạy thử nội bộ của các đội trên mô hình giả lập cho thấy không có nhiều khác biệt giữa chiến thuật 1 pit và 2 pit. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chiếc xe không bị vướng phải traffic và được chạy trong không gian thoải mái như hai chiếc W05 đã có được thì chiến thuật thay lốp 2 lần sẽ phù hợp hơn nhờ phát huy được hết lợi thế tốc độ từ bộ lốp mới hơn.

Vì vậy việc theo đuổi chiến thuật 1 pit đòi hỏi các chiến thuật gia phải tính toán kỹ lưỡng và các tay đua phải thi đấu rất cẩn trọng. Dĩ nhiên điều này không phù hợp với phong cách của Mercedes khi cả hai tay đua của họ đều cạnh tranh nhau rất quyết liệt để có được chiến thắng, vì thế bộ lốp sẽ nhanh xuống cấp hơn và chiến thuật chỉ thay lốp 1 lần sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm ở cuối cuộc đua.

Trước cuộc đua chính thức, nhà sản xuất Pirelli rất tự tin về chất lượng bộ lốp do mình cung cấp khi khẳng định sẽ có nhiều đội lựa chọn chiến thuật 1 pit. Tuy nhiên trên thực tế, do nhiệt độ bề mặt đường đua lên tới 50ºC tại thời điểm trước khi xuất phát khiến rất nhiều đội phải chuyển hướng sang chiến thuật 2 lần thay lốp. Mặc dù vậy, Force India là đội đua vẫn tiếp tục theo đuổi chiến thuật 1 pit, điều này là bởi vì họ đã theo đuổi chiến thuật đó từ các buổi đua thử, đội đua Ấn Độ đã sớm set-up và tối ưu hóa chiếc VJM07 phù hợp với chiến thuật 1 pit ngay từ vòng phân hạng vào chiều thứ bảy.

Trong hai loại lốp mềm (Soft) và siêu mềm (Super Soft) được phép dùng tại Montreal, lốp mềm được các đội ưu ái sử dụng nhiều thời gian hơn trong cuộc đua chính nhờ có độ bền tốt hơn. Theo đó, lốp siêu mềm sẽ được sử dụng từ khi xuất phát cho tới vòng 20 trước khi chuyển sang dùng lốp mềm trong 50 vòng còn lại nếu theo đuổi chiến thuật 1 pit. Nếu sử dụng chiến thuật thay lốp 2 lần thì bộ lốp siêu mềm được sử dụng đến vòng 12.

Một yếu tố quan trọng trong việc sử dụng lốp là dù bền nhưng lốp mềm lại mất thêm nhiều thời gian hơn để gia nhiệt tới khoảng nhiệt độ làm việc tối ưu, thời gian này được ước lượng là mất tầm 1 vòng đua tại Montreal. Điều này rất đáng để tâm khi hai tay đua bám sát nhau sít sao trên đường đua.

Mặt khác, dù thiết kế đường đua Gilles Villeneuve rất thuận tiện cho việc vượt mặt nhưng bạn phải nhớ rằng điều đó chỉ đúng khi bạn chỉ phải đối phó với 1 chiếc xe phía trước. Nếu bị ghìm chân bởi traffic của một đoàn xe, bạn rất khó vượt vì các xe đều có thể dùng DRS chứ không riêng xe của bạn.

Red Bull làm thế nào để giúp Ricciardo vượt qua được hai tay đua của Williams:

Chiến thắng đầu tay trong sự nghiệp F1 của tay đua trẻ người Australia nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các đồng nghiệp. Ngay cả đồng đội và đồng thời là đối thủ cạnh tranh tại Montreal, đương kim vô địch thế giới Sebastian Vettel cũng tỏ ra rất cao thượng khi khen ngợi tay đua đàn em dù chính anh là người cũng có rất nhiều cơ hội để lên ngôi tại Gilles Villeneuve nhưng cuối cùng chiến thuật được áp dụng cho Vettel ở Montreal đã không đem về thành công cho ngôi sao người Đức.

Sự chần chừ khiến đội Williams (xe trắng) mất đi cơ hội chiến thắng. Ảnh: Formula 1.

Khi khởi đầu cuộc đua, Vettel xuất phát ở vị trí thứ 3, trước người đồng đội Ricciardo 3 bậc. Cả hai giữ nguyên những vị trí đó trước khi thay lốp lần đầu. Mặc dù xe an toàn xuất hiện trên đường đua suốt 7 vòng đầu tiên làm nảy sinh rất nhiều ý tưởng chiến thuật kéo dài thời gian sử dụng bộ lốp xuất phát nhưng Red Bull vẫn chủ động cho Ricciardo thay lốp tại vòng 13 để tránh traffic, không thay đổi so với dự kiến trước chặng đua. Đội đua nước Áo không thay đổi dù xe an toàn xuất hiện bởi vì họ hiểu chiếc RB10 thừa sức hoàn thành tốt 57 vòng đua còn lại với 2 bộ lốp mềm. Dự định của họ là thay lốp sớm hơn các đối thủ để giúp Ricciardo vượt qua bộ đôi của Williams (Valtteri Bottas và Felipe Massa), những người xuất phát xen giữa hai tay đua của Red Bull.

Williams đọc rõ chiến thuật của Red Bull giành cho Ricciardo nên cho Bottas thay lốp ngay sau đó, tại vòng 14. Sự ứng phó kịp thời của Williams giúp Bottas giữ vững được vị trí. Trong khi Massa tụt lại phía sau đối thủ người Australia do tay đua người Brazil chạy ngay dưới người đồng đội nên chỉ có thể vào pit tại vòng 15 và chấp nhận mất vị trí. Mọi việc còn tệ hại hơn khi việc thay lốp mất 4,5 giây khiến Massa còn bị tụt lại sau cả Jean Eric Vergne (Toro Rosso) lẫn Fernando Alonso (Ferrari). Nếu không gặp phải những rủi ro trên, Massa dư sức giành được chiến thắng khi anh kìm chân Ricciardo suốt quãng thời gian trước khi thay lốp lần đầu, chúng ta nên nhớ sau đó không như đồng đội Bottas, Massa duy trì tốt tốc độ trong quãng thời gian thi đấu còn lại.

Williams buộc phải để Ricciardo vượt qua Massa do chính chiến thuật đầy khôn ngoan và táo bạo của Red Bull. Nếu Williams sử dụng chiến thuật giống như Red Bull và chủ động cho Massa vào thay lốp trước từ vòng 12 hoặc 13 dù anh không phải là chiếc FW35 chạy trước, chờ đợi sự phản ứng của Red Bull rồi tiếp tục cho Bottas vào pit thì mọi sự đã khác đi. Ricciardo sẽ tiếp tục chạy sau cả hai tay đua của Williams. Mặc dù vậy chính việc xe an toàn xuất hiện sớm đã khiến Williams lần chần khi cố gắng kéo dài thời gian sử dụng bộ lốp xuất phát và không muốn là đội đua đầu tiên vào thay lốp. Red Bull không hề e dè như vậy, sự táo bạo này đã góp phần giúp Ricciardo về nhất tại Montreal.

Ở giai đoạn đầu, Williams tập trung phòng thủ vì thế Massa không thể hiện được tốc độ tốt hơn đồng đội Bottas nên khó có thể được ưu tiên vào pit trước người đồng đội. Tuy nhiên, nếu Williams linh hoạt sử dụng chiến thuật thay lốp sớm thì họ đã có thể giúp cả hai tay đua của mình tiếp tục chạy trước Ricciardo sau lần vào pit thứ nhất, qua đó giúp Bottas hoặc Massa có đủ cơ hội để lọt vào top 3 hoặc cao hơn nữa. Đáng tiếc là sau đó, chiếc FW35 của tay đua được ưu tiên hơn là Bottas lại bị quá nhiệt ở bộ phận MGU-K trong bộ động cơ hybrid khiến anh bị chậm lại và chỉ có được vị trí thứ 7 chung cuộc. Sự cố đáng tiếc này khiến Williams vuột mất cơ hội lọt vào top 3.

Lần vào pit thứ 2 đã quyết định việc Vettel hay Ricciardo là tay đua về nhất tại Montreal:

Việc bị Hulkenberg (trước) ghìm chân trong thời gian dài khiến Vettel (sau) mất đi cơ hội về nhất tại Montreal. Ảnh: Formula 1.

Sau lần vào pit thay lốp đầu tiên, Vettel bị đánh mất nhiều thời gian phía sau Nico Hulkenberg (Force India), tay đua sử dụng chiến thuật thay lốp 1 lần. Dù phải chạy điềm đạm để giữ lốp nhưng so với Vettel, Hulkenberg lại có lợi thế tốc độ trên đoạn đường thẳng nhờ sử dụng động cơ Mercedes. Điều này khiến nhà ĐKVĐ thế giới bị rơi lại sau cả Bottas lẫn người đồng đội Ricciardo.

Tới cuối vòng 34, khi thấy Hulkenberg vẫn chưa vào thay lốp, Vettel buộc phải yêu cầu Red Bull thay đổi chiến thuật để vượt qua đối thủ đồng hương. Thực tế trên đường đua đã chứng minh sự thay đổi của Red Bull là một sai lầm. Sau khi thay lốp lần hai sớm ở vòng 36, Vettel tiếp tục bị ghìm chân bởi traffic.

Lần in-lap của Vettel khi thay lốp ở vòng 36 chậm hơn 0,9 giây so với lần thay lốp của Ricciardo ở vòng kế tiếp nên sau vòng 37, Vettel tụt lại sau cả người đồng đội, vốn đã bám sát tay đua đàn anh đang bị Hulkenberg ghìm chân. Và cũng cần nói lại là lần vào pit của Ricciardo tại vòng 37 là lần vào pit nhanh nhất ở Grand Prix Canada lần này.

Đây là thời khắc quyết định ngôi vương tại Montreal khi Ricciardo vượt qua Vettel để bám sát Perez, tay đua sử dụng chiến thuật một pit bởi vì sau đó Hamilton phải bỏ cuộc, Rosberg và Perez lần lượt gặp phải những sự cố nghiêm trọng nên dần chậm lại. Ricciardo vì thế có đầy đủ lợi thế để lên ngôi.

Tại sao Force India là đội gây ảnh hưởng lớn đến cuộc đua giành ngôi vương tại Montreal?

Force India đã sớm nhất quán sử dụng chiến thuật một pit cho chặng đua tại Canada ngay từ trước khi vòng phân hạng diễn ra. Chặng đua của họ đã ảnh hưởng lớn tới cuộc chiến giành ngôi vương tại Montreal khi Hulkenberg và Perez kìm chân Vettel để vô tình giúp Ricciardo vượt qua người đồng đội và nhờ đó giành chiến thắng đầu tay trong sự nghiệp F1.

Force India có một chặng đua ấn tượng nhờ chiến thuật táo bạo. Ảnh: Force India.

Sau hai buổi đua thử vào ngày thứ Sáu, Force India hiểu rõ rằng VJM07 chạy đường trường rất tốt nhưng kém ở khả năng chạy một vòng tính giờ phân hạng tại Gilles Villeneuve. Vì thế, tại vòng phân hạng họ đã set-up và tối ưu hóa chiếc xe cho phù hợp với chiến thuật một pit khi cố gắng giảm lực nén (downforce) và tăng độ văng đầu (understeer). Lựa chọn này giúp giữ lốp sau tốt hơn và làm chiếc xe có tốc độ tốt mà vẫn đảm bảo độ bền của lốp.

Dù sự lựa chọn này khiến họ không có vị trí phân hạng tốt khi Hulkenberg và Perez lần lượt chỉ xuất phát ở vị trí thứ 11 và 13. Nhưng dù sao nhờ tốc độ tốt trên đoạn đường thẳng, chiếc VJM07 đủ sức vượt các xe cạnh tranh trong cuộc đua chiều chủ nhật tại Montreal, đường đua vốn thuận lợi cho việc vượt mặt. Mặc dù cơ bản là cùng chiến thuật 1 pit nhưng hai tay đua của Force India sử dụng hai loại lốp khác nhau khi xuất phát, Perez xuất phát với lốp siêu mềm trong khi Hulkenberg khởi đầu cùng bộ lốp mềm.

Perez cùng các tay đua của Mercedes và Red Bull cũng như Felipe Massa là những tay đua đủ sức về nhất tại chặng đua lần này ở Canada. Tay đua người Mexico có đầy đủ các lợi thế để tận dụng thời cơ khi bộ đôi Mercedes bị ảnh hưởng bởi sự cố trên chiếc W05. Sau khi Hamilton bỏ cuộc, Perez đã sẵn sàng để vượt Rosberg, tay đua cũng đang gặp hàng loạt vấn đề tương tự người đồng đội.

Tuy nhiên một chiếc cảm biến bị hỏng khiến hiệu suất phanh của Perez bị giảm đáng kể ở những vòng đua cuối. Nếu không gặp trục trặc này, Perez đã đủ sức vượt qua Rosberg bằng DRS trên đoạn đường thẳng. Perez giữ lốp rất tốt dù phải sử dụng bộ lốp siêu mềm trong suốt 34 vòng đua đầu tiên. Bộ lốp mềm của Perez chỉ phải hoạt động trong 36 vòng cuối nên giúp tay đua người Mexico thi đấu rất tốt trước khi gặp vấn đề với hệ thống phanh. Trong khi đó, người đồng đội Hulkenberg gặp một số vấn đề về lốp do phải mất nhiều thời gian phòng thủ trước Vettel.

Minh Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục