Gói bản quyền truyền hình mới của Premier League sắp có hiệu lực: Miếng bánh to… nhưng khó nuốt

12:08 Thứ tư 07/08/2013

Bước sang mùa giải 2013/14, các đội bóng ở Premier League sẽ được hưởng khoản thu nhập cao nhất trong lịch sử từ bản quyền truyền hình. Nhưng, vì một quy định về kiểm soát hoạt động chi tiêu mới được thông qua hồi đầu năm, số tiền đó chưa chắc đã giúp các CLB gia tăng ngân sách dành cho lương bổng và cũng dễ hiểu khi nhiều “đại gia” ở giải Ngoại hạng vẫn khá im ắng trên sàn chuyển nhượng mùa hè năm nay.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Gói bản quyền lịch sử

Premier League chưa chắc đã đứng đầu về chất lượng chuyên môn (cứ nhìn thất bại của các đội bóng Anh ở Champions League mùa giải trước là biết), không phải luôn luôn chiếm ưu thế về sức mạnh tiền bạc (Real, Barca, Bayern, PSG, Monaco… cũng cực kỳ giàu có) nhưng chắc chắn là giải đấu thu hút được nhiều khán giả nhất trên thế giới. Hiện tại, các trận đấu tại Premier League đã được truyền hình đến 212 quốc gia khác nhau với tổng cộng 4,7 tỷ lượt người xem mỗi năm, bình quân hơn 120 triệu người/vòng đấu. Vì thế, giá trị bản quyền truyền hình của Premier League lúc nào cũng đứng đầu trong giới bóng đá: tính đến mùa giải 2012/13, các tập đoàn truyền thông đã phải bỏ ra 1,2 tỷ bảng/năm (tương đương khoảng 1,4 tỷ euro hoặc 1,8 tỷ USD) để đổi lấy quyền tường thuật giải Ngoại hạng Anh, một con số khủng khiếp ngay cả khi so sánh với bản quyền Champions League hay World Cup. Để dễ so sánh thì tổng số tiền mà UEFA kiếm được, bao gồm cả các hợp đồng quảng cáo & tài trợ, từ Champions League ở mùa giải vừa qua cũng chỉ là 1,34 tỷ euro mà thôi, trong khi VCK World Cup – dù 4 năm mới có một lần và được cả thế giới theo dõi – cũng chỉ mang lại doanh thu bản quyền truyền hình khoảng 1,6 tỷ USD.

Nhờ thực hiện tốt hoạt động tái cơ cấu tài chính, Man City là "đại gia" duy nhất ở Premier League có thể mạnh tay mua sắm

Tuy nhiên, so với những gì mà 20 đội bóng ở Premier League sắp nhận được từ gói bản quyền truyền hình mới thì mức 1,2 tỷ bảng kia chỉ là… chuyện nhỏ. Trong vòng 3 năm kể từ 2013 đến 2016, giải Ngoại hạng Anh sẽ thu được tổng cộng 5,5 tỷ bảng (3 tỷ từ thị trường trong nước và 2,5 tỷ nữa từ các thị trường nước ngoài) từ việc bán bản quyền phát sóng cho các đài truyền hình, tức khoảng 1,7 tỷ bảng/năm, cao hơn gần 50% so với bản HĐ truyền hình cũ.

Kiểm soát tài chính “kiểu Premier League”

Như vậy, bắt đầu từ mùa giải sau thì nguồn thu của các đội bóng ở hạng đấu cao nhất nước Anh sẽ gia tăng đáng kể. Tính sơ sơ, mỗi CLB sẽ được chia thêm khoảng 25-40 triệu bảng/năm từ tiền bản quyền truyền hình, số tiền đủ để mua một chân sút cỡ như Robin Van Persie hoặc trả lương cho Wayne Rooney trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, rất tiếc là họ sẽ không được phép sử dụng khoản thu nhập phụ trội này một cách thoải mái, bởi một đạo luật mới được Premier League ban hành hồi đầu năm. Cho dù không đưa ra một hạn mức dừng lỗ tương đối khắt khe (45 triệu euro trong 3 mùa giải) như UEFA, Premier League cũng đã có những nỗ lực nhất định nhằm hạn chế tình huống các đội bóng chi tiêu vượt quá khả năng vốn có: vào tháng 2/2013 vừa qua, 20 CLB ở Premier League (13 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 1 phiếu trắng) đã đạt được sự đồng thuận xung quanh nội dung của Quy định Kiểm soát chi phí trong ngắn hạn (Short-term Cost Control Measure – SCCM). Theo đó, các đội bóng sẽ chỉ được phép trích thêm tối đa 4 triệu bảng từ tiền bản quyền truyền hình để trả lương cầu thủ, và phần còn lại phải được bù đắp bằng doanh thu tăng thêm từ quảng cáo hoặc bán vé. Lấy ví dụ, chi phí lương của Chelsea ở mùa giải trước lên đến 175 triệu bảng, nghĩa là mùa này đội chủ sân Stamford Bridge sẽ chỉ được phép chi ra nhiều nhất là 179 (bằng 175 + 4) triệu bảng tiền lương. Giả sử Chelsea kiếm được thêm 5 triệu bảng từ hoạt động thương mại so với mùa giải trước thì mức trần lương của họ sẽ được nâng lên 184 triệu bảng, còn nếu như nguồn thu từ quảng cáo và bán vé không được cải thiện thì số tiền tối đa mà Chelsea có thể dùng vào việc trả lương sẽ dừng lại ở mức 179 triệu.

Thực ra thì quy định này chỉ được áp dụng đối với những CLB có bảng lương nhiều hơn 52 triệu bảng trong mùa bóng 2012/13, nhưng vấn đề là có tới…14 đội bóng thỏa mãn tiêu chí đó. Nói cách khác, tất cả các “đại gia” ở Premier League sẽ phải chịu sự kiểm soát của SCCM trong mùa giải tới và đó cũng là một phần lý do khiến họ vẫn khá im tiếng trên thị trường chuyển nhượng.

Tiền đâu ra mà trả lương?

Như đã nêu ở trên thì M.U, Man City, Chelsea hay Arsenal đều sẽ phải đối mặt với một bài toán hóc búa trong mùa giải 2013/14, nhưng xem ra mới chỉ có Man City là thực sự tìm ra lời giải. Tong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm nay thì nửa xanh thành Manchester không chỉ đẩy đi được Tevez, Maicon, Kolo Toure, Roque Santa Cruz và Wayne Bridge – đều là những người đang hưởng lương rất cao – mà đội chủ sân Etihad còn thuyết phục được Yaya Toure chịu nhận mức lương cứng thấp hơn đáng kể khi đặt bút ký vào bản HĐ mới (nhưng bù lại thì các điều khoản thưởng sẽ được cải thiện). Trong khi đó, M.U lại đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc cân đối thu nhập và chi phí, đặc biệt là trong bối cảnh ngân sách lương của “Quỷ đỏ” đã lên đến hơn 210 triệu bảng vào cuối mùa giải trước. Hiện tại, M.U mới chỉ nói lời chia tay với duy nhất Paul Scholes và chưa cắt giảm được bao nhiêu chi phí tiền lương, nên sẽ rất khó để họ bỏ ra khoảng 10 triệu bảng để trả lương cho Cesc Fabregas hay Bastian Schweinsteiger – ngay cả khi những tiền vệ ngôi sao này chấp nhận chuyển đến sân Old Trafford.

Cũng có nghĩa, nếu chiêu mộ được Rooney – và gánh luôn mức lương khoảng 13-15 triệu bảng/năm của anh – thì Chelsea sẽ có nguy cơ vi phạm các quy định của SCCM, với mức phạt dao động từ cấm chuyển nhượng cho tới trừ điểm. Cuối cùng, rất khó tin là Arsenal sẽ ký hợp đồng với Luis Suarez, không phải vì họ thiếu tiền mặt (“Pháo thủ” đang có tới hơn 120 triệu bảng tiền mặt và các khoản tương đương tiền), mà bởi vì chi phí lương của đội chủ sân Emirates sẽ bị đội lên đáng kể nếu Suarez thực sự hạ cánh xuống đó. Nên nhớ, Arsenal đã dùng hết “quota” 4 triệu bảng cho việc tăng lương từ cách đây khá lâu, khi gia hạn hợp đồng với một loạt cầu thủ như Wilshere, Walcott, Oxlade – Chamberlain, Ramsey, Jenkinson và Gibbs (tất cả đều được hưởng mức lương cao hơn đáng kể) từ đầu năm 2013…

Nhờ gói bản quyền truyền hình mới, nhà vô địch mùa bóng 2013/14 sẽ có thể đút túi khoản tiền lên đến 100 triệu bảng, tức gần gấp đôi mức 60,8 triệu mà M.U nhận được cho ngai vàng Premier League 2012/13. Kể cả các CLB phải xuống chơi ở Championship cũng sẽ kiếm được tới 63 triệu bảng, cao hơn khoảng 60% so với thu nhập của 3 đội xuống hạng là Wigan, Reading hay QPR ở mùa bóng trước.

Mức “quota” 4 triệu bảng/năm (khoảng 76.000 bảng/tuần) mà Premier League cho phép chỉ tương đương với tiền lương của một cầu thủ hạng trung, đặc biệt là đối với các CLB thuộc nhóm Big Four. Do đó, khi Quy định Kiểm soát chi phí chính thức có hiệu lực thì phần đông các CLB ở Premier League sẽ phải tìm cách nâng cao doanh thu từ các hoạt động quảng cáo và tài trợ - việc không hề dễ dàng – nếu như muốn ký hợp đồng với những ngôi sao mới (cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng chi phí tiền lương). Bằng không thì giải pháp duy nhất là thanh lý bớt một vài gương mặt thừa thãi, hoặc đàm phán để giảm bớt mức lương cứng mà các cầu thủ đang lĩnh, nhưng đây có vẻ là một nhiệm vụ còn khó khăn hơn.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục