Giải thưởng FIFA: Cái đích và sự công tâm

16:56 Thứ năm 10/01/2013

Như đã biết trước, khó có cuộc trao giải nào làm vừa lòng hoàn toàn dư luận, bởi mỗi người dõi theo nó đều có tình cảm riêng, nhận xét riêng. Giải thưởng đã được trao, không thể vãn hồi hay thay đổi, chỉ có điều, cho đến năm nay, FIFA đã thực sự làm người hâm mộ túc cầu phải hoang mang, bởi đó không chỉ là câu chuyện hôm qua, mà có thể của cả ngày mai, nếu sự thiếu rõ ràng cứ tiếp tục. Sân cỏ là nơi mà ai cũng có thể trực quan bằng mắt, chỉ cần có cái đích để cầu thủ phấn đấu, có tiêu chuẩn cụ thể để khán giả nhìn vào, những tranh cãi cũng sẽ giảm bớt. Nhưng đến lúc này, vẫn chưa ai biết những cái đích ấy là đâu.

Quả Bóng Vàng - Khái niệm mơ hồ

Đầu tiên, danh hiệu này không phải cuộc đua cho mọi cầu thủ. Cơ hội thuộc về các tiền đạo nhiều nhất, sau đấy là các tiền vệ, rồi mới đến hậu vệ và thủ môn. Tiêu chí của QBV cũng cơ hồ thay đổi từng năm, hay đúng ra là không có, chỉ dựa vào cảm nhận của những người bỏ phiếu, nhắc lại, chỉ của những người bỏ phiếu. Đến đây, QBV có vẻ thực chất là giải “Cầu thủ tấn công được các nhà chuyên môn ưa thích nhất”.

Ai cũng xứng đáng, chỉ có tiêu chí để chọn ra là quá mơ hồ. Ảnh: Internet.

Năm nay, những kỷ lục ghi bàn của Messi FIFA không công nhận, nhưng nó lại tác động rõ ràng lên cuộc đua do chính họ tổ chức. Danh hiệu tập thể không thể tiên quyết với một giải thưởng cá nhân, điều này đã được bàn tán nhiều với ví dụ về Torres. Hãy xét đóng góp cụ thể của cầu thủ, cũng như ảnh hưởng của anh ta lên những thành tích quan trọng nhất của đội bóng. Nếu cần sự ổn định đẳng cấp và luôn có dấu ấn quan trọng dù ở bất cứ đâu trong suốt một năm, hãy chọn Iniesta. Nếu muốn người có khả năng làm chủ đội bóng hay đưa cả tập thể đi lên, hãy tìm Pirlo, Van Persie trao giải. Còn ghi nhiều bàn, đá đẹp mắt, đặc biệt nhất, Messi sẽ xứng đáng - nhưng đừng biến QBV thành “Vua phá lưới”. Nếu lại thích vừa ghi nhiều bàn vừa đóng góp lớn vào danh hiệu tập thể, đó có thể là Ronaldo. Vấn đề là phải có mục tiêu để cầu thủ hướng tới, một cái đích để họ biết mình ở đâu, để khán giả không còn thắc mắc.

Chính Messi nói anh bầu cho Xavi, Iniesta, Kun (Aguero) vì họ “gần gũi” nhất, mà ngoài Iniesta, hai người kia đã hay nhất thế giới năm qua chưa? Ai xem sẽ tự có câu trả lời. Nếu nói không cần tiêu chí, làm nhiều người yêu mến thì được chọn là xứng đáng, vậy người xem bóng đá đứng ở đâu trong cái “yêu mến” ấy? Chân lý thuộc về số đông, nhưng số đông đâu có quyền bình chọn. Người hâm mộ ở đâu khi bóng đá phục vụ và làm giàu nhờ họ, nhưng những lá phiếu ít ỏi lại chỉ là của những “nhà chuyên môn”? Còn nếu vin vào vào sự chính xác, uy tín của những “nhà chuyên môn”, có thể nhìn sang đội hình tiêu biểu. Đội hình xuất sắc nhất ấy không để lại những thắc mắc theo kiểu lặt vặt, mà nó gây ra cảm giác gần như… hài hước, người ta buồn cười còn nhiều hơn bực bội, nó như được miễn cưỡng bầu ra để vun lại một năm hoàn hảo cho bóng đá Tây Ban Nha.

Tương tự, việc Pep Guardiola không danh hiệu, làm việc chỉ nửa năm xuất hiện trong ba cái tên cuối của đề mục “Huấn luyện viên xuất sắc” cũng khiến nhiều người phải loay hoay tìm lý giải. Phải chăng các “nhà chuyên môn” làm bóng đá nên họ nói gì cũng đúng hơn “người thường”? Giống một ca sĩ hát làm khán giả không thích nhưng vẫn bắt người ta khen hay vì tôi là… ca sĩ? Có lẽ đây là “Chủ nghĩa làm đẹp lịch sử” trong cái thời đại người ta rất thích tạo ra những kỷ lục, những huyền thoại, những sự kiện đặc biệt, đáng nhớ, như cái cách 11 cầu thủ tiêu biểu được nêu tên.

Hãy thưởng thức, đừng thanh minh

Sự tranh cãi trở nên rầm rộ còn bởi ai cũng bảo vệ thần tượng của mình, đồng thời hạ thấp đối phương. Người cảm thấy chưa thuyết phục về một cầu thủ thì xét nét, người yêu thích cầu thủ đó lại tìm mọi cách thanh minh. Đã là siêu sao, ít ai như Iniesta, anh thầm lặng, fan của anh cũng tương đối hiền lành, anh không sinh ra để làm người ồn ào, nổi bật, và cũng không có vẻ gì quá ham hố những điều ấy. Cộng với sức ảnh hưởng thực sự trên sân bóng, có lẽ QBV dành cho anh thì ít gây tranh cãi hơn cả. Song như vừa nói, anh không phải biểu tượng trước truyền thông, không làm mũi nhọn ghi bàn để được quảng bá hình ảnh và tung hô như nhiều ngôi sao khác.

Hãy nói về Messi và Ronaldo. Với fan Ronaldo và một bộ phận trung lập, dù công nhận người ta cũng chỉ công nhận Messi đá ở Barca hay hơn CR7 đá ở Real mà thôi. Lấy lý do vì Argentina “yếu” nên Messi không nổi bật chẳng khác nào thừa nhận vì Barca quá mạnh nên M10 mới chơi hay. Đợi Argentina có đội hình hoàn hảo như Barca thì khó lắm. Giggs không đi khỏi MU, Gerrard không rời Liverpool vì đội bóng của họ không mạnh nhất thế giới, họ không được tất cả phục vụ, nên không ai dị nghị. Ronaldo tất nhiên chẳng thể một mình “gánh” Real, nhưng so Ozil, Di Maria với Xavi, Iniesta thì sẽ thấy ngay khác biệt. Thật ra M10 cũng chẳng cần đi đâu, những gì anh thể hiện ở tuyển Argentina đã là minh chứng cho việc “không đá ở Barca” rồi. Anh sẽ tiếp tục gắn bó với đội bóng mình sinh ra để thuộc về, những người chưa nể phục cũng có lý do hoàn toàn chính đáng của họ. Ai yêu anh vẫn cứ yêu, chẳng cần cố gắng thanh minh.

Ronaldo cũng thế, anh được hâm mộ tới mức có người sẽ vì anh hạ thấp Messi mà không nghĩ tới những yếu điểm của thần tượng. Đầu tiên, thiện cảm là thứ Ronaldo khó bằng được M10 trước truyền thông. Anh không sai khi sống đúng với bản thân, nhưng trong xã hội phức tạp này, anh dám sống như thế thì cũng phải chấp nhận những phản ứng ngược lại. Tuy nhiên, đó không phải yếu tố duy nhất làm anh thua thiệt trong các cuộc bình chọn. Nửa sau năm 2012, cũng nên trách CR7 đã bị tâm lý, có dấu hiệu cá nhân và phung phí bóng ở quá nhiều pha dứt điểm, dù anh vẫn xuất sắc nhất Real nửa đầu mùa - điều cho thấy đội bóng của anh đi xuống thế nào - hơi đen đủi khi QBV đang thời gian nước rút. Về hiệu quả mỗi lần có bóng, sự đẹp mắt trong rê dắt, phối hợp, anh cũng thua so với M10, đó là sự thật, chỉ có sút xa, sức bứt phá là CR7 vượt trội.

Ronaldo, anh cứ tiếp tục làm một thần tượng, một tấm gương cho những đứa trẻ mê bóng đá hăng say rèn luyện, còn Messi, anh vẫn là một tượng đài để mọi người ngắm nghía, xuýt xoa. Họ đều có cái hay để yêu, đều có điểm trừ để nhận xét, nhưng chắc không cần thiết vì những điểm trừ mà gột sạch thực tế về khả năng, đóng góp của các anh. Chúng ta mỗi người đều chọn lấy một vài cầu thủ để yêu, họ đại diện cho niềm tin của người xem gửi vào cuộc sống, cho quan niệm về đạo đức, thành công của những người yêu mến họ, đó là một trong những điều tuyệt vời nhất người ta tìm được từ bóng đá. Hãy tận hưởng nó, vậy thôi.

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục