F1 có thể học gì từ Olympic?

15:28 Thứ ba 21/08/2012

Những ấn tượng vô cùng đậm nét mà Olympic 2012 ở London đã để lại trong suốt 2 tuần mà nó diễn ra có thể khiến mọi nhà tổ chức sự kiện trên thế giới phải thèm muốn. Vậy F1 có thể học hỏi được gì từ Olympic?

F1 có nhiều tiềm năng to lớn hơn những gì mà nó đang thể hiện

Có điều gì có thể được áp dụng để làm cho F1 trở nên hấp dẫn hơn, có phương pháp nào sẽ phù hợp với sự kiện thể thao lớn nhưng cũng rất riêng biệt này?

Olympic của mọi người

Hai tuần của Olympic đã chỉ xoay quanh thể thao, đó là điểm nhấn, và trong cách mà Olympic được tổ chức và thể hiện, “thể thao” là trọng tâm của tất cả mọi thứ. Đúng là ở Olympic, có nhiều VĐV chuyên nghiệp kiếm hàng triệu USD mỗi năm tại các giải đấu mà họ tham gia, nhưng tại Olympic, mọi vấn đề liên quan đến tiền nong đều bị gạt sang một bên, và tất cả đều chỉ theo đuổi các thành tích thể thao thuần túy.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, người ta cần phải tìm ra sự cân bằng trong ý tưởng và thực hiện, và có vẻ như London 2012 đã làm được điều đó một cách xuất sắc. Ở London, người ta cảm nhận được tinh thần cộng hưởng, sự cuồng nhiệt, sự cống hiến của các VĐV, người hâm mộ, các tình nguyện viên và tinh thần chiến thắng cao độ.

Chiếc HCV đáng thèm muốn sau khi kết thúc 4 năm miệt mài luyện tập là tất cả những gì mà các VĐV coi trọng ở London. Công chúng, một cách tự nhiên, nhìn vào bảng huy chương để xem ai là những người đang làm tốt nhất, và đội tuyển đất nước của họ đang đứng ở vị trí nào.

Vì vậy ở Olympic, chiến thắng là điều chính yếu. Thế nhưng, nó lại không phải là tất cả.
Chắc chắn không có ai ngây thơ để tin vào một trong số các câu khẩu hiệu mà London 2012 đưa ra: “Chiến thắng không phải là vấn đề, điều quan trọng là tham gia Olympic”. Olympic cho thấy đây là ngày hội thể thao có mức độ cạnh tranh ở đẳng cấp cao nhất, đồng thời lại có khả năng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Chiến thắng của London 2012 nằm ở cách mà nó lôi kéo người hâm mộ vào cuộc một cách say đắm, ngay từ buổi lễ khai mạc đầy ấn tượng cho tới các cuộc thi đấu, tới tận giờ phút những chiếc huy chương cuối cùng được trao.

Người ta yêu thích những câu chuyện “người thật việc thật”, những chiến thắng và những bi kịch, sự trở lại, những niềm vui và tuyệt vọng. Olympic mang lại cho người hâm mộ một cơ hội để cùng tham gia, cùng cảm thấy như họ là một phần của nó.

Khó khăn của F1

F1 là sự kiện thể thao lớn nhất thế giới diễn ra hàng năm và là sự kiện thể thao lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Olympic và World Cup. Nó có một lượng người hâm mộ cực lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn từ một vài khía cạnh, sẽ rất khó để tạo ra được một bầu không khí cuồng nhiệt “kiểu Olympic” trong mỗi chặng đua, bởi các chặng đua diễn ra ở các quốc gia khác nhau, và hết tuần này qua tuần khác. Trong khi đó, Olympic được tổ chức tập trung và chỉ 4 năm mới có một lần.

Điểm yếu lớn nhất của F1 nằm ở chỗ, nó lấy đi của người hâm mộ khá nhiều tiền nhưng lại không trả lại cho họ được bao nhiêu. Nó tới các quốc gia, tổ chức thi đấu, thu về vô khối tiền quảng cáo và du lịch, nhưng lại không để lại một “di sản” nào trong lòng người hâm mộ, giúp họ xây dựng và nuôi dưỡng lòng đam mê của các thế hệ kế tiếp, hoặc tại các thị trường mới.

F1 có nhiều chặng đua ở các vùng đất mới, chẳng hạn như châu Á và Trung Đông, chủ yếu vì các quốc gia đăng cai sẵn sàng trả lệ phí cao. Về logic, điều đó tốt. Môn thể thao này cần phải nắm lấy các thị trường mới nổi vì nhiều lý do, cung cấp cơ hội mới cho du lịch bùng nổ, cho các nhà sản xuất và các nhà tài trợ, cũng như “truyền cảm hứng” cho thế hệ trẻ tại mỗi nước rằng một ngày nào đó một trong số họ có thể trở thành nhà vô địch F1 đầu tiên của đất nước họ.

Thế nhưng, cách mà F1 thực hiện điều này có thể mang đến nhiều hoài nghi: quốc gia A sẵn sàng trả tiền, vì vậy chúng ta sẽ có cuộc đua ở đó. Khi họ hết tiền, F1 sẽ ngay lập tức di chuyển đến quốc gia khác đang sẵn sàng chi trả. Đó là kinh doanh thuần túy, không phải thể thao.

F1 có thể học hỏi từ Olympic bằng cách đánh giá cẩn thận những gì một nước chủ nhà có thể mang đến cho môn thể thao này, ngoài tiền. Sau đó, phải tiếp cận được với người dân địa phương, nỗ lực xây dựng một “di sản văn hóa F1” tại mỗi quốc gia mà nó có mặt, làm việc chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức về các dự án dài hạn, tập trung vào xây dựng các nền tảng bền vững, thay vì chỉ đơn giản là thu tiền mặt và sau đó chuyển đến quốc gia tiếp theo.

F1 được tổ chức với tính chuyên nghiệp rất cao, đặc biệt là nếu bạn thường xuyên theo dõi các hoạt động bên trong của các đội đua, cũng như của FIA, FOM hay FOTA. Những gì mà Olympic làm được cũng cho thấy rõ ràng là F1 cũng có đủ năng lực để làm được nhiều điều tốt đẹp hơn so với những gì mà nó có hiện nay.

Thế nhưng một lần nữa, để làm được điều đó cần phải có một cách nghĩ mới, cởi mở hơn, sáng tạo hơn và trên hết, ít vụ lợi hơn.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục