Đội tuyển xe đạp TPHCM: Nguy cơ tan rã

12:21 Thứ ba 06/01/2015

Không tìm được nhà tài trợ, xe đạp TPHCM có nguy cơ tan rã khi một số trụ cột chính thức xin nghỉ vì thu nhập thấp. Thậm chí các tay đua TPHCM đến bây giờ vẫn chưa biết có tham gia giải Bến Tre vào ngày 12-1 tới hay không vì kinh phí hạn hẹp.

Một số thành viên của đội tuyển xe đạp TPHCM.

Nghỉ đỡ phải lo

Không có tài trợ trong suốt 1 năm qua, toàn đội xe đạp TPHCM đang lâm vào cảnh khó khăn. Họ sống chủ yếu từ tiền Sở VH-TT-DL chu cấp. Được biết, tổng thu nhập 1 tháng tất cả các khoản mà VĐV thuộc lứa dự tuyển được nhận là 7,5 triệu đồng, tuyến Năng khiếu tập trung (6,5 triệu đồng) và Dự bị tập trung (5,5 triệu đồng). Tuy số tiền trên không phải quá thấp, nhưng đối với VĐV xe đạp thì chẳng thấm là bao. Bởi xe đạp là môn có cường độ tập luyện cao, VĐV cần phải ăn uống bồi bổ nhiều mới có sức tập luyện. Tuyển thủ quốc gia Lê Văn Duẩn cho biết: “Một ngày, chỉ tiền ăn, tiền sữa, tiền trái cây tụi em có tiết kiệm lắm thì cũng tốn 200 ngàn. Một tháng cũng mất 6 triệu đồng và cộng thêm 2 triệu đồng tiền thuốc bổ. Trong khi tổng thu nhập chỉ 7,5 triệu đồng, thì tháng nào tụi em cũng phải bù lỗ. Nếu trước đây có nhà tài trợ, các VĐV TPHCM còn nhận thêm từ 5 đến 9 triệu đồng thì còn sống nổi. Chứ như bây giờ, dù có đam mê cách mấy thì tụi em cũng chịu không xiết”.

Chưa dừng ở đó, các VĐV TPHCM còn phải tốn tiền thêm cho việc trang thiết bị. Theo HLV Đỗ Thành Đạt, từ bấy đến nay Sở VH-TT-DL chỉ trang bị cho xích, líp, vỏ, ruột, còn cặp bánh và sườn xe do VĐV tự trang bị. Mà 1 cặp bánh xe đạp chuyên nghiệp cũng tốn 2.000 USD, trong khi chiếc sườn xe lên đến 4.000-5.000 USD. Không đủ tiền ăn, thì tiền đâu họ trang bị. Vì thế, cuộc sống chủ yếu phải nhờ vào tiền gia đình. “Mang tiếng đi làm, không thể phụ giúp gia đình mà còn xài tiền gia đình, tụi em cũng cảm thấy buồn”, tay đua Lê Văn Duẩn tâm sự.

Ngoài ra, hàng ngày họ phải tập trên đường cả trăm cây số mà tai nạn giao thông luôn rình rập. Thế nhưng theo HLV Đỗ Thành Đạt cho biết, các VĐV không hề được mua một chi phí bảo hiểm nào. Chính vì thế, dù có đam mê đến đâu, gắn bó với bộ môn mà phải tốn tiền nhà, trong khi tính mạng luôn bị nguy hiểm, thà bỏ nghề để bớt lo, bớt gánh nặng cho gia đình. Do đó, 2 tay đua Lê Ngọc Thanh, Huỳnh Mai Duy đã xin nghỉ vào cuối năm 2014. Trong khi đó, cánh chim đầu đàn - HLV Đỗ Thành Đạt - cũng đã nộp đơn xin nghỉ và đã không ra huấn luyện kể từ đầu năm.

Tay đua Huỳnh Mai Duy đã xin nghỉ từ cuối năm 2014. Ảnh T.L.

Hy vọng vào ngày mai

Trong 1 năm qua, TPHCM là đội đua có thành tốt nhất trong nước khi giải đấu nào họ cũng không có áo vàng chung cuộc thì cũng áo xanh, đồng đội. Sức hút của họ trong giới truyền thông rất tốt, nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm tài trợ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, lãnh đạo bộ môn xe đạp TPHCM đã liên lạc với một số đối tác để tìm tài trợ cho đội trong năm qua. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn cộng với các doanh nghiệp trên không mặn với xe đạp nên đã từ chối. Thậm chí trong suốt 1 năm qua, dù không còn nhận được tài trợ nhưng xe đạp TPHCM vẫn bảo lưu 2 cái tên của nhà tài trợ cũ Eximbank và Bảo vệ thực vật Sài Gòn nhằm giữ thương hiệu.

Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Mai Bá Hùng cho biết: “Xe đạp là một bộ môn VĐV phải tốn nhiều công sức. Mặc dù Sở đã chăm lo đầy đủ cho các VĐV, nhưng chỉ phần cứng chưa đáp ứng nhu cầu của họ. Xe đạp đang tiến lên con đường bán chuyên nghiệp thì ngoài kinh phí của nhà nước, còn phải kiếm thêm tài trợ thì mới đủ. Những khó khăn hiện nay của đội, lãnh đạo của Sở, thậm chí là lãnh đạo của UBND TPHCM cũng đã ghi nhận. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ liên lạc với một số đối tác để tìm tài trợ cho đội và nhận được kết quả đáng khả quan. Trong khi chưa tìm được nhà tài trợ lớn, chúng tôi đang lên phương án quy động nguồn lực của các đơn vị là thành viên của Liên đoàn mô tô xe đạp TPHCM có nguồn kinh phí tốt, san sẻ để ủng hộ cho xe đạp”.

Quang Trực | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục