Đội tuyển Việt Nam trước giờ xung trận: Đòn bẩy và điểm tựa

13:31 Thứ bảy 24/11/2012

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” - tục truyền đó là lời của Acsimet, một nhà cơ học thiên tài thời cổ, người đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy. Vậy, trong cơ chế vận hành chiến thuật của ĐT Việt Nam, đâu là điểm tựa và những ai là đòn bẩy, để có thể… nhấc bổng đối thủ khó chơi Myanmar?

Khi còn cầm các ĐTQG Việt Nam và đặc biệt là ĐT nam thăng hoa ở AFF Suzuki Cup 2008, HLV tiền nhiệm Henrique Calisto luôn đảm bảo lối chơi của đội bóng xoay quanh một bộ khung gần như bất di bất dịch. Đó là bộ đôi – buồng phổi ở khu giữa sân Minh Phương và Tài Em, cùng sự cơ động của Tấn Tài, Vũ Phong, Thành Lương và Công Vinh. Tất nhiên, không thể không nhắc tới vai trò của Việt Thắng ở nơi cao nhất đội hình.

Nguyên Sa (phải) có vai trò rất quan trọng trong lối chơi của ĐT Việt Nam. Ảnh: V.S.I

Ở một vài trận đấu cụ thể, với diễn biến cụ thể trên sân (ví như 2 trận chung kết với Thái Lan), cầu thủ có lợi thế về thể lực, cũng như khả năng tranh chấp tay đôi, thu hồi bóng như Minh Châu được sử dụng (thay cho Minh Phương). Cần nhớ rằng, trước khi có đường chuyền (từ cú đá phạt sở trường) để Công Vinh lắc đầu rung mành lưới Thái Lan ở Mỹ Đình, Minh Phương chỉ vào sân từ băng ghế dự bị. Những phép tính hợp lý và đương nhiên, rất hiệu quả ấy, đã giúp ĐT Việt Nam bay cao. Trợ lý số 1 của ông “Tô”, HLV trưởng Phan Thanh Hùng, lúc này, hẳn đã lãnh hội được rất nhiều điều bổ ích.

ĐT Việt Nam của vị tướng họ Phan được hiệu triệu cho AFF Cup 2012 được nhìn nhận là dư dả về quân số ở tuyến 2, với đầy đủ xe – pháo – mã, có cả cả đòn bẩy và cả (những) điểm tựa. Theo đó, tiền vệ phòng ngự Nguyên Sa được nhắm đến như một quân bài quan trọng bậc nhất ở khu giữa sân (tựa như Minh Châu trước đây), đảm bảo cho Tấn Tài, Trọng Hoàng, Thành Lương và cả Quốc Anh có đủ không gian diễn ở phía trên...

Nhưng, rất có thể, cuộc đối đầu với Myanmar vào chiều nay, điểm tựa của đội bóng sẽ không phải Nguyên Sa mà là Tấn Tài.

Nói theo ngôn ngữ hình ảnh và bằng những viện dẫn cụ thể, vai trò của Tấn Tài sẽ được bảo lưu hệt như hồi AFF Suzuki Cup 2008, Trọng Hoàng sắm vai của Minh Phương, còn Tài Em chính là Nguyên Sa bây giờ. Với sự phân công ấy, thậm chí bộ 3 tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam dưới triều đại Phan Thanh Hùng còn tiềm ẩn khả năng bùng nổ lớn hơn so với các đàn anh trong đội hình của Henrique Calisto trước đây.

Tuy nhiên, không phải không có những băn khoăn trong cơ chế vận hành chiến thuật của ĐT Việt Nam và từ chính những mảnh ghép của HLV Phan Thanh Hùng. Trong đó, tâm lý, một khái niệm không hề mơ hồ, là mối lo lớn nhất. Như phát biểu của tiền đạo chủ lực Lê Công Vinh với TT&VH cách đây không lâu, rằng: “Chúng ta đã được chơi với những đối thủ không quá mạnh, được làm quen với các chiến thắng, nhưng đó chỉ là các trận đấu và giải đấu tập huấn...”.

Ngoài ra, vẫn có cảm giác khá rối rắm trong lối chơi của đội bóng, khi sự cơ động (thái quá) có thể còn khiến các cầu thủ giẫm chân lên nhau. Trên sân, nếu một (hay vài vị trí) quá ham hố và bị trái bóng hút đi, có thể sẽ phá vỡ cả cấu trúc vận hành của đội hình chiến thuật. Thế nên mới cần có sự phân công lao động một cách thật khoa học.
Chiến thuật trong bóng đá là vô tận, nhưng cũng có những nguyên lý vận hành gần như bất di bất dịch. Với con người (vốn hữu hạn) có trong tay, HLV Phan Thanh Hùng hẳn đã có lời giải, sau một quá trình chạy “đề-mô” tính bằng nhiều tháng.

Vậy, tất cả hãy cứ chờ xem sao!
CCKM | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục