Chuyên gia thể lực Raymond Verheijen: Đừng để "hết pin" sớm!

19:02 Chủ nhật 27/05/2012

Raymond Verheijen là một trong những chuyên gia thể lực nổi tiếng nhất trong bóng đá đỉnh cao. Ông từng hợp tác với các HLV Guus Hiddink, Frank Rijkaard, Louis Van Gaal, Dick Advocaat, cùng các ĐT Hà Lan, Nga, Hàn Quốc 3 lần tham dự World Cup và 3 lần tham dự EURO.

Ông cũng là chuyên gia thể lực ở nhiều CLB khác nhau, từ Barcelona cho tới Zenit St Petersburg. Verheijen huấn luyện thể lực, hoặc cố vấn thể lực cho việc huấn luyện chuyên môn của BHL, hiệu quả đến nỗi có nhiều ngôi sao thuê luôn nhân vật này làm chuyên gia thể lực riêng. Quan điểm chủ đạo của Verheijen là: càng tập nhiều thì hiệu quả thu được đôi khi càng ít, vì tuy cầu thủ tích lũy thể lực nhưng nguy cơ kiệt sức của họ cũng tăng lên và dễ chấn thương.

Verheijen đồng ý rằng tập nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, là còn tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Nhưng trong bóng đá đỉnh cao, khó có một đội tuyển gồm 23 cầu thủ hoàn toàn giống nhau về mặt hoàn cảnh, vì họ đến từ những CLB hoặc những giải đấu khác nhau, tình trạng thể lực cũng khác nhau. Thế nên, tập nhẹ hoặc tập ít trước những giải lớn như World Cup hoặc EURO thì an toàn hơn. Mặt khác, thà tập ít nhưng chất lượng chuyên môn tốt còn hơn tập nhiều.

Điều mấu chốt là ở chỗ: không phải HLV xuất sắc nào cũng am hiểu vấn đề thể lực trong khi các chuyên gia thể lực lại chưa chắc nắm vững các vấn đề chuyên môn trong bóng đá. Verheijen trước tiên là một chuyên gia thể lực, nhưng ông có đủ bằng cấp huấn luyện và đủ tư cách huấn luyện các đội bóng đỉnh cao ở châu Âu. Verheijen thành công trong lĩnh vực của mình là vì vậy.

Dĩ nhiên, Roberto Mancini phải được xem là HLV giỏi. Nhưng khi ông này huấn luyện Manchester City, có đến 7 cầu thủ chấn thương (Joleon Lescott, Sylvinho, Roque Santa Cruz, Stephen Ireland, Shaun Wright-Phillips, Micah Richards, Nigel de Jong) chỉ trong 10 ngày đầu tiên. Ai cũng ngỡ đấy là “vận xui”, chỉ có Verheijen chỉ rõ: chắc chắn Mancini đã thay đổi cách tập ở Manchester City khi ông tiếp quản ghế HLV trưởng từ tay Mark Hughes. Báo giới lao vào tìm hiểu và y như rằng: Mancini chuyển từ chế độ tập 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày.

Nhìn vào khâu chuẩn bị của các đội tuyển trước những giải lớn như EURO hoặc World Cup, chúng ta càng thấy việc thay đổi thói quen tập luyện có ảnh hưởng lớn như thế nào, do đội tuyển là sự tập hợp của các cầu thủ đến từ những CLB khác nhau, cách tập ở CLB cũng rất khác nhau.

Chỗ này, HLV danh tiếng Fabio Capello đành thừa nhận. Ông rất giỏi, với nhiều thành tích cụ thể. Nhưng ông không phải là chuyên gia thể lực, và ông chưa từng huấn luyện ĐTQG trước khi dẫn dắt đội Anh. Thế nên, khi chuyển từ môi trường huấn luyện CLB sang môi trường huấn luyện đội tuyển thì Capello thất bại, với hình ảnh rõ ràng là các tuyển thủ Anh trình diễn thể lực tồi tệ tại World Cup 2010.

Verheijen kết luận: tập thế nào để các cầu thủ không rơi vào nguy cơ chấn thương hoặc suy kiệt thể lực vẫn tốt hơn là tập để tích lũy thể lực lúc đầu, nhưng mau đuối sức vào giờ chót. Đấy là quan điểm xuyên suốt của ông, đối với ĐTQG trước những giải lớn cũng như đối với các CLB trong suốt mùa bóng. Khi bạn không “hết pin” vào giờ chót thì điều đó có nghĩa là bạn đã hơn đối phương về thể lực rồi, cho dù lúc nhập cuộc đối phương có thể nhỉnh hơn!

Cát Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục