Bóng đá phải đem lại tiền

10:30 Chủ nhật 06/07/2014

Trung tâm bóng đá trẻ Viettel (gọi tắt là Trung tâm Viettel) bị giải thể diễn ra ngay trong thời điểm World Cup, nên nhanh chóng chìm khuất trong cơn bão thông tin của bóng đá thế giới.

1. Trung tâm bóng đá trẻ Viettel (gọi tắt là Trung tâm Viettel) bị giải thể diễn ra ngay trong thời điểm World Cup, nên nhanh chóng chìm khuất trong cơn bão thông tin của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam, đó là một bước lùi đáng kể, là một sự mất mát quá lớn, chẳng khác gì việc CLB Thể Công bị xóa sổ hồi năm 2009.

Nếu xét ở góc độ quy mô, Trung tâm Viettel được đánh giá lớn nhất Việt Nam, là nơi đào tạo cầu thủ theo “đơn đặt hàng” từ chính LĐBĐ Việt Nam (VFF) khi các đội tuyển U.13, U.16, U.19 (trước khi có lứa cầu thủ Học viện HA.GL) đều lấy nòng cốt từ Trung tâm Viettel. Với nguồn kinh phí từ Tập đoàn Viễn thông Viettel, không ai nghĩ đến ngày “lò” đào tạo này lại phải chấm dứt hoạt động nhanh, bất ngờ đến như vậy, nhất là sau gần 10 năm đào tạo, đây là thời điểm mà trung tâm “hái quả”.

Đội tuyển U.16 Việt Nam với nòng cốt cầu thủ được đào tạo từ Trung tâm Viettel. Ảnh: HOÀNG MINH

Nhưng cũng chính thời điểm này, lãnh đạo Viettel nhận thấy sự đầu tư không mang lại hiệu quả. Được biết, mỗi năm trung tâm này “ngốn” gần 70 tỷ đồng, bằng số tiền đầu tư cho CLB chuyên nghiệp, mà cầu thủ lại không có nơi “tiêu thụ”, tiền chuyển nhượng không đến 1 tỷ đồng/người. Càng đào tạo càng thua lỗ, nhất là khi Thể Công không còn nữa để tiếp nhận các cầu thủ trưởng thành.

Trường hợp của Trung tâm Viettel chẳng khác gì Học viện PVF, vốn nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup theo kiểu “từ thiện”, bởi học viên của học viện này không phải đóng học phí. Đây là 2 “lò” đào tạo lớn nhất Việt Nam về quy mô nhưng cái kết của họ có lẽ cũng chẳng khác nhau. Ngay như Học viện HA.GL - Arsenal của bầu Đức, nếu không bán được cầu thủ sang châu Âu để thu tiền, có lẽ cũng cho cầu thủ đi học đại học để… làm “thương hiệu” chứ chuyển nhượng ở thị trường trong nước thì thà để lại cho đội 1 HA.GL sử dụng còn hơn! Vấn đề là nếu chỉ đào tạo cầu thủ cho đội 1 HA.GL thì đâu có cần tốn kém đến vậy.

2. Ai cũng thấy giá trị của các trung tâm như Viettel, PVF hay Học viện HA.GL đối với tương lai bóng đá Việt, nhưng cũng chẳng thấy có giải pháp nào để duy trì các “lò” đào tạo tư nhân có chất lượng đó khi đầu ra chính là hệ thống các CLB chuyên nghiệp quá èo uột. Các CLB không tự làm ra tiền thì lấy đâu kinh phí để mua sắm cầu thủ được đào tạo chính quy có giá cao?

Như vậy, hết các CLB lần lượt giải thể đột ngột thì có lẽ sắp đến các “lò” đào tạo cũng sẽ xảy ra chuyện tương tự như Trung tâm Viettel. Cách đây 7 năm, phong trào mở trường dạy bóng đá rầm rộ trên mọi miền đất nước, đến nay số “lò” có khả năng bán được cầu thủ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, bao gồm cả những nơi có ngân sách nhà nước. VFF hô hào các CLB phát triển tuyến kế thừa, phát triển bóng đá trẻ, nhưng thực tế thì ngay chính VFF cũng không biết làm gì để các CLB có nguồn thu.

Đăng Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục