Bài học giải quyết vấn nạn trọng tài của Thái Lan

17:32 Thứ tư 03/08/2016

Sau khi lên làm Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Thái Lan, Somyot Poompunmuang đã tự bổ nhiệm mình là lãnh đạo Ủy ban trọng tài quốc gia, mạnh tay xử lý những người yếu kém chuyên môn.

Thanom Borikut, một trong những trợ lý trọng tài xuất sắc của bóng đá Thái Lan mới đây đã bị AFC cấm làm nhiệm vụ suốt đời vì dính đến tiêu cực. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, ông cũng đề ra chương trình hành động cụ thể, tập trung vào bốn điểm để nâng cao chất lượng trọng tài của Thái Lan. Nó bao gồm việc quán triệt luật, quy chế đối đối với trọng tài, nâng cao thể lực và trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, ông cũng xem xét lại thu nhập của những ông vua sân cỏ, khảo sát cuộc sống gia đình của họ để có những điều chỉnh cho phù hợp.

“Chúng tôi sẽ cải thiện sinh kế của họ để những trọng tài không có những hành động sai trái nhằm kiếm lợi”, Somyot nhấn mạnh. Hiệu quả của kế hoạch này vẫn cần thời gian để kiếm chứng nhưng nó cho thấy sự quyết đoán trong hành động của lãnh đạo bóng đá Thái Lan trước vấn nạn trọng tài.

Somyot xem trọng tài là một trong những vấn đề cấp bách cần giải quyết đầu tiên khi lên nắm quyền, để đảm bảo sự công bằng cho những trận đấu giải Thailand Premier League (TPL), cũng như tạo dựng niềm tin nơi người hâm mộ. Cuối tháng 2 vừa qua, ông quyết định treo còi vô thời hạn trọng tài Thiteechai Nuanjan và hai trợ lý vì mắc sai sót nghiêm trọng ở trận Buriram United thắng Muangthong 3-1 tại King’s Cup.

Thiteechai đã mắc nhiều sai lầm trong trận đấu, đặc biệt cho Buriram được hưởng một quả phạt đền dù hậu vệ Peerapat Notechai đã phạm lỗi ngoài khu vực 16,5 m. “Rõ ràng chất lượng của trọng tài không đủ, vì thế tôi đã ra lệnh treo còi vô thời hạn cùng 2 trợ lý. Họ sẽ được xem xét sau khi chúng tôi hoàn thành kết quả điều tra”, Somyot nhấn mạnh.

Somyot có những hành động nhanh nhẹn, quyết đoán đối với vấn nạn trọng tài tại Thái Lan. Ảnh: Internet.

Sai sót của trọng tài Thiteechai không hơn vụ việc liên quan đến đồng nghiệp Hà Anh Chiến hay Phùng Đình Dũng tại Việt Nam. Nhưng cái khác là cách những người điều hành giải đấu đối mặt và tập trung giải quyết. Tất cả đều rất rõ ràng. Trong khi đó, Ban trọng tài của VFF không đảm bảo sự minh bạch trong những quyết định xử phạt, theo kiểu đóng cửa tự bao nhau. Việc ông Hà Anh Chiến bị xử như thế nào, đến nay vẫn là sự bí ẩn?

Một trong những đặc điểm mà bóng đá Thái Lan khá giống Việt Nam là vấn nạn trọng tài. Thậm chí, những ông vua sân cỏ tại quốc gia này tệ hại hơn nhiều. Cách đây không lâu, Liên đoàn bóng đá châu Á đã quyết định treo còi suốt đời đối với 2 ông áo đen của Thái Lan là Thanom Borikut và Chaiya Mahapab vì có những hành vi sai trái, ảnh hưởng đến kết quả bốn trận đấu, trái với đạo đức nghề nghiệp.

Một mặt, FAT rất nghiêm khắc với những sai sót của trọng tài, dù đó là những lỗi nhận định, xuất phát từ chuyên môn kém. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng trừng phạt thích đáng nếu đội bóng có những phản ứng quá khích đối với ông vua sân cỏ, trái với điều lệ. Cuối năm 2015, trọng tài Pichit Thongchanmoon đã bị FAT treo giò 6 tháng vì kém cỏi khi điều triển trận Satun United thua Khon Kaen United ở giải hạng Hai Thái Lan. Ngược lại, Satun United bị cấm thi đấu 3 năm, nộp phạt số tiền lớn vì để các CĐV tràn xuống sân đánh ông vua sân cỏ này.

Về chế độ, những người cầm còi tại Thái Lan được đảm bảo để ổn định cuộc sống. Đầu năm 2012, trọng tài chính đã được nhận 325 USD/trận (hơn 7 triệu đồng/trận), còn trợ lý là 195 USD/trận (hơn 4 triệu đồng/trận). Đây là mức còn cao hơn cả VPF trả cho trọng tài V.League hai mùa gần đây.

Bóng đá Việt Nam đang thiếu một người nói được và làm nhanh như Somyot. Nhưng để thay đổi, có thể là mơ ước viển vông. Bởi không đâu như V.League, Trưởng ban trọng tài cũng đồng thời là Phó Trưởng ban tổ chức giải VĐQG 2016.

Hoàng Tâm | 17:00 03/08/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục