2 trong 1

07:52 Thứ bảy 07/02/2015

Nếu tách biệt được chiến lược đầu tư, dạng VĐV biệt tài như Ánh Viên, Quý Phước, Quách Thị Lan, Hà Thanh… không nhất thiết phải xuất hiện ở đấu trường SEA Games, vì đẳng cấp của họ từ lâu đã thoát khỏi “vùng trũng” Đông Nam Á, hoàn toàn có thể bay nhảy ở sân chơi châu Á, thế giới và cao cấp nhất là cái đỉnh Olympic. Tức là, họ được phép nằm ngoài kế hoạch chuẩn bị nhân sự cho SEA Games, để tập trung toàn lực cho việc vươn đến chuẩn B, A dự Olympic và thậm chí đoạt được huy chương giống như lực sĩ Hoàng Anh Tuấn từng làm được ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Nếu xóa bỏ được tư duy dùng người “2 trong 1”, những gương mặt ưu tú của thể thao Việt Nam có lẽ còn thăng tiến hơn nữa, thay vì luôn canh cánh trong lòng trách nhiệm phải lấy HCV SEA Games bằng mọi giá, trước khi nghĩ đến chuyện tranh tài ở Olympic. Thậm chí, nói “2 trong 1” còn quá may, người ta thấy nhiều VĐV từng đoạt huy chương Asian Games, dự Olympic nhưng vẫn phải đấu giải quốc gia, xuất hiện ở giải sinh viên Đông Nam Á… chủ yếu để giúp thỏa mãn căn bệnh thành tích của ngành thể thao, giáo dục.

Đẳng cấp của Hà Thanh đã vượt tầm SEA Games.

Nếu giới chức hướng tầm mắt ra xa hơn, thoát khỏi suy nghĩ đầy tù túng, thể thao Việt Nam khác lâu rồi, chứ đâu phải “chạy ăn từng bữa” như lúc này. Mang tiếng là sở hữu nhiều nhân tài, nhưng cách sử dụng nguồn lực hiếm hoi ấy của thể thao còn nghiệp dư lắm.

Ai cũng nhìn thấy SEA Games đang dần trở thành gánh nặng đối với thể thao khu vực, nên gần như mọi quốc gia khi nhận quyền đăng cai luôn tìm cách cắt giảm số lượng nội dung tranh tài, cắt giảm kinh phí đầu tư và quan trọng là cách chuẩn bị con người cho sự kiện này giờ đây cũng đã khác nhiều, chủ yếu dành cho VĐV trẻ hoặc không nằm trong diện “tấn công” đấu trường Olympic.

SEA Games là sự kiện “bỏ thì thương, vương thì tội”, không còn tạo được sức hút nữa, chủ yếu vì chất lượng tranh tài sa sút, vì tình trạng dàn xếp, mua-bán thành tích ngày càng lộ liễu và đôi khi giới quan sát có cảm giác đang đến một… phiên chợ hơn là đến với 1 đại hội thể thao của khu vực. Thành thử, mặc dù đấy là sự kiện khó bỏ, nhiều quốc gia trong khu vực giờ đây chỉ coi như một bước đệm cho VĐV của mình hướng đến những đấu trường lớn hơn.

Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia không quay lưng lại với SEA Games, nhưng chiến lược của nhóm những quốc gia hàng đầu này khác trước nhiều. Họ chọn những môn trọng điểm (cầu lông, bơi lội, điền kinh, xe đạp, bắn súng, taekwondo, quần vợt) để gửi VĐV ra nước ngoài tập huấn, có khi kéo dài vài năm, không chỉ vì mục đích tranh suất dự Olympic, mà còn vì giấc mộng thành tích ở đấu trường khắc nghiệt này.

Ở Olympic London 2012, Thái Lan lấy 2 HCB và 1 HCĐ, Indonesia và Malaysia có cùng 1 HCB và 1 HCĐ, trong khi Singapore cũng sở hữu 1 HCĐ. Còn trước đó 4 năm, khi Việt Nam có tấm HCB môn cử tạ, người Thái đoạt tới 2 HCV (quyền Anh và cử tạ), đoàn VĐV xứ vạn đảo cũng đoạt 1 HCV môn cầu lông…

Lê Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục