Tại sao người Mỹ không "đẻ" ra Federer

10:20 Chủ nhật 01/01/2012

Có một điều chúng ta băn khoăn, và hẳn nhiên đó cũng là câu hỏi của cả thế giới, là giờ đây có nên tìm tới Mỹ như một miền đất hứa để nuôi dưỡng giấc mơ trở thành nhà vô địch Grand Slam hay không?

Hỏi cũng phải bởi Mỹ vẫn là quốc gia có số lượng người chơi tennis nhiều nhất thế giới với ước chừng 18 triệu người (tổng dân số hơn 300 triệu). Nước Mỹ có vô số những học viện tennis mà Bollettieri Academy lâu đời nhất đáng được gọi là Havard của môn banh nỉ đến nay vẫn còn đó.

Iva Mihaylova, đến từ Đông Âu, là thành viên tuyển trường Baylor - Ảnh Getty

Mỹ có thể khủng hoảng thiếu hàng ngàn tỉ USD chứ họ không phải băn khoăn tới những con số tính bằng đơn vị vài triệu hay vài chục triệu USD để đầu tư cho cái gì đó. Bằng chứng, nước Mỹ không thu được thuế của 7,7 triệu người nhập cư trái phép đang được các công ty Mỹ thuê, nhưng chính phủ sẵn sàng cấp thực phẩm miễn phí cho những người đó miễn là họ chứng mình được rằng mình có thu nhập thấp. Sự thực là mỗi năm, chỉ riêng học bổng rót cho các sinh viên ngoại quốc chơi tennis ở các trường đại học cũng đã ngốn của Hiệp hội quần vợt nước này 10 triệu USD.

Mỹ vẫn là đất nước có số lượng huấn luyện viên hàng đầu nhiều nhất, mà người đang dẫn dắt Federer cũng chính là một người Mỹ, Paul Anncone.

Nước Mỹ thi thoảng vẫn xuất hiện trên truyền thông với những trận bão tuyết vào mùa Đông, những cơn lốc cuốn dữ dội vào mùa Hạ, nhưng nếu ai muốn chơi tennis quanh năm, họ có thể tới miền Tây với California, Oregon... hay đi sâu xuống phía Đông Nam có Florida quanh năm nắng ấm.

Tức là Mỹ chẳng thiếu điều kiện gì để có một nền tennis phát triển với những tay vợt vô địch Grand Slam theo chu kỳ dù khiêm tốn nhất cũng phải hai hay ba năm một lần.

Đó là còn chưa kể tới truyền thống với hàng chục nhà vô địch Grand Slam và những người từng thống trị ngôi số 1 mang quốc tịch Mỹ.

Hay nhìn theo thói quen của chúng ta, cái gì cũng quy ra phong trào, thì tennis của Mỹ còn được khuyến khích bởi vợ chồng Tổng thống Obama, khi trong năm 2011 cả hai cùng cầm vợt múa may và ra lời hiệu triệu kiểu toàn dân hãy tập thể thao.

Cũng bệnh thành tích, hay vì triết lý của người Mỹ là như thế?

John Isner đi lên từ các giải tennis đại học ở Mỹ, hiện là số 18 thế giới - Ảnh Getty

Trong những lần quan sát và trò chuyện với các thành viên của đội tuyển tennis trường đại học District of Columbia University (UDC), tôi mới phát hiện ra một điều là: Người chơi hay nhất tuyển nam có tên là Alexander, đến từ Slovakia. Anh năm nay 20 tuổi, đã chơi tennis được 14 năm. Ngôi sao của tuyển nữ là một cô gái cũng chừng 20 tuổi, nói tiếng Tây Ban Nha ngọt ngào hơn tiếng Anh. Cô chỉ là một trong số bảy tay vợt cả nam và nữ đến từ các nước Mỹ Latin, trong đó chủ yếu là Mexico.

Một báo cáo mới đây về thực trạng "ngoại binh" trong các tuyển trường tennis nước Mỹ cho thấy những con số đáng nhớ: đội tuyển tennis nữ của trường Baylor, đứng hàng đầu quốc gia không có ai là người Mỹ. Sáu trong tổng số mười sáu tuyển trường đại học đua tranh giải vô địch tổ chức ở Virginia có các sinh viên - tay vợt nước ngoài nhiều hơn là người Mỹ. 37% trong số những tay vợt chơi cho 25 đội bóng hàng đầu là người nước ngoài.

Cũng không ngẫu nhiên khi Joey Scrivano, huấn luyện viên được tuyển trường Baylor University thuê với một mệnh lệnh, là hãy giúp họ mang về chức vô địch, chứ không phải là yêu cầu hãy giúp trường đào tạo và xây dựng những nhà vô địch mang quốc tịch Mỹ.

Anton Rudjuk là nhân vật mà hầu hết các sinh viên ngoại quốc, muốn tìm đến Mỹ thông qua con đường tennis, đều biết. Rudjuk, một cựu tay vợt người Mỹ gốc Nga, chuyên tổ chức các tour đi tuyển quân ở Nga cho các HLV Mỹ. Mỗi sinh viên trả Rudjuk chừng 1,5 - 2 ngàn USD, nếu họ nhận được học bổng thông qua khả năng chơi tennis trị giá 20 - 30 ngàn USD mỗi người.

Kết cục là ngày càng có nhiều sinh viên ngoại quốc đến Mỹ và chiếm lấy những khoản học bổng dành riêng cho những tài năng tennis. Oái oăm ở chỗ, trong số đó có cả những sinh viên được nhận diện là bán chuyên và già hơn sinh viên Mỹ.

Và tennis học đường mấy năm qua không còn sản sinh ra John Isner, một trong số 4 tay vợt hàng đầu của Mỹ hiện tại cũng đi lên từ tennis trường học nữa.

Thế nhưng, với David Benjamin, Chủ tịch Hội tennis các trường đại học ở Mỹ, thì việc các sinh viên ngoại quốc 'xâm chiếm" ấy không lấy mất đi những cơ hội của người Mỹ bản địa. Thậm chí trong số 5.700 suất học bổng cho tennis được quy định phải có chỗ dành cho các tay vợt ngoại quốc, nếu không họ sẽ bị trả lại tiền đầu tư. "Cứ thử đi tìm các cô gái người Mỹ không được nhận học bổng xem sao. Rất khó tìm đấy. Họ có thể không có nhiều cơ hội xuất hiện trong đội hình tuyển trường, nhưng học bổng không có trường này sẽ có trường kia cung cấp", Benjamin phản biện.

Với các trường Đại học ở Mỹ, cơ hội công bằng được quy định hẳn trong luật vẫn được gọi là "Title IX" (Đề mục IX của Tu chính án giáo dục, ban hành từ năm 1972), đó là bất cứ ai ở Mỹ, không kể giới tính đều được hưởng quyền như nhau, không bị từ chối tham dự bất cứ chương trình giáo dục nào hoạt động bằng ngân sách của chính phủ liên bang.

Và đúng thực là quần vợt Mỹ vẫn đã và đang đầu tư không tiếc tay, sẵn lòng làm tất cả để phát triển Ryan Harrison, đầu tư cho Donald Young, hay năm ngoái rót thêm 1 triệu USD cho tennis trẻ em.

Thế nhưng nước Mỹ vẫn chưa thể "nặn" ra được một Agassi thứ hai chứ chưa cần nói tới cỡ Federer của Thụy Sĩ. Quả rằng nó vẫn là một bí ẩn.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục