Kết thúc Wimbledon 2012: Thầy và trò huyền thoại

07:36 Thứ bảy 14/07/2012

Dưới sân Roger Federer thắng Andy Murray để tiếp tục làm nên lịch sử, còn trên khán đài Paul Annacone cũng trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết.

Từ nụ cười của Paul Annacone

Khi Federer ngã ra sân ăn mừng chiếc cúp Wimbledon thứ bảy và danh hiệu Grand Slam thứ 17, trên khán đài trong khu dành riêng, gia đình Federer không kiềm chế được cảm xúc, còn huấn luyện viên Paul Annacone chỉ đứng dậy, khẽ nở một nụ cười nhanh như một đường bóng thoáng qua.

Nếu như Federer tiếp tục công phá những kỷ lục và trở thành người vĩ đại ở bất cứ nơi đâu anh tới thì Annacone, một người Mỹ, cũng đã đi vào lịch sử với tư cách là người đã cứu vãn sự nghiệp của cả hai huyền thoại khi đúng mười năm về trước, ông giúp Pete Sampras giành được Grand Slam thứ 14 sau hai năm vật lộn với phong độ sa sút và khát vọng chiến thắng đã nguôi dần.

Có một điều rất khó cho Annacone, Federer đã gần như hoàn hảo với các kỹ thuật chuẩn mực và là một bộ óc có khả năng phân tích tình huống rất nhanh cũng như kinh nghiệm dày dặn giúp anh có thể tự chuẩn bị cho mình về mặt chiến thuật. Người ngoài nhìn vào cũng khó có thể đánh giá được công việc của Paul trong nỗ lực khôi phục và tái tạo lại một Federer của thời đỉnh cao.

Roger Federer và danh hiệu Wimbledon thứ bảy- Ảnh Getty

Thậm chí, giai đoạn đầu của Annacone làm việc với Federer giống như một sự phá hủy. Lối đánh giao bóng lên lưới đã trở nên lỗi thời và Federer thảm bại ở Australian Open 2011 dưới tay của Novak Djokovic (0-3). Cả giai đoạn tiếp theo là sự mất phương hướng khi Annacone dường như cũng đồng thuận với Federer trong việc đi tìm kiếm sự an ủi ở các giải đấu Masters 1000, thậm chí là họ không tha cả những giải ATP 500, và dùng chiến thắng ở các giải đấu này giống như những viên thuốc an thần.

Hai thầy trò dường như đã đi tới gần giới hạn của một sự đổ vỡ không thể tránh khỏi nếu như tiếp tục trắng tay ở Wimbledon lần này. Hoặc cùng lắm cũng chỉ là sau US Open, nếu như nó lại là một giải đấu thất bại.

Nhưng với Annacone, tennis tấn công là một triết lý đã ăn vào máu. Federer vẫn phải hướng lên trên, và nếu như anh không đủ nhanh để tràn tới gần lưới bắt volley thì giải pháp là hãy sử dụng cú volley xoay (swing volley), một cú đánh có kỹ thuật giống như đánh thuận tay hay trái tay nhưng bóng chưa chạm mặt sân, và điều tối quan trọng là nó thường được thực hiện khi các tay vợt mới chỉ bước tới giữa sân.
Trận chung kết, Federer đã bước vào trong sân để thực hiện những cú đánh tấn công kinh điển của tennis (volley, smash) và cả cú swing volley đang ngày trở nên đặc biệt quan trọng trong tennis hiện đại. Nên biết rằng trong cả trận chung kết, Federer giành 151 điểm, thì có tới 53 điểm đến từ những lần bước vào trong sân như thế.

Gần hai năm miệt mài và vắt óc của Paul với Federer cuối cùng đã đổi lấy được một nụ cười.

Ánh mắt bất lực của Lendl

Paul Annacone (trái) đã làm hồi sinh Pete Sampras, và giờ là Roger Federer- Ảnh Getty

Ngồi cách đó không xa, truyền hình bắt được hình ảnh Ivan Lendl với đôi mắt đầy ám ảnh của sự bất lực. Ông là một người Cộng hòa Czech, nhập quốc tịch Mỹ từ khi vẫn còn cầm vợt và trở thành một huyền thoại. Ông chưa từng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một huấn luyện viên, nhất là khi ông giờ mê golf như điếu đổ, cho tới khi Andy Murray, giống như một ca bệnh khó thử thách trình độ của bác sĩ, đã đưa Lendl trở lại với tennis.

Ông từng giành tám Grand Slam, và điều quan trọng hơn tất thảy, ông được coi là tay vợt có những phương pháp tập luyện chuyên nghiệp nhất trong những năm 1980, là người đầu tiên có huấn luyện viên thể lực và thuê hẳn một công ty chuyên căng dây vợt chẳng hạn. Cũng nên biết rằng, sau khi Murray chia tay với huấn luyện viên Miles Maclagan hầu hết các huấn luyện viên tài năng nhất của tennis thế giới đều muốn nhận Murray làm học trò, nhưng Murray quyết mời được Lendl, người từng thua tới trận chung kết Grand Slam thứ năm mới có một chiến thắng.

Lendl đã làm thay đổi Murray, nói đúng hơn đã nâng cấp tay vợt người Scotland tiến gần hơn tới đẳng cấp của bộ ba ngôi sao Federer, Rafael Nadal, Djokovic. Nhưng bản lĩnh, tâm lý và sự lạnh lùng là thứ mà Lendl không thể trút sang người Murray giống như việc ông đang chỉ huấn cho Murray điều chỉnh cú thuận tay và giảm bớt thiên hướng phòng ngự để tấn công mạnh mẽ.

Khi Murray không thể giao bóng một cách chính xác hai lần liên tiếp để Federer liên tục khai thác cú giao bóng hai yếu ớt, Lendl hiểu rằng ông vẫn còn rất nhiều việc phải làm, có thể sẽ phải hy sinh nhiều hơn thú chơi golf để Murray trở thành Lendl thứ hai, để “chỉ” thua bốn trận chung kết Grand Slam rồi biết vô địch.

Khi đó, Lendl lại một lẫn nữa trở thành vĩ đại, và giống như Annacone...

Match Point: Federer sẽ ở lại ngôi số 1 bao lâu

Có thể với Federer việc một ngày nào đó anh lại rời xa ngôi số 1 thế giới không phải là điều to tát, khi anh sẽ vượt qua kỷ lục 286 tuần nắm giữ ngôi đầu ATP của Pete Sampras và đã có danh hiệu Grand Slam thứ 17. Nhưng vẫn đáng quan tâm xem Federer sẽ ngự trị trên ngai vàng đó bao lâu nữa. Olympic sẽ diễn ra trong tháng 7 này và đó là cơ hội để Djokovic lấy lại ngôi vị số 1 khi anh chỉ thua Federer 75 điểm trong khi chức vô địch ở Olympic sẽ mang lại 750 điểm còn người về nhì chỉ được 450 điểm. Nhưng khi mùa sân cứng trở lại với khu vực Bắc Mỹ (Canada và Mỹ) nằm trong hệ thống US Open Series, Federer lại có nhiều lợi thế để đua tranh hơn so với Djokovic do số điểm phải bảo vệ ít hơn tới 2610 điểm. Còn Nadal, hiện đang dưỡng thương đầu gối, có rất ít cơ hội để đua tranh cho vị trí số 1 trong năm 2012.

Lên lưới của Federer ở Wimbledon 2012

Vòng 1 gặp Alberto Ramos: 34 lần (thành công 74%)

Vòng 2 gặp Fabio Fognini: 23 lần (91%)

Vòng 3 gặp Julien Benneteau: 39 lần (56%)

Vòng 4 gặp Xavier Malisse: 39 lần (87%)

Tứ kết gặp Mikhail Youzhny: 34 lần (71%)

Bán kết gặp Novak Djokovic: 22 lần (64%)

Chung kết gặp Andy Murray: 68 lần (78%)

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục