Fabio Capello: Chinh chiến, yêu, đam mê và sống

20:06 Chủ nhật 19/02/2012

Đó là những câu chuyện về một Fabio Capello mà chúng ta gần như không được biết, nếu chỉ nhìn thấy ông trên sân với bộ dạng luôn cau có, nghiêm nghị và tiết kiệm nụ cười. Một Fabio cứng rắn, nhưng cũng rất mềm yếu và là con người đầy những xúc cảm.

Từ “người sáng lập” loạt đấu súng đến sứ mệnh xóa nỗi ám ảnh

Đội tuyển Anh sẽ đến bất kỳ một giải đấu nào trong trống dong cờ mở, chơi bóng dưới ánh đèn flash bắn lia lịa tứ phía, có thể vào đến tứ kết, chơi một trận quả cảm và... gục ngã trên chấm phạt đền. Kịch bản ấy chẳng có gì lạ, và nếu kỳ EURO 2012 sắp tới họ đi vào vết xe đổ ấy, thì ông Fabio Capello sẽ lại được nhớ đến. Vì chính ông là người góp phần... “khai sinh” ra loạt “đấu súng” 11 mét.

Đó là một trận đấu ở Cúp UEFA năm 1970, khi Capello còn là một cầu thủ của Roma: “Chúng tôi đi đến bán kết và gặp một đội Ba Lan có tên Gornik Zabrze”, ông nói. “Chúng tôi đã chơi tổng cộng 330 phút, qua 3 trận đấu, hai hiệp phụ, còn bản thân tôi ghi một cú đúp từ chấm penalty. Thế mà kết cục của loạt đấu lại được định đoạt bằng một đồng xu. Chúng tôi chọn mặt ngửa, và nó lại ra mặt sấp...”

HLV Capello - Ảnh Getty

Kết quả được coi là tàn nhẫn và vô lý này đã khiến FIFA đi đến quyết định cho ra mắt thể thức đá luân lưu 11m. Kể từ đó, số phận của đội tuyển Anh đã bị “niêm phong” trong phần còn lại của thế kỷ, với một nỗi đau được nhắc đi nhắc lại: Chấm phạt đền. Ông Capello, một trong những người “sáng lập” nỗi đau ấy, đã từng mang sứ mệnh giúp đội tuyển Anh vượt qua ám ảnh: “Chúng tôi luôn phải sẵn sàng đối mặt với những quả 11m. Chúng tôi biết cách phải chiến đấu mà không hề sợ hãi, trong mọi hoàn cảnh”, ông Capello nhấn mạnh, trước World Cup 2010. Ở giải đấu tại Nam Phi, tuyển Anh thậm chí không có cơ hội đi đến loạt penalty, và giờ, khi Capello đã ra đi, nỗi sợ hãi vẫn bao trùm.

Sự cứng rắn đến mức khắc khổ ấy là một đặc trưng trong tính cách của ông Capello, dù chưa bao giờ ông truyền được tính cách ấy cho đội tuyển Anh trong bốn năm dẫn dắt “Tam sư”. Huấn luyện viên (HLV) người Italia là một con người khó gần, thậm chí là “tự vệ” một cách quá đáng đối với báo chí. Người đại diện của ông chính là cậu con trai Pierfilippo, người sẽ có trách nhiệm truyền tải các thông điệp của ông Capello đến giới truyền thông. Ông coi việc công khai bản thân trước công chúng giống như một thứ bệnh dịch, và một trong những việc đầu tiên mà Capello từng làm khi bắt đầu dẫn dắt đội tuyển Anh vào tháng 1/2008 là nhấn mạnh với các cầu thủ rằng họ đừng có làm nhiều điều thừa thãi.

Fabio, con người của nghệ thuật và thi ca

Fabio thích âm nhạc, nghệ thuật và đã đổ rất nhiều tiền cho những đam mê ấy của mình. Bộ sưu tập tranh của Capello được cho là có giá trị lên đến 17 triệu bảng, và ông đang sở hữu những bức sơn dầu của nghệ sĩ mang hai dòng máu Nga-Pháp Marc Chagall và nghệ sĩ người Mỹ Cy Twombly, những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Cùng với bà vợ Laura, ông đã “đi qua một nửa số di tích và bảo tảng trên toàn thế giới”, từng đặt chân đến Campuchia, Mexico và cả Tây Tạng. Ông thậm chí có thể khóc khi “nghe Claudio Abbado chỉ huy dàn nhạc Berlin Philharmonic”. Một con người của nghệ thuật và thi ca.

Tinh thần, kỷ luật và rất ít cảm xúc

Ông Capello đã từng tin tưởng rằng mình nhìn ra rất rõ vấn đề của bóng đá Anh. Một ký giả người Anh đã từng rất ấn tượng với cuộc nói chuyện ngắn với HLV người Italia trên sân tập của AC Milan vào năm 1995, khi ông được nghe Capello phân tích về chiến thuật của đội tuyển Anh: Họ chạy rất nhiều, rất khỏe, nhưng không tốt về mặt kỹ thuật, và thiếu trí tưởng tượng của những người Nam Mỹ. “Tôi nhớ rằng trong buổi tập đầu tiên với đội tuyển Anh, tôi đã rất ngạc nhiên. Các cầu thủ thật sự có chất lượng rất tốt. Nhưng khi tôi chứng kiến họ chơi bóng trong trận giao hữu với Thụy Sĩ, tôi hiểu rằng tại sao họ hoàn toàn không xứng đáng dự EURO 2008. Chẳng có chút tinh thần nào. Họ không đá giống như khi chơi cho câu lạc bộ (CLB). Họ sợ hãi. Tôi tự nói với bản thân rằng đây là vấn đề lớn nằm trong cái đầu của họ, và tôi phải làm việc rất nhiều để giải quyết nó”, Capello nhớ lại.

Để chống lại sự sợ hãi, Capello từng thuê cho tuyển Anh một “HLV tinh thần” có tên Christian Lattanzio, người từng làm việc ở đội West Ham. Ông muốn các cầu thủ luôn phải tự kỷ ám thị bản thân rằng họ sẽ ghi bàn, và họ có đủ sức mạnh để đem đến niềm vui cho các cổ động viên (CĐV). Nhưng chính bản thân ông Capello không phải là một nhà tâm lý giỏi, và đối với ông, công việc giống như một ván cờ lớn, còn cầu thủ là những quân cờ không hơn: “HLV phải dự trù được mọi tình huống, phải chọn ra đội hình tối ưu, phải rà soát được trạng thái tinh thần của các cầu thủ và cảm nhận được sự sợ hãi, lo âu hoặc căng thẳng của họ, mà không được phép phạm sai lầm. Nếu bạn đã sắp xếp mọi việc một cách hoàn hảo mà đối thủ vẫn có thể ghi bàn từ một cú sút xa, bạn là một thằng ngốc. Một cầu thủ chỉ phải tư duy về chính bản thân anh ta, còn tôi phải tư duy về 23 cầu thủ”. Vậy thì ông có thể làm bạn với các cầu thủ không? “Không, tuyệt nhiên không. Và tôi không thử làm thế” - Đó là những nguyên tắc làm việc của ông Capello.

Nửa thế kỷ yêu và sống, chỉ một phút mỗi cuộc điện thoại

Fabio Capello và vợ ông, người bạn gái từ thủa thiếu thời, Laura Đến mặt sắt cũng ngây vì tình. Câu chuyện tình của Fabio xứng đáng được xếp hạng trong danh sách những thiên tình sử thú vị nhất. Năm 14 tuổi, ông rời nhà để bắt đầu sự nghiệp ở đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên, tại Ferrara, cách quê nhà ông 4 giờ chạy xe. Fabio cảm thấy lạ lẫm và nhớ nhà kinh khủng, cho đến khi cậu gặp một cô gái tóc vàng xinh đẹp tên Laura Ghisi. Ngoài việc đá bóng, Fabio vẫn phải đến trường, và họ gặp nhau trên xe bus. Tình yêu tiến triển thật chậm chạp, vì Laura thấy Fabio là một “tên cáu kỉnh”, nhưng chỉ sau vài tháng, họ đã không thể rời nhau lấy một bước. Cô bé tóc vàng ấy sau này trở thành vợ ông, vào tháng 7/1969.

Nửa thế kỷ sau đó, họ vẫn là của nhau. Fabio bảo: “Tôi chỉ yêu một lần trong cuộc đời. Đó là tình yêu với vợ tôi, và Laura chính là cuộc sống của tôi”. Họ chia sẻ đam mê trong nghệ thuật, nhạc cổ điển, ẩm thực, và du lịch (Capello và vợ ông đã từng đặt chân đến những ngôi chùa ở Campuchia và những di tích của những đế chế cổ đại Aztec, Inca tại Nam Mỹ). Nhưng cũng thật mâu thuẫn: Họ đã ở bên nhau hơn nửa thế kỷ, và “chỉ dành ra chừng một phút mỗi lần nói chuyện điện thoại”, theo lời cậu con trai Pierfilippo. “Họ gọi cho nhau mỗi ngày, nhưng nói nhanh lắm. Nếu mẹ tôi gọi điện cho ông ấy, nội dung cuộc nói chuyện sẽ là: “Mọi thứ thế nào? Ok. Tốt. Tạm biệt nhé””.

Sự xa cách ấy được Capello “củng cố” bằng nhiều cách khác nhau, và như Wayne Rooney từng bảo, thì “có một trường năng lượng ngăn cách ông ấy”. Một trong những phương pháp để nhấn mạnh quyền lực của Capello là sự im lặng trong phòng thay đồ: Các cầu thủ luôn phải chờ Capello mở miệng, và không bao giờ được tỏ ra là những kẻ ủy mị yếu đuối. Tuy vậy, Capello cũng không phải mẫu người thích chửi thẳng vào mặt các cầu thủ nếu ông nghĩ rằng những lời gay gắt ấy không thể kích thích họ hành động.

Tính cách ấy khiến Capello khó tìm được tiếng nói chung với đội bóng của ông. Tuyển thủ Anh chỉ được gặp vợ và bạn gái một lần một tuần khi dự World Cup 2010, còn Capello thì đã so sánh đội Wags như một loại virus. Điện thoại di động bị cấm tiệt trong bữa ăn, và giờ giới nghiêm của cầu thủ là 10 giờ đêm, cũng như luôn phải thức dậy ít nhất là 30 phút trước buổi tập. “Tôi không nói rằng chúng ta cần một bàn tay sắt, nhưng các cầu thủ phải biết rằng họ ở đây để làm việc. Tôi tin rằng nếu các cầu thủ đều nhận thức được rõ, chúng tôi có thể đánh bại mọi đối thủ và lọt vào trận chung kết”, đó là những gì Capello đã nói cách đây 2 năm tại Nam Phi, nhưng cái ngày mà đội tuyển Anh cùng ông vào chung kết đã không bao giờ tới.

Nhưng Fabio không phải một cỗ máy

Capell không hẳn chỉ là một cỗ máy, giống như vẻ ngoài của ông. Ông đã từng bật khóc như một đứa trẻ, khi Marco van Basten buộc phải từ giã sự nghiệp ở tuổi 28 vì chấn thương: “Tôi thật sự tiếc nuối khi cậu ấy không thể chơi bóng nữa. Đó là cầu thủ hay nhất tôi từng huấn luyện. Khi tôi đã khóc, thật khó để ngừng lại. Chẳng có vấn đề gì khi một người đàn ông thể hiện cảm xúc của họ”.

Nhưng bóng đá luôn là công việc, và không phải nơi để phát triển các mối quan hệ. “Tôi không có bạn bè trong bóng đá” - Ông nói. “Bạn bè tôi đều là giới nghệ thuật, và tôi không bao giờ nói về bóng đá trừ lúc đang làm việc”. Thế nhưng, cũng có một vài ngoại lệ, như trường hợp của Dino Zoff, đồng đội cũ của ông ở Juventus và là một người bạn rất thân của Capello. Ngoài ra, còn có Franco Baldini, Italo Galbiati, và thậm chí là... Luciano Moggi. Galbiati đã từng mô tả Capello một cách rất thích thú “đánh gôn, bắn súng, săn ảnh, lặn, và thứ gì cũng được, hãy thử theo kịp anh ta và bạn sẽ mệt phờ râu, Fabio có hai tính cách: Làm việc hết sức nghiêm túc, và chơi bời thì luôn vui vẻ, hết mình”.

Phải, Capello trong công việc nghiêm túc đến khắc khổ. Ông chỉ quan tâm đến thành công, không gì hơn. Thủ môn Gianluigi Buffon từng so sánh ông với một kẻ độc tài, khi làm việc dưới quyền ông ở Juventus. Alessandro Del Piero, Paolo Di Canio, Ronaldo và David Beckham đều đã từng phải hứng chịu cơn thịnh nộ của HLV người Italia. Ngay cả trong công việc, khi đã chạm đến vinh quang tột đỉnh, Capello vẫn coi đó đơn thuần là một phương thức kiếm sống, chứ không phải là nơi thể hiện cảm xúc. Pierfilippo bảo rằng: “Ông ấy chẳng bao giờ ăn mừng cả. Chiến thắng rất nhiều, nhưng ăn mừng không phải là điều mà ông ấy quan tâm. Đối với cha tôi, chiến thắng chỉ là một phần của nghề nghiệp, còn cuộc đời thì vẫn trôi”. Capello là như thế. Thậm chí, chẳng có một tấm huy chương hoặc bất kỳ một chiến quả nào khác được trưng bày trong cả 5 ngôi nhà của ông ở London, Milan, Rome, Marbella và Thụy Sĩ.

Sự nghiêm khắc đến mức khó gần ấy được xem là một lý do dẫn đến cuộc chia tay của Capello và đội tuyển Anh, sau khi vụ John Terry bị truyền thông đầy thị phi đẩy mức độ nghiêm trọng lên quá cao và Liên đoàn bóng đá Anh đã can thiệp quá sâu vào chuyên môn của ông. Nhưng chẳng sao, Fabio không cần quá nhiều người hiểu ông. Chiến thắng và thất bại là một phần của nghề nghiệp, còn cuộc đời vẫn trôi...

“Ở quê tôi, mọi người đều thẳng thắn và mạnh mẽ”

Điều gì tạo nên một tâm hồn sắt đá đến khô cứng như thế? Có lẽ chúng ta nên quay lại thời điểm năm 1943, khi cha của Fabio, ông Guerrino, bị phát xít Đức bắt, và phải sống với một khẩu phần ăn “chết đói” ở trại tập trung trong hai năm. Khi được thả, ông chỉ còn da bọc xương, và Guerrino đã từ chối quay về với người vợ Evelina cho đến khi ông đủ... cân nặng để có thể thích hợp làm một người chồng. Chưa đầy một năm sau, Fabio được sinh ra trong một ngôi làng ở Pieris, thuộc miền Đông Bắc Italia. Gia đình Capello khá nghèo, kiếm sống chỉ bằng cách săn bắn chim và câu cá. Từ nhỏ, Fabio đã được cha dạy cho rất nhiều thứ.

“Ở quê tôi, mọi người đều thẳng thắn và mạnh mẽ” - Capello nói. “Chúng tôi phải làm việc, với kỷ luật lớn lao, và lòng tự trọng là điều mà cha tôi cho là quan trọng nhất. Ông ấy luôn nhắc tôi rằng đừng bao giờ trở thành một con cừu. Tôi còn nhớ vào năm tôi lên bốn, chúng tôi đi ra bờ biển, cha tôi giúp tôi trèo lên một mỏm đá và sau đó ông lao thẳng xuống biển, rồi động viên tôi cũng làm thế. Phải cao đến 10 mét đấy, nhưng tôi đã làm được, bất chấp trình độ bơi lội chỉ mới bập bõm”. Mẹ ông, bà Evelina nói rằng bà không thể chịu đựng khi chứng kiến cảnh ấy, nhưng ông Guerrino thì luôn coi đó đơn thuần là một cách để “đào luyện con người”. Rõ ràng, cách giáo dục ấy đã mang đến hiệu quả.
Phạm An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục