Vụ chuyển nhượng của Hamilton và vấn đề của F1

14:19 Thứ tư 03/10/2012

Vụ chuyển nhượng đình đám của Lewis Hamilton tới Mercedes đang là đề tài nóng thu hút sự chú ý của giới F1. Thế nhưng, đằng sau nó là một loạt vấn đề lớn khác, có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến môn thể thao này trong nhiều năm tới.

Với những thực tế đang diễn ra, F1 sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thế hệ tiếp theo của những Lewis Hamilton, Sebastian Vettel và Fernando Alonso (từ trái sang)

Lewis Hamilton chỉ là một trường hợp rất đặc biệt. Anh có thể kiếm được rất nhiều tiền bằng chính tài năng của mình trên đường đua. Thế nhưng ngày nay, ngày càng nhiều tay đua đang làm điều ngược lại: họ dùng tiền của chính họ để được xuất hiện trên đường đua.

Tương lai mịt mờ

Dưới áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc đến F1, đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đang diễn ra. Việc một tay đua tự tìm kiếm nguồn tiền của riêng mình để dùng làm “mồi nhử” với các đội đua và qua đó có một chỗ đứng đã trở thành điều phổ biến. Với các đội đua, đó là cơ hội thực tế nhất giúp họ có thêm ngân sách hoạt động.

Vấn đề là, tất cả những tay đua đó chắc chắn sẽ chẳng bao giờ đạt tới đẳng cấp cao nhất, như những Alonso, Vettel hay Hamilton. Nếu có đủ tài năng, họ đã chẳng cần dùng đến tiền để làm tăng sức thuyết phục. Thế nhưng, họ lại đang chiếm hết thời gian và cơ hội của các thế hệ tay đua tài năng tiếp theo. Và trong vòng 5 năm kể từ bây giờ, chắc chắn F1 sẽ phải gánh chịu tác động của điều đó.

Có thể nhìn thấy khá rõ ràng tình huống như sau: 5 năm kể từ bây giờ, khi Button và Webber nghỉ hưu, Alonso 36 tuổi cũng có thể nghỉ hưu. Hamilton sẽ 32 tuổi và Sebastian Vettel sẽ 30, nhưng hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào về một tay đua sẽ đủ khả năng thách thức họ.

Và khi các đội đua như Williams, Sauber và có thể cả Force India bắt đầu chú ý đến các tay đua có thể mang thêm tiền về, thì “đất” dành cho những tài năng tương tự Hamilton hay Vettel càng trở nên hạn chế. Do đặc thù của nó, một tài năng của F1 về cơ bản cần phải đi ra từ một chương trình phát triển tay đua trẻ, nhưng chương trình của Red Bull phần lớn đã không thành công (ngoại trừ Vettel), còn các chương trình của Renault và BMW đã không còn hoạt động trong F1.

Trong vài năm tới, có thể một số tay đua tài năng ở tầng thứ hai, như Di Resta, Hulkenberg, Grosjean và Perez sẽ có cơ hội bộc lộ tài năng. Thế nhưng rõ ràng, họ chưa có đủ phẩm chất của các siêu sao. Và quan trọng hơn, sau họ liệu có còn ai?

Lệnh cấm thử nghiệm: con dao hai lưỡi

Tình hình đang trở nên xấu hơn khi các chương trình phát triển tay đua trẻ đã không mang lại được nhiều tay đua tài năng như mong muốn. Vấn đề càng trở nên trầm trọng khi lệnh cấm thử nghiệm nhằm tiết kiệm chi phí đã khiến hàng loạt tay đua trẻ mất đi những cơ hội thử nghiệm vô cùng quý giá. Với chỉ một hoặc 2 cơ hội cầm lái chiếc F1 trong vòng một năm, cái gọi là “tài năng” của họ không sớm thì muộn cũng sẽ bị mai một.

Đó là một cách đi không bền vững. Nếu F1 muốn có các tay đua siêu sao đủ sức làm khán giả ngây ngất và một tầng lớp tay đua trẻ đủ sức thách thức những người xuất sắc nhất, nó cần phải biết cách nuôi dưỡng họ, như đã từng làm với các tay đua thế hệ hiện tại như Hamilton, Vettel và Alonso. F1 sẽ không thể giành được cảm tình của khán giả với những tay đua như Charles Pics hay Narain Karthikeyan.

Lệnh cấm thử nghiệm đã được áp dụng để tiết kiệm tiền và người ta có thể tranh luận rằng nếu nó không được áp dụng, một số đội đua đã có thể gặp khó khăn về tài chính thậm chí còn lớn hơn hiện nay. Có một hoặc hai đội hiện nay đã ở gần bờ vực phá sản và khi những Sauber, Williams và cả Force India cũng phải bắt đầu tìm kiếm các tay đua có tiền, F1 sẽ có vấn đề lớn.

Áp lực đang đè nặng lên các tay đua và điều đó đang được bộc lộ rất rõ. Grosjean và Maldonado thường lái xe với sự điên cuồng tuyệt vọng, bởi cơ hội duy nhất để họ được cầm lái chiếc xe F1 là vào những cuộc đua cuối tuần, và nếu họ không thể hiện được phong độ, họ sẽ mất chỗ đứng.

Họ không có được thời gian luyện tập giữa các cuộc đua để phát triển hoàn chỉnh kỹ năng, họ không có 10.000km thử nghiệm mà các tay đua của một thế hệ trước có thể có, nhưng họ lại phải chịu đựng áp lực tương đương hoặc lớn hơn. Do đó, họ chấp nhận rủi ro...

Các đội đua F1 đang chìm trong tranh cãi về điều kiện thi đấu năm 2013 và năm 2014. Nó không có các điều lệ dài hạn, các biện pháp kiểm soát chi phí gắt gao nhưng lại có một chương trình phát triển động cơ đắt tiền vào năm 2014, với chi phí cao hơn ba hoặc bốn lần so với các động cơ hiện tại. Chỉ riêng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách, nhiều hơn hẳn so với một vài ngày thử nghiệm. Và điều đó sẽ khiến xu hướng tìm kiếm các tay đua trả tiền càng trở nên phổ biến.

Không có tư duy dài hạn trong việc đào tạo và nuôi dưỡng thế hệ tay đua tiếp theo, F1 chỉ đơn giản là đang ngồi chờ họ xuất hiện. Trong lịch sử, họ vẫn luôn xuất hiện. Thế nhưng, bởi trong lịch sử, mọi chuyện không khó khăn như bây giờ.


F1 là một môn thể thao giải trí và kinh doanh, với doanh thu hàng năm khoảng 1,5 tỷ USD, đó là một thành công. Thế nhưng, nó cần đảm bảo một nguồn cung cấp liên tục những tay đua kiệt xuất, bởi đó chính là hạt nhân của những màn trình diễn.
 

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục