Vẫn phải cầu may?

13:54 Thứ tư 01/08/2012

Lần lượt cử tạ, thể dục dụng cụ, mới nhất là cầu lông - những môn được hy vọng có thành tích tốt đã sớm nói lời giã từ London 2012. Chúng ta vẫn còn taekwondo, vật, điền kinh… chưa thi đấu. Những thất bại ấy không không khó lý giải và với người chưa thi đấu liệu có phải trông chờ vào may mắn?

Thất bại của lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn đã chỉ ra rất rõ sự yếu kém về tâm lý của thể thao Việt Nam khi bước ra những đấu trường lớn. Ảnh: Quang Thắng

Rớt lại vì tâm lý yếu

Câu chuyện muôn thuở ở 2 chữ “tâm lý” tưởng chừng đã được khắc phục nhưng rồi những tuyển thủ được chúng ta tôi luyện thiện chiến nhất vẫn mắc phải. Với đội tuyển thể dục dụng cụ, cả 3 tuyển thủ Phước Hưng, Hà Thanh, Ngân Thương đều sai sót trong bài biểu diễn. Ở Hưng, Thanh là những cú tiếp đất không chính xác, Ngân Thương mắc lỗi trong động tác tại bài đơn môn cầu thăng bằng.

Trên thực tế, ở đấu trường quá lớn như Olympic, chuyện gặp sai sót khó tránh khỏi khi áp lực tâm lý luôn là yếu tố gây ảnh hưởng. Dẫu sao, các tuyển thủ Việt Nam đã thi đấu hết sức và người hâm mộ có lẽ cũng chẳng trách cứ khi họ thất bại. Có điều, kết quả ngoài kỳ vọng của những gương mặt được tin tưởng hơn cả như Quốc Toàn hay Tiến Minh đã tự phản ánh lên rằng, vào thi đấu Olympic không đơn giản.

Nhiều người đổ lỗi do đối thủ CHDCND Triều Tiên (bảng B) quá hay trong chiến thuật giấu mình, nên Quốc Toàn không kịp trở tay. Không sai, nhưng cũng phải thấy, ở vào thời điểm quan trọng nhất, Toàn đã bối rối rồi rất vất vả mới nâng được tạ.

Chắc chắn yếu điểm tâm lý mãi mãi không để Tiến Minh có được thành tích như kỳ vọng ở SEA Games hay Asian Games chứ chưa nói tới Olympic. Sau 4 năm, ở London, Tiến Minh chỉ hơn kết quả tại Bắc Kinh 2008 là… ở lại giải lâu hơn. Trước Kashyap (Ấn Độ) kém tới 10 bậc trên bảng xếp hạng, tay vợt số 1 Việt Nam lại thua toàn diện. Sẽ không có bất cứ lý giải nào dễ cảm thông để biện minh cho trận thua này. Trận thua khiến Tiến Minh mất vé vào vòng trực tiếp. Bởi, tay vợt Việt Nam được chuẩn bị khá chu đáo cho Olympic từ việc thuê “quân xanh”, thi đấu quốc tế rồi đến London khá sớm cũng như có đủ thời gian nghỉ ngơi sau trận đầu tiên.

Trưởng bộ môn Lê Thanh Hà từng phân tích: “Chỉ khi nào Minh cởi bỏ được tâm lý, không quá màng tới kết quả nhằm đảm bảo chung cuộc thì mới sung được”. Chỉ tiếc, cái khí thế hừng hực Tiến Minh từng quật đổ tay vợt số 3 thế giới Chen Long (Trung Quốc) mới cách đây 2 tháng đã không còn. Thay vào đó, người ta thấy một Tiến Minh luôn nhận định tình huống không chuẩn xác nên Kashyap dễ áp đảo.

Không bất ngờ nếu trắng tay

Chỉ tiêu của đoàn là “có huy chương” và chắc chắn lãnh đạo đoàn vẫn tin ở sự kỳ diệu taekwondo hoặc đôi chút ở bắn súng (Xuân Vinh). Cử tạ đã thất bại và nếu thể thao Việt Nam không có huy chương tại London, điều ấy chẳng có gì quá sốc. Lẽ thường, giới chuyên môn đều hiểu vị trí của VĐV Việt Nam ở đâu trong nội dung họ thi đấu Olympic. Trở lại lịch sử, Olympic 2004 ở Hy Lạp cũng là năm chúng ta kiếm tìm thêm vinh quang sau Olympic 2000 tại Australia. Rốt cuộc, 11 VĐV góp mặt vẫn ra về tay trắng. Năm nay có gì đó tương tự như thế khi chúng ta rất tin giữ được thành tích ở Olympic 2008, dù ngày hội London chưa khép màn.

Còn nhớ, thể thao Việt Nam bắt đầu có mặt tại đấu trường Olympic năm 1980 với tôn chỉ là “tham gia quan trọng hơn chiến thắng”. Bây giờ, vào lúc gần như thi đấu vòng loại môn nào là có suất chính thức môn ấy thì mục tiêu “có huy chương” rất xác thực. Từ có suất tới có huy chương đòi hỏi sự chuẩn bị định hướng cụ thể với nhân lực cụ thể chứ không quá dàn trải như lúc này.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục