V-League 2012 trước vòng cuối: Phán xét

20:30 Thứ sáu 17/08/2012

Cuối tuần này, nhà vô địch V-League sẽ lộ diện. Đấy là cuộc chiến gay cấn giữa hai đội bóng nhà bầu Hiển và đoàn quân của ông bầu trẻ Nguyễn Đức Thụy. Bản đồ bóng đá nước nhà sẽ được vẽ lại chăng?

Vu Quy thiếu pháo hồng

Mười năm trước, bóng đá Sài Gòn ngây ngất niềm vui với màn đăng quang của Cảng Sài Gòn. Ngay năm sau, đội bóng này rớt hạng, sau đó phải xóa tên, cùng sự tụt dốc thê thảm của bóng đá Thành phố.

Sau lần đăng quang vô địch V-League, Sông Lam Nghệ An cũng phải mất 10 năm trầy trật, nếm trải bao bi kịch mới chạm vòng nguyệt quế trở lại. Lịch sử vẫn có những sự trùng hợp bí ẩn. Đấy là lý do để nhiều người lấy làm cơ sở để tin năm nay đến lượt bóng đá Sài Gòn bá chủ V-League.

Cứ cho là thế đi. Vấn đề, màn đăng quang của Sài Gòn Xuân Thành có được người hâm mộ Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận với niềm hạnh phúc lớn lao? Rất khó, bởi trái tim khán giả chân chính địa phương này đã quá nguội lạnh với các đội bóng ngụ cư. Tình yêu mà họ giành cho những cố nhân như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công An TP.HCM, quá sâu nặng. Đấy là quy luật của tình yêu, không thể ép một cô gái phải yêu một anh chàng mà cô ta chưa thấy ở anh ta có tư chất của một trang nam tử, đặc biệt là lòng chung thủy. Bản thân bầu Thụy, căn cứ vào những gì đã đầu tư cho bóng đá Hà Tĩnh và Quảng Nam trước đó, vẫn còn ám ảnh khán giả TP.HCM về một cuộc “tháo chạy” trong tương lai.

Dù Sài Gòn Xuân Thành có đăng quang, người hâm mộ bóng đá TP.HCM vẫn thờ ơ

Và thế, ngoài một lượng cổ động viên “tạp kỹ”, ngày đăng quang của SG.XT (nếu có) sẽ tái hiện cảnh Hà Nội T&T vô địch năm 2010 nhưng các khán đài trống lạnh. Trong khi đó, dưới Lạch Tray mới đúng nghĩa của không khí lễ hội bóng đá, dù Hải Phòng chỉ giành ngôi á quân.

Nếu năm nay HN.T&T vô địch, dù khán gả thủ đô số đông vẫn chưa phát cuồng thì thầy trò huấn luyện viên Phan Thanh Hùng vẫn xứng đáng với sự lao động nghiêm túc. Những tâm huyết mà bầu Hiển thể hiện qua sự đầu tư cho HN.T&T và SHB Đà Nẵng là đáng trân quý. Ông Hiển giờ chỉ “sai” ở chỗ làm chủ quá nhiều đội bóng. Cái “sai” của ông có sự tiếp tay từ cả những người có trách nhiệm với nền bóng đá Việt Nam. Chính sự bao che đó đã góp phần đảy ông Hiển ngày càng xa cách với nhóm ông bầu khác đang tạm thời quản lý hai giải đấu đỉnh cao nội địa.

Trong bốn mùa giải gần đây, có hai đội bóng mà ngôi vô địch có sức lan tỏa, lay động lòng người mãnh liệt, SLNA (2011) và SHB.ĐN (2009). Ngày đăng quang đã tái hiện hình ảnh kỳ vĩ của thời bao cấp. Các khán đài đông nghịt khán giả. Người dân hai địa phương này quá hạnh phúc, niềm hân hoan do bóng đá mang lại. Đấy mới là bóng đá chân chính.

Thế mà, giờ đây viễn cảnh người Đà Nẵng bàng quan với ngôi vô địch dù cơ hội vẫn còn với thầy trò Lê Huỳnh Đức. Có ở Đà Nẵng, mới cảm nhận hết nỗi đau, niềm thất vọng của người hâm mộ với đội bóng bên sông Hàn.

Làm bóng đá tử tế khó chăng?

Hai đội bóng bầu Hiển bị đẩy vào thế có nguy cơ “làm ba năm, tiêu một giờ”, SHB.ĐN do tự bắn vào chân mình, còn HN.T&T thì bị Hoàng Anh Gia Lai giáng một cú thôi sơn vào đúng thời khắc cần bứt tốc nhất. Chúng tôi cho rằng chiến thắng của HA.GL có động lực đột biến. Động lực đó xuất phát từ lời hô xung phong của bầu Đức, kiểu “thua ai không được thua đội bóng bầu Hiển”. Có chăng, tính chất đã không giống như thời ông tuyên bố cùng với phương châm này với bầu Thắng, khi HA.GL chạm trán với “Gạch”. Bầu Đức thích HA.GL thắng có lẽ cũng không muốn gián tiếp giúp SG.XT có cơ hội lớn bởi ông Đức cũng không ưa gì bầu Thụy.

Thực tế, HA.GL thi thoảng có những trận đấu “làm thương hiệu” kiểu thế, khi trong mấy mùa qua “Gỗ” bất lực trước cuộc chiến ngôi vua.

Bóng đá Việt Nam đang thiếu đi sự cạnh tranh đích thực, sự liên kết đích thực vì sự phát triển chung, thay vào đó vẫn mang tính đơn lẻ, thỏa mãn những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Để vào sân đá “chết bỏ” nhưng ra ngoài sân là anh em, chiến hữu vẫn là ước mơ xa.

Vừa qua Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) đã đưa ra bảng thứ hạng trí tuệ toàn cầu năm 2012, Việt Nam xếp ở thứ hạng rất thấp: 79/141 quốc gia. Đấy là nỗi đau bởi xét từng con người có lẽ dân Việt không kém gì ai về tài trí thông minh, chỉ có điều trí thông minh mang tính đơn lẻ, chưa có một tổ chức, một cơ chế phù hợp, tạo ra một môi trường khuyến khích, phát huy tính tích cực năng động và tài trí thông minh của từng cá nhân, từng bộ phận, liên kết tất cả họ lại qua sự tương tác, hợp tác, nhân lên nhiều lần và liên tục phát triển khả năng, tài trí từng cá nhân, từng bộ phận. Ví von như giáo sư Hoàng Tụy là giống như cái phần mềm của chiếc máy tính mà tồi thì máy tính vô tích sự, dù các chip, các phần cứng của nó đều tốt.

Bóng đá cũng đang phát triển theo bức tranh chung thế. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chưa tập hợp được lực lượng, một số ông bầu vẫn lạnh nhạt với VPF, Hội bảo trợ cho bóng đá Việt Nam vẫn chỉ 10 đơn vị, tất cả đã tiên liệu sự bất ổn và mâu thuẫn nội tại vẫn còn kéo dài.

Sự thăng hoa tạm thời, cũng giống như viễn cảnh hai đội bóng của bầu Kiên đang có nguy cơ rớt hạng. Làm bóng đá ở ta không dễ. Lý do chính vẫn là thiếu môi trường chuyên nghiệp. Tiêu cực vẫn còn hoành hành. Làm bóng đá tử tế rất dễ bị thiệt thòi. Nói kiểu Chí Phèo là “ai cho ta lương thiện?”

Ông Võ Quốc Thắng, người tử tế cô độc của bóng đá Việt Nam

Nhưng nói thế không có nghĩa là làm bóng đá tử tế sẽ không hết cửa thành công. Còn nhớ năm ngoái, vòng 23 Đồng Tâm Long An thua SHB.ĐN trên sân nhà, coi như hết cửa trụ hạng bởi họ cô đơn, người viết vẫn ám ảnh hình ảnh ông Võ Quốc Thắng. Ông đứng lặng đi một lát dưới gầm sân vận động, đứng một mình. Bất chợt thấy sự cô đơn bao phủ lên nhân vật đặc biệt này. Làm bóng đá có nhất thiết phải khổ tâm thế chăng? Sau đó, dường như đã hít một hơi thật sâu, ông Thắng bước thẳng vào sân và vỗ về quân.

Vòng 25 giải hạng Nhất mùa này, ĐT.LA của ông Thắng đã vô địch trước một vòng. Chiến tích 10 trận thắng liên tiếp thực sự tô điểm cho chiến tích tuyệt vời của “Gạch”. Bóng đá rõ ràng không chỉ luận anh hùng qua dăm trận, dăm mùa giải. Thế mới có câu “phong độ nhất thời, đẳng cấp vĩnh cửu”. Tiếc rằng, cách làm bóng đá kiểu chụp giật, ăn xổi, đối phó đang là căn bệnh chung của thể thao Việt Nam. Sự thất bại của đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic cần phải mổ xẻ quyết liệt, phải có người nhận trách nhiệm, thậm chí mất chức, mới hy vọng có sự cải tổ.

Game Over! Sân cỏ nội địa cuối tuần hạ mạn, kết quả của nó sẽ đưa ra những phán xét chân xác nhất đằng sau những đỉnh cao và vực sâu, về giải chuyên nghiệp đã bước qua tuổi 12.
Ngọc Hòa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục