Tuyển nữ Nhật Bản hạ gục Brazil: Chiến thắng của cả nền bóng đá

13:09 Chủ nhật 05/08/2012

Trong trận chung kết World Cup 2011, sau khi thua Nhật trên chấm phạt đền, tuyển thủ Mỹ Hope Solo cho rằng, Nhật xứng đáng là số 1 thế giới. Màn trình diễn của các cô gái xứ Phù Tang trong trận đấu với Brazil tại tứ kết Olympic 2012 vừa qua đã giải thích tại sao Solo lại có nhận xét như vậy.

Mặt trời đã mọc

Brazil đã tạo ra được một thế trận tấn công dồn dập, tung ra tới 21 cú sút trong đó có bảy trúng đích, đã tạo được những cơ hội mười mươi. Nhưng chừng ấy là chưa đủ để đánh bại được Nhật bởi họ sở hữu thủ môn Miho Fukumoto quá xuất sắc (có bảy lần cứu thua thành công), luôn vững vàng trước sức ép nghẹt thở của đối thủ và khi tấn công, tận dụng cơ hội rất tuyệt vời (chỉ có bốn lần sút trúng đích nhưng hai trong số đó đã thành bàn).

Vô địch World Cup 2011, tuyển nữ Nhật Bản đang hướng tới chiếc huy chương vàng Olympic - Ảnh Getty

Chiến thắng trước Brazil, một trong những đội mạnh nhất thế giới, một lần nữa khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá nữ Nhật Bản trong vài năm gần đây. Người Nhật bắt đầu đầu tư vào bóng đá nữ từ những năm 1970 và bùng nổ từ cuối những năm 1980 nhờ được bơm tiền từ các tập đoàn khổng lồ. Nhưng trong 30 năm đầu, bóng đá Nhật chưa thật sự gây được tiếng vang, phải đến sau năm 2000, đặc biệt là những năm gần đây, mới giành được những chiến công rực rỡ.

Năm 2002, đội U-19 của Nhật mang về danh hiệu lớn đầu tiên khi giành chức vô địch Cúp AFC. Ba năm sau, đội U-16 nước này lập chiến công thứ hai khi xưng vương cũng tại Cúp AFC. Năm 2010, đội tuyển quốc gia Nhật lần đầu chiến thắng tại một giải lớn với chiếc huy chương vàng ASIAD. Nhưng 2011 mới là năm đại hỷ của bóng đá nữ xứ mặt trời mọc khi chứng kiến ĐTQG lên ngôi tại World Cup, đội U-19 và U-16 cùng đăng quang tại cúp AFC.

Tập luyện và tập luyện

0 Tuyển nữ Brazil đã tham dự cả năm kỳ Olympic và giống như đội tuyển nam vẫn chưa giành được huy chương vàng.

0 Trước năm 2002, Nhật Bản chưa từng giành được một danh hiệu bóng đá nữ nào. Phải từ năm 2002, khi đội U-19 đăng quang tại cúp AFC, bóng đá nữ xứ Phù Tang mới bắt đầu khởi sắc.

3 2011 mới là năm đại hỷ của bóng đá nữ xứ mặt trời mọc khi chứng kiến ĐTQG lên ngôi tại World Cup, đội U-19 và U-16 cùng đăng quang tại cúp AFC.
Không phải ngẫu nhiên người Nhật giành được những thành tích vẻ vang như vậy. Trong giai đoạn đầu, các cô gái Nhật cũng phải thi đấu trên những sân đất bẩn thỉu với rất ít khán giả tới xem. Tamotsu Suzuki, HLV của tuyển nữ Nhật Bản 20 năm trước, cho biết nhiều cầu thủ đã phải đặt câu hỏi: "Tại sao chúng tôi sinh ra là nữ?". Nhưng từ năm 1989, khi các công ty lớn như Nissan đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất, đảm bảo công việc cho các nữ cầu thủ, họ mới yên tâm chơi bóng.

Nhưng tiền không phải là yếu tố chủ đạo giúp người Nhật thành công như vậy. Mami Yamaguchi, cầu thủ từng chơi bóng tại Đại học công Florida và một CLB tại Thụy Điển, cho biết cơ sở vật chất tại Nhật chưa thể sánh được với nước ngoài. Hiện hầu hết nữ tuyển thủ cũng phải làm việc vào ban ngày. Thế nhưng họ vẫn cứ dần vượt qua được những đội tuyển mạnh nhất hành tinh, từ Mỹ tới Brazil, nhờ những nỗ lực tập luyện chăm chỉ tới đáng kinh ngạc.

"Với người Nhật, luyện tập đóng vai trò rất quan trọng, hơn hẳn người phương Tây", Tom Byer, từng tham gia vào các hệ thống đào tạo trẻ tại khắp Nhật Bản cho biết. "Không có những kỳ nghỉ dài ngày, họ tập 365 năm ngày trong năm". Tại Nhật, các HLV cũng chú trọng tới phát triển đồng đều tất cả các cá nhân, ngay từ khi còn nhỏ, chứ không chỉ tập trung vào một vài gương mặt tinh hoa như các nơi khác. Điều này giúp cho người Nhật có một tập thể đồng đều, thi đấu rất đồng đội.

Những năm 1960, bóng đá nam của Nhật Bản chỉ là chiếc giày nhỏ so với Việt Nam nhưng hiện nay, họ đang dần trở thành một thế lực của làng túc cầu. Bóng đá nữ của Nhật sau nhiều năm chỉ ở dạng tiềm năng cũng đã vươn lên thành một chú rồng không chỉ của châu Á mà còn thế giới. Những thành công của bóng đá Nhật tại Olympic một lần nữa cho thấy con đường họ đã chọn là hoàn toàn đúng đắn.

Barca của bóng đá nữ

Chứng kiến cảnh các cô gái Nhật Bản thi đấu rất ăn ý và giữ bóng chặt như thể chân có keo, Carli Lloyd, tiền vệ của tuyển Mỹ, cho rằng: "Nhật Bản là Barcelona của bóng đá nữ". Lloyd cho rằng nhờ được thi đấu trên những sân bóng nhỏ nên người Nhật có thể thi đấu kỹ thuật như vậy. Tại Nhật, các cầu thủ trẻ thường thi đấu trên sân nhỏ với chỉ năm người chứ không phải 11 như tại Mỹ. "Khi bạn chơi trên một sân lớn (với tư cách một cầu thủ trẻ), sẽ chẳng đòi hỏi nhiều kỹ thuật lắm. Tôi chỉ tập luyện kỹ thuật sau này. Khi đã vào đại học, chân trái của tôi vẫn còn rất kém”, Lloyd chia sẻ. Còn Mami Yamaguchi lại chia sẻ một lý do khác: "Thi đấu với con trai tốt cho tôi hơn bởi họ có tốc độ, kỹ thuật và kỹ năng tốt hơn hẳn con gái. Khi còn bé, tôi không biết gì về bóng đá nữ bởi chỉ chơi với con trai".

Tứ kết bóng đá nữ: Chờ chung kết Mỹ - Nhật

Trong ba trận tứ kết còn lại, chủ nhà Vương quốc Anh đã không thể tiếp nối được phong độ ấn tượng từng thể hiện trước Brazil, phải dừng bước trước Canada, đội chỉ xếp thứ Ba bảng C. Đội đứng đầu bảng C Thụy Điển tuy dẫn trước nhưng đã không bảo toàn được thành quả, để Pháp lội ngược dòng thành công. Trong khi đó, đã không có bất ngờ nào xảy ra trong cặp đấu giữa Mỹ và New Zealand. Mỹ vượt trội đội bóng đến từ châu Đại dương và có chiến thắng 2-0.

Như vậy, tại bán kết, Nhật sẽ chạm trán với Pháp. Trước thềm Olympic, Nhật đã thua Pháp trong một trận giao hữu và đây là cơ hội để các cô gái xứ Phù Tang báo thù. Nếu vượt qua được Pháp, Nhật nhiều khả năng sẽ đối đầu với Mỹ trong trận đấu cuối cùng. Nếu vậy, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp hai đội bóng này so tài với nhau trong trận chung kết của một giải đấu lớn. Năm ngoái, hai đội đã gặp nhau trong trận chung kết World Cup và Nhật giành chiến thắng trên chấm phạt đền.

Lịch thi đấu bán kết

Thứ Hai ngày 6/8: 23h00, Pháp - Nhật

Thứ Ba ngày 7/8: 01h45, Canada - Mỹ
Trần Khánh An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục