Tự truyện Javier Zanetti (Kỳ 3): Zanetti là thằng nào thế?

15:58 Thứ năm 30/05/2013

Tóm tắt kỳ trước: Zanetti quyết định trở lại sân cỏ và khoác áo Talleres trước khi chuyển sang Banfield – đều là những CLB ở ngoại ô Buenos Aires. Anh gặp người vợ tương lai Paula, được gọi lên tuyển và HLV trưởng ĐTQG Daniel Passarella bất ngờ thông báo rằng Inter muốn mua Zanetti. Ban đầu, “El Pupi” tưởng ông thầy mình đang đùa…

Bài viết cung cấp độc quyền bởi




Đường đến Inter

Nhưng Passarella hoàn toàn nghiêm túc. Không ai có ý định đùa cợt ở đây. Người đã phát hiện ra tôi và giới thiệu lại với Inter là tiền đạo huyền thoại Antonio Valentin Angelillo: ông từng chơi cho Inter vào thập niên 50-60 và ghi tới 33 bàn/33 trận trong mùa giải 1958/59. Lúc đó tôi biết là Inter đang săn tìm cầu thủ từ thị trường Argentina, nhưng Ariel Ortega hay Sebastian Rambert mới là những cái tên được chú ý nhiều nhất nên tôi đã rất bất ngờ khi nghe Passarella thông báo. Tôi gọi cho người đại diện của mình ngay lập tức. Đúng vậy, đó là sự thực, Inter muốn có tôi. Tất cả những gì còn thiếu chỉ là chữ ký của tôi và con đường đến Italia đã rộng mở.

Và sự giằng xé bắt đầu. Một bên là niềm hạnh phúc khi mình đã ở rất gần một trong những CLB lớn nhất thế giới, bên kia là nỗi sợ phải rời xa quê hương, gia đình và đặc biệt là Paula. Cô ấy còn quá trẻ, vẫn đang đi học và chắc chắn là chưa thể theo chân tôi sang Italia ngay lập tức. Đó là những ngày tháng rất khó khăn đối với tôi, nhưng tôi biết rằng một cơ hội tương tự có thể sẽ không bao giờ quay trở lại. Thế là tôi lấy hết can đảm để lên đường theo đuổi giấc mơ của mình. May là tôi còn có hai tháng để chuẩn bị, và cũng không cô đơn trong cuộc hành trình mới này: cùng với tôi, Inter còn mua thêm Sebastian Rambert, người có biệt danh là “El Avioncito” (máy bay) vì phong cách ăn mừng bàn thắng của anh ta. Tuy nhiên cần phải làm rõ một điểm: người ta thường nói rằng tôi đến Inter trong một gói chuyển nhượng cùng với Rambert. Điều đó không đúng, bởi Rambert đá cho Independiente còn tôi khoác áo Banfield. Ngoài ra, vụ chuyển nhượng tôi sang Inter được thực hiện trước. Trên thực tế, tôi là bản hợp đồng đầu tiên của Massimo Moratti, người mới trở thành Chủ tịch Inter vào tháng 2/1995. Đây có vẻ chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng đối với tôi điều đó rất quan trọng.

Zanetti là thằng nào?

Phần đông báo giới và CĐV đều không đánh giá cao thương vụ này. “Cái gì? Moratti muốn tái lập thời hoàng kim và ông ta đưa về Zanetti? Zanetti là thằng nào thế?”. Họ cũng có lý, bởi khi đó tôi hầu như chưa có danh tiếng gì và tên tôi cũng không đủ đặc biệt để gây ấn tượng. Cũng trong mùa giải ấy, Inter còn ký HĐ với Roberto Carlos và Paul Ince. Carlos là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá thế giới, còn Ince đã gây dựng được tên tuổi trong 8 năm thi đấu cho Man United. Carlos, Ince và Rambert là đủ cho ba suất cầu thủ nước ngoài (hồi đó luật Bosman chưa có hiệu lực) và người ta tin rằng tôi sẽ bị đem cho một CLB khác mượn “để hắn cứng rắn lên” – cách nói của người Italia. Nhưng Inter không nghĩ thế. Họ tin vào khả năng của tôi. Maradona cũng giúp đỡ tôi không ít khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng “vụ mua bán tốt nhất mà Inter từng thực hiện là Javier Zanetti”. Và tôi cũng bắt đầu tin vào bản thân mình.

Thật ra tôi vẫn chưa hoàn toàn hòa nhập được với cách thức tập luyện và tư duy bóng đá ở đây, nhưng HLV Ottavio Bianchi lại rất tin tưởng tôi. Ngày 27/8/1995, tôi có trận ra mắt ở sân Giuseppe Meazza, một SVĐ kỳ vĩ mà trước đó tôi chỉ nhìn thấy trên truyền hình. Trận đấu đã kết thúc suôn sẻ: 1-0, Roberto Carlos ghi bàn duy nhất, nhưng mọi thứ dần chuyển biến xấu. Người đồng hương Rambert của tôi không chịu nổi áp lực của sự kỳ vọng và phải rời Inter chỉ sau vài tháng, sau khi Bianchi bị sa thải vào cuối tháng 9. Thế chỗ Bianchi – bỏ qua một giai đoạn ngắn dưới sự chèo lái của Luis Suarez – trên băng ghế huấn luyện là Roy Hodgson. Với Hodgson, mọi thứ đã thay đổi: trước đó tôi đá hậu vệ phải trong sơ đồ 5-3-2 của Bianchi, nhưng Hogdson muốn tôi chơi bên cánh phải của hàng tiền vệ “kim cương”. Đó là vị trí mà tôi đã chơi cho đến tận những năm gần đây, và cũng là vị trí mà tôi ghi được bàn thắng đầu tiên dưới màu áo Inter, vào lưới Cremonese trên sân nhà ngày 3/12/1995 (tôi không phải là một tiền đạo, nên tôi yêu và ghi nhớ kỹ những bàn thắng ít ỏi ấy như những đứa con của mình). Sau trận gặp Cremonese ấy, tờ Gazzetta dello Sport chấm cho tôi điểm 8. Và tên tôi bắt đầu thoát khỏi kiếp vô danh.

Italia cũng là quê hương

So với một Buenos Aires vô cùng hỗn loạn thì Milan yên bình hơn nhiều. Tôi vẫn cảm thấy như đang ở nhà dù đã cách xa quê hương hàng nghìn km, bởi những người Argentina chúng tôi đều có một nửa dòng máu Italia. Các cụ tôi đều là người Italia, họ đến từ thị trấn Sacile, tỉnh Pordenone thuộc vùng Friuli (tôi mới phát hiện ra điều này vài năm trước, sau hàng tháng trời tìm hiểu). Tôi tự hào về nguồn gốc Italia của mình, đặc biệt là Friuli. Có thể vì thế mà tôi thích nghi rất nhanh với cuộc sống tại Italia, dù tôi chỉ có một mình và gia đình tôi cũng như Paula đều đang ở Argentina. Về mặt văn hóa và tinh thần, Italia và Argentina là hai quốc gia cực kỳ giống nhau, và điểm khác biệt duy nhất có lẽ chỉ là về mặt tính cách. Ở Argentina chúng tôi cư xử bình tĩnh hơn, sống chậm hơn: nói cách khác thì chúng tôi tận hưởng cuộc sống một cách từ tốn hơn. Trong khi đó ở Italia lúc nào người ta cũng tỏ ra vội vàng. Nếu bạn gặp ai đó trong một quán café ở Buenos Aires, điều đó có nghĩa là một cuộc nói chuyện kéo dài ít nhất nửa tiếng đồng hồ, nhưng ở Milan thì mọi thứ sẽ kết thúc chỉ sau năm phút.

Nhưng vấn đề khó khăn nhất của tôi ở Italia, bên cạnh sự thay đổi trong nhịp sống và ngôn ngữ (tất nhiên tiếng Italia và TBN là những ngôn ngữ chị em nên tôi có thể hiểu được phần lớn các ý chính) là môi trường xung quanh bóng đá. Điều đó không có nghĩa là ở Argentina tôi không phải chịu áp lực từ báo chí hay CĐV, nhưng trong ngày ra mắt Banfield tôi cũng chỉ phải trả lời vải phóng viên sau trận, chụp vài bức ảnh và thế là hết. Trong khi đó, tại lễ giới thiệu chính thức của tôi ở Inter ngày 5/6/1995, tôi bị bao vây bởi một rừng phóng viên lẫn nhiếp ảnh gia, cùng với một đám đông CĐV Inter hô vang tên tôi. Kể cả trận mưa lớn vào ngày hôm đó cũng không thể ngăn cản sự cuồng nhiệt của họ. Đối với tôi, sự điên rồ của bóng đá Italia chỉ vừa mới bắt đầu.

Đón đọc kỳ 4: Mâu thuẫn với Hodgson và thắng lợi đầu tiên

Bất chấp những nghi ngại ban đầu, Zanetti nhanh chóng chiếm được cảm tình của các CĐV Inter. “Tôi bắt đầu được họ yêu mến nhờ lòng quyết tâm và sự kiên định. À, nhờ cả những pha lừa bóng dọc biên phải nữa, tại sao lại không nhỉ? Các CĐV ở Curva Nord (khu khán đài của những CĐV Inter cuồng nhiệt nhất – ND) thậm chí còn sáng tác hẳn một bài hát dành cho tôi: “Tra i nerazzurri c’è / un giocatore che / dribbla come Pelé / daì Zanetti alè!” (Trong số các Nerazzurri / Có một cầu thủ / Lừa bóng như Pele / Tiến lên Zanetti!). Có lẽ họ đã đi quá xa khi so sánh tôi với Pele (với bất kỳ người Argentina nào, Maradona luôn ở đẳng cấp cao hơn dân Brazil), nhưng phải thừa nhận rằng bài hát ấy đã chạm vào sâu thẳm trái tim tôi”.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục