Thử thách ý chí

08:46 Chủ nhật 21/09/2014

Sau nhiều năm “làm mưa, làm gió” ở SEA Games, thể thao Việt Nam bắt đầu tìm kiếm tiếng tăm ở Asian Games (Asiad) - đấu trường cao cấp nhất châu lục. Ít nhiều, chúng ta cũng góp được tiếng nói, tạo được dấu ấn tại đây nhờ thành quả mà taekwondo, karatedo, cầu mây và billiards&snooker từng đem về.

Tham vọng luôn tồn tại, sự lạc quan là có thừa trước mỗi lần tham gia tranh tài. Có điều sự thiếu ổn định về chiến lược đầu tư đã không ít lần khiến thể thao Việt Nam phải ngậm ngùi rời cuộc chơi.

Nếu cho Olympic là đỉnh cao khó chinh phục thì Asiad lại rất gần với trình độ của VĐV Việt Nam. Nhưng trông thì gần, hóa ra khi bước vào cuộc tranh tài, chiến thắng thật không dễ kiếm tìm. 4 năm trước ở Quảng Châu 2010, suốt 1 tháng trời đằng đẵng đợi chờ, thể thao Việt Nam mới giành được 1 tấm HCV của võ sĩ karatedo Lê Bích Phương. Điền kinh, bơi lội, bắn súng, cầu mây, cờ vua và nhiều môn khác nữa liên tiếp để vuột HCV trong gang tấc và trong sự tiếc nuối vô cùng.

Chuyến xuất ngoại ấy về sau được đánh giá là thất bại, mặc dù ngành TDTT đã đổ vào không biết bao nhiêu tiền của để xây dựng lực lượng tinh nhuệ. Dĩ nhiên, nó cũng trở thành bài học xương máu đối với những người làm thể thao Việt Nam. Asian Games suy cho cùng vẫn luôn là thách thức không dễ vượt qua, ngay cả khi chúng ta cảm nhận được nó ở rất gần. Và tuyệt nhiên, giới huấn luyện không thể đánh đồng hễ VĐV đoạt được HCV ở Đông Nam Á thì có cơ hội chiến thắng tại đấu trường này.

Các nhà thể thao Việt Nam đã bước vào cuộc tranh tài đỉnh cao ở Incheon (Hàn Quốc). Không có những lời “đao to, búa lớn” như trước kia, không còn xuất hiện suy nghĩ chúng ta đã lớn mạnh thực sự. Đổi lại là một sự thận trọng, đánh giá đúng mực tiềm năng cũng như cơ hội của các VĐV trong cuộc chạy đua thành tích với bạn bè châu Á.

Asiad 17 nói như trưởng đoàn Lâm Quang Thành trước vạch xuất phát, chính là thử thách khó khăn đối với những gương mặt ưu tú của thể thao Việt Nam. Thất bại ở kỳ Á vận hội gần nhất không cho phép đoàn Việt Nam chủ quan thêm nữa. Nên nhân lực của thể thao Việt Nam đến Incheon 2014 đã được chọn lọc kỹ càng, tinh giản triệt để các bộ phận thừa thãi trước kia, vừa đảm bảo được chất lượng, lại vừa tiết kiệm tối đa kinh phí đầu tư.

Chúng ta có nhiều nhân tố tài năng như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Văn Ngọc Tú (judo)… song không có nghĩa thể thao Việt Nam sẽ dễ dàng giành HCV, ngay cả khi họ đều đã khẳng định được vị thế cá nhân ở các giải đấu châu Á và thế giới trước khi lên đường sang Hàn Quốc.

Không chỉ ông trưởng đoàn mà rất nhiều người nữa đang kỳ vọng các VĐV Việt Nam bước vào cuộc đua với ý chí mạnh mẽ - truyền thống được nuôi dưỡng từ thời mà những tên tuổi Trần Đăng Khánh, Hồ Nhất Thống, Trần Đình Hòa, Lý Đức, Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Thị Nguyệt Ánh… đã thắp lên ngọn lửa chiến thắng.

Trên sân đấu, chỉ có ý chí vươn lên mới giúp VĐV Việt Nam thắng được bản thân để đi đến chiến thắng cuối cùng. Không có công thức thành công hoàn hảo trong thể thao, nhưng có thể hiểu, nó được vun đắp lên từ kinh nghiệm tích lũy nhiều năm ròng rã, từ bản lĩnh chuyên môn của VĐV và yếu tố quan trọng thực sự là ý chí.

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục