Tham vọng lớn của thể thao Thổ Nhĩ Kỳ

22:18 Thứ bảy 16/03/2013

Galatasaray mơ ước Champions League với Didier Drogba và Wesley Sneijder. Istanbul hướng đến việc đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020… Các nhà bình luận quốc tế nhận định : Thổ Nhĩ Kỳ đang đầu tư mạnh mẽ vào thể thao, coi đó như một trong những mũi nhọn quan trọng để được gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Thể thao Thổ Nhĩ Kỳ đang bay cao

“Cim bom bom”- tiếng hò reo của các cổ động viên Galatasaray vang lên mạnh mẽ và đầy tự hào từ các khán đài sân vận động Ali Sami Yen mới. Được đặt ở khu vực tài chính của thành phố, cách xa những con đường nhỏ và khu dân cư đông đúc của Istanbul, Ali Sami Yen gợi nên vẻ thịnh vượng của một thành phố đang được đầu tư mạnh mẽ nhằm thay đổi hình ảnh của mình. Người ta cũng có thể dễ dàng cảm nhận được không khí vui tươi từ sân tập Florya ở ngoại ô thành phố, nằm lọt thỏm giữa những biệt thự sang trọng.

Đế chế Galatasaray

Chính ở hai địa điểm này, Galatasaray, đội bóng giàu thành tích nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đang sống như đế vương giữa những tham vọng của hiện tại và tương lai. Những vụ chuyển nhượng mới nhất của họ thể hiện điều ấy. Họ đưa về Drogba, nhà vô địch Champions League 2012, và Sneijder, nhà vô địch năm 2010. Nhưng trước họ, những cái tên khác đã xuất hiện. Galatasaray chiêu mộ được vua phá lưới giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ Burak Yilmaz và tuyển thủ Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Hamit Altintop (từ Real Madrid). Đội hình Galatasaray trước khi có bốn gương mặt ấy đã khá mạnh, với sự tham gia của những cầu thủ được đưa về từ Serie A. Đấy là thủ môn Fernando Muslera (Lazio), trung vệ Tomas Ujfalusi (Fiorentina) và Felipe Melo (Juventus).

Sân Ali Sami Yen sôi động không kém bất kỳ sân bóng lớn nào ở châu Âu

Drogba và Sneijder chính là những thương vụ chuyển nhượng lớn nhất và đáng chú ý nhất trong những năm gần đây của đội bóng đang có tham vọng leo lên bậc thang cao hơn trong làng bóng đá quốc tế. Đội bóng áo vàng-đỏ có một thiết chế chắc chắn, một huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm là Fatih Terim, một đội ngũ cổ động viên cuồng nhiệt, và điều quan trọng hơn, là một nguồn tài chính dồi dào. Chủ tịch Galatasaray, ông Unal Aysal, năm nay 72 tuổi, là một trong những người giàu nhất nước. Đứng đầu tập đoàn Unit Group quy tụ gần một chục công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng Aysal kiếm tiền chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng. Hai năm trước, khi mua hầu hết cổ phần của Galatasaray, ông có trong tay chừng 800 triệu USD. Đấy là lí do tại sao Galatasaray lại rủng rỉnh tiền chuyển nhượng đến thế. Họ đã bỏ ra gần 20 triệu USD để đưa về Drogba và Sneijder, làm mạnh thêm nữa đội bóng đang thống trị giải Super Liga của Thổ Nhĩ Kỳ, với một khoảng cách điểm khá lớn với đối thủ cùng thành phố mang tên Fenerbahce (đặt trụ sở ở nửa châu Á của Istanbul).

Sức mạnh về tài chính của Galatasaray phản ánh một cách tích cực sự vươn lên của Thổ Nhĩ Kỳ trong nền kinh tế thế giới những năm qua. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng năm ngoái, họ vẫn có mức tăng trưởng GDP đạt 3,5%, thấp hơn nhiều so với năm trước đó (8,5%, cao hơn cả Trung Quốc), nhưng vẫn được coi là một điểm sáng hiện tại trong bức tranh u ám của thế giới. Lao động, dân số, văn hóa…, tất cả những gì liên quan đến các khía cạnh cuộc sống của Thổ Nhĩ Kỳ đều cho thấy những dấu hiệu phát triển mạnh mẽ. Trong bốn năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra được 4,6 triệu việc làm. Lạm phát được duy trì ở mức dưới hai con số trong một đất nước có 75 triệu dân. Cảm thấy được hưởng lợi nhiều từ sự phồn vinh, nhiều người không còn ấp ủ ý định di cư nữa. Được khích lệ bởi những giá trị cộng đồng Hồi giáo mà Thủ tướng Tayyip Erdogan ca ngợi, người A-rập bắt đầu đổ tiền của vào Thổ Nhĩ Kỳ. Dù những vấn đề về biên giới với Iraq và Syria chưa khi nào lắng xuống và chủ nghĩa khủng bố vẫn đe dọa âm ỉ (đánh bom cảm tử đã xảy ra trước sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara), thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho thế giới thấy, họ là một đất nước đầy sống động, nơi văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh và thể thao đang phát triển mạnh mẽ.

Một doanh nhân Italia làm ăn ở Istanbul hơn 10 năm qua, nhận xét : “Với việc đưa về những Drogba và Sneijder, chủ tịch đội Galatasaray đã tạo ra một ảnh hưởng lớn lao không kém gì việc Berlusconi mua về Mario Balotelli. Ông ấy thu phục được lòng người hâm mộ và cả những chủ đầu tư lớn nữa. Nhưng không chỉ có Galatasaray mạnh lên. Rất nhiều câu lạc bộ khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một tiềm lực tài chính để cạnh tranh với những đội bóng khác mạnh hơn”. Ví dụ có thể kể ra một cách dễ dàng từ việc Sivaspor, một câu lạc bộ nhỏ không ai biết đến, đã làm được điều không tưởng khi đánh bại Fenerbahce, đội đang đứng thứ hai trên bảng xếp hạng ở giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ, ngay trên sân đối phương. Cái sân ấy đẹp đẽ, mới mẻ, hiện đại và hoành tráng chẳng kém gì Bernabeu của Real.

Và không chỉ bóng đá

Sự phát triển nhanh chóng của thể thao Thổ Nhĩ Kỳ là một thực tế không thể phủ nhận. Trong môn bóng rổ, đội Efes Pilsen của họ từ lâu đã là một đối thủ đáng gờm với cả châu lục. Tại giải vô địch bóng rổ thế giới năm 2010, họ đã vào đến tận chung kết và chỉ chịu thua đội Mỹ hùng mạnh. Ở khu Besiktas, trên sân bóng rổ phía trước khách sạn Conrad sang trọng, các đội bóng thiếu niên tập luyện ngày đêm. Trên con đường dài từ sân bay vào trung tâm thành phố, những sân tập lớn nhỏ thu hút rất nhiều đàn ông và phụ nữ, kể cả những người Hồi giáo đeo mạng, tập thể thao.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đội mạnh nhất thế giới

Cengiz Candar, một nhà bình luận chính trị thế giới, nhưng cũng rất được chú ý bởi những lần xuất hiện trên tivi để bình luận về đội Fenerbahce mà ông hâm mộ, nhận định: “Sự phát triển của thể thao đất nước này không phải là một sự ngạc nhiên cho mọi người, mà là một sự khẳng định. Hãy lấy bóng chuyền làm ví dụ. Hiện tại, đội tuyển nữ của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đội mạnh nhất thế giới. Đội nam cũng thế. Ngay trong Thế vận hội mùa hè gần nhất, chúng tôi cũng giành được huy chương trong các môn điền kinh nhẹ”.

Đội tuyển bóng rổ nam Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chịu thua Mỹ ở chung kết giải vô địch thế giới

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thua Pháp trong cuộc đua tranh đăng cai EURO 2016. Thành phố Smirne, sau khi để tuột mất Triển lãm thế giới EXPO 2015 vào tay Milan, giờ đang tích cực vận động để được đăng cai vào năm 2020. Nhưng giải đấu mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn được tổ chức bằng mọi giá là Thế vận hội mùa hè 2020. Logo vận động đăng cai cho Istanbul 2020 đã xuất hiện ở khắp nơi tại Istanbul. Các nhà chuyên môn đánh giá, Istanbul có đủ khả năng để vượt qua các ứng viên khác là Roma và Madrid, và chỉ phải cạnh tranh quyết liệt với Tokyo để giành quyền đăng cai.

Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ coi việc gia nhập EU là một mục tiêu sống còn, thì việc nâng cao hình ảnh của đất nước trước thế giới là vô cùng quan trọng. Các giới chức chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại trong việc thuyết phục châu Âu về quá trình hội nhập trong nhiều năm qua, thì giờ, khi Thổ Nhĩ Kỳ  đang vươn lên thành một quốc gia giàu có, con đường gập ghềnh vào châu Âu có thể sẽ ngắn đi nhiều, với những thắng lợi về thể thao, như cách mà Galatasaray và những ai mơ ước tổ chức Thế vận hội 2020 đang thực hiện.

 Mục tiêu đăng cai Olympic đi cùng thăng trưởng thành tích

Bóng đá: Galatasaray đi vào lịch sử với chiếc Cúp UEFA giành được ngày 17/5/2000, khi họ đánh bại Arsenal 4-1 trong loạt luân lưu.

Mùa hè 2002, tại World Cup ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã vào được bán kết và cuối cùng giành vị trí thứ ba.

Bơi lội: Mùa hè 2000, Derya Buyunkuncu đoạt huy chương vàng môn bơi ngửa 100 mét tại giải vô địch châu Âu tại Helsinki. Anh đã tham dự năm kỳ Thế vận hội mùa hè.

Bóng rổ: Tại giải vô địch thế giới 2010 tổ chức trên sân nhà, Thổ Nhĩ Kỳ vào đến chung kết và chỉ thua đội Mỹ (đội “Dream Team”) 64-81.

Quần vợt: Ngày 27/9/2010, sau giải đấu ở Banja Luka, tay vợt Marsel Ilhan trở thành tay vợt nam người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên có tên trong top 100 thế giới.

Điền kinh: Tại Thế vận hội mùa hè London 2012, Thổ Nhĩ Kỳ có 114 vận động viên điền kinh tham gia. Đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt 2 HCV chạy 1.500 mét. Tổng cộng, Thổ Nhĩ Kỳ giành 5 huy chương, đứng thứ 32/79 đoàn có huy chương.

“Thổ Nhĩ Kỳ phải biết tận dụng vận hội này”

Fatih Terim, Cựu HLV Fiorentina và AC Milan, sau đó là người dẫn dắt đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ và bây giờ là Galatasaray, trả lời phỏng vấn báo chí Italia về cơ hội của thể thao Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang vươn cao. Chúng tôi cần phải đạt được kết quả quan trọng trong việc ứng cử thành công việc đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020”, Terim nói.

* Sau khi có Drogba và Sneijder, ông đã trở thành một HLV hạnh phúc…

- Đúng như thế rồi. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng kết hợp những cầu thủ xuất sắc và đẳng cấp như Drogba và Sneijder vào cùng một đội ngũ với những cầu thủ khác thì lại là một thách thức rất lớn và tôi hy vọng là chúng tôi sẽ cùng chiến thắng. Chúng tôi đang dẫn đầu giải vô địch, và đang tham gia thi đấu trên nhiều mặt trận nữa.

* Nhưng bây giờ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ có riêng bóng đá nữa.

- Có bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt, điền kinh. Chúng tôi ngày càng phát triển ở những môn thể thao khác nữa.

* Sự phát triển ấy phụ thuộc vào điều gì, xã hội hay văn hóa thể thao?

- Cả hai. Đương nhiên, vào tiền bạc nữa. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đang phát triển tốt ở nhiều khía cạnh, như nghệ thuật, âm nhạc, chúng tôi có những đạo diễn điện ảnh đoạt các giải Liên hoan phim châu Âu và Hollywood. Hầu hết thanh thiếu niên đều tham gia chơi thể thao. Tất cả những điều đó đều có tác động tốt đến xã hội.

* Đất nước của ông đặt ra mục tiêu gì?

- Chúng tôi đang đứng ra ứng cử nhiều giải rất lớn, chẳng hạn như Smirne muốn đăng cai EXPO. Đấy không chỉ là vấn đề về chính trị, khi giúp làm tăng thêm cơ hội cho chúng tôi gia nhập Liên minh châu Âu. Thể thao có thể giúp ích rất nhiều.

* Thế còn việc tranh cử đăng cai Thế vận hội mùa hè 2020?

- Đấy là giấc mơ lớn của chúng tôi. Thủ tưởng Erdogan đã nói rất rõ: Chúng ta sẽ đi đến cùng trong vận hội này. Chúng tôi có tất cả mọi lợi thế để đánh bại ba ứng viên khác. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi rất quyết tâm. Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ lỡ vận hội lớn lao này.
Anh Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục