Tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh: Người hùng cô đơn

13:15 Thứ hai 19/08/2013

Nguyễn Tiến Minh xứng đáng là người hùng của cầu lông và thể thao Việt Nam, khi liên tiếp mang về những chiến tích lớn nhiều năm qua. Cứ sau mỗi thành công, người hâm mộ lại càng thêm kính nể tài năng của chàng trai giàu nghị lực này. Thế nhưng, ít ai biết, Tiến Minh luông mang một nỗi buồn trong lòng, ngay cả khi anh đang được tung hô sau những kỳ tích…

Hành trình "tấn công” tốp 10

Tiến Minh được giới chuyên môn đánh giá là viên ngọc thô khi đoạt chức vô địch giải quốc tế Malaysia Mở rộng vào tháng 11-2004. Dù thể hình hạn chế nhưng khả năng học hỏi, phản xạ của Tiến Minh quá tuyệt vời. Chỉ trong khoảng vài năm, thứ hạng của Tiến Minh đã tăng vượt bậc. Từ vị trí 252 năm 2002, tới năm 2006, anh đã có mặt trong top 50 thế giới và tới đầu năm 2008, Tiến Minh có vị trí thứ 28. Nhờ thứ hạng này, Tiến Minh có mặt tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Bước tiến của tay vợt TP.Hồ Chí Minh tăng chóng mặt, khi năm 2009 anh có mặt trong top 20 thế giới. Cũng trong năm này, Tiến Minh tạo nên cơn địa chấn trong làng cầu lông thế giới khi đánh bại tay vợt số một trên bảng xếp hạng là Lee Chong Wei tại giải Singapore mở rộng. Sau thành tích này, anh lên hạng 11 thế giới.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một tay vợt lọt vào tốp 20 thế giới, nhưng đó chưa phải là giới hạn cuối cùng của tay vợt sinh năm 1983 này. Ngày 25-7-2009, tại giải Grand Prix Thailand mở rộng Nguyễn Tiến Minh xuất sắc đánh bại VĐV chủ nhà là Boonsak Ponsana với tỷ số 2-0 trong trận chung kết, qua đó giúp anh lọt vào top 10 thế giới với vị trí số 9. Cuối tháng 9-2009, Tiến Minh lên tới thứ hạng số 7 thế giới. Ngày 2-12-2010, Tiến Minh lần đầu tiên trong sự nghiệp lọt vào top 5 tay vợt mạnh nhất với 51.844 điểm. Sau lần thứ hai có mặt tại Olympic năm 2012, Tiến Minh tiếp tục gặt hái được những thành công. Trong năm nay, khi Tiến Minh được đánh giá đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, anh vẫn xuất sắc giành ngôi vô địch tại giải Mỹ mở rộng và kỳ tích HCĐ giải vô địch diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây chính là thành tích lớn nhất trong sự nghiệp của Tiến Minh. Với việc lọt vào tốp 4 tay vợt mạnh nhất thế giới, Tiến Minh khả năng sẽ có bước thăng tiến đáng kể trên BXH, cụ thể là hạng 5 thế giới.

Cách trao thưởng một cách sơ sài của Liên đoàn cầu lông Việt Nam không xứng với thành tích của Tiến Minh

Cánh én đơn độc

Sự nghiệp của Tiến Minh không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Anh luôn thiệt thòi trong những lần đi ra nước ngoài thi đấu. Gần như Tiến Minh phải tự lo tất cả, trong khi một tay vợt top 20 thế giới thường có một êkíp đi cùng. Trong khó khăn và thách thức của tuổi tác, Tiến Minh vẫn liên tiếp lập chiến công khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Ít ai ngờ một tay vợt tên tuổi lẫy lừng và mang bao chiến tích cho thể thao nước nhà như Tiến Minh, nhưng lương tháng chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng. Số tiền này Tiến Minh cho biết anh thậm chí còn không đủ để trang trải sinh hoạt khi tham dự một giải đấu.

Được biết, Liên đoàn cầu lông Việt Nam một năm chỉ hỗ trợ kinh phí tham dự 3 giải: vô địch thế giới, vô địch châu Á và Surdiman Cup, tổng cộng khoảng chừng 50 triệu đồng. Trong khi Tiến Minh thi đấu mỗi năm hơn chục giải quốc tế, riêng tiền vé máy bay đã tốn hàng chục ngàn USD.

Thỉnh thoảng Tiến Minh vẫn nhận được những ánh mắt ngạc nhiên của các tay vợt quốc tế, khi biết anh có mức lương rất hèo và thường phải ra nước ngoài thi đấu một mình. Các tay vợt này nói, nếu như Tiến Minh ở nước họ sẽ được "chăm sóc” chu đáo. Nghe vậy, càng cảm thấy chạnh lòng!

Từng theo nghiệp thể thao chuyên nghiệp hơn chục năm nay, có lẽ Tiến Minh cũng chẳng dám đòi hỏi, bởi rất nhiều VĐV khác, các môn thể thao khác còn khó khăn hơn anh rất nhiều. Hơn nữa, theo Tiến Minh, mình cũng chẳng thể nào bức xúc vì khó thay đổi được điều gì.

"Tôi phải quen, chịu đựng và vượt qua những thiệt thòi vì gần như đâu có thay đổi được gì, dù rằng nhiều khi rất tủi thân và chạnh lòng. Trong nhóm 20 tay vợt hàng đầu thế giới, chắc chắn thu nhập của tôi thấp nhất. Mọi so sánh đều khập khiễng, song các tay vợt của Singapore hay Malaysia đều bảo nếu tôi thi đấu ở đó chắc chắn sẽ là ngôi sao, có nhà lầu, xe hơi cùng vài triệu USD trong tài khoản”, Tiến Minh tâm sự.

Sự quan tâm về vật chất đã thế, về tinh thần còn nản hơn với một tay vợt đang là niềm tự hào của cầu lông Việt Nam. Trong những ngày qua, báo chí và dư luận tỏ ra khá bức xúc trước cách trao thưởng nóng cho tay vợt Nguyễn Tiến Minh một cách xuề xòa của Liên đoàn cầu lông Việt Nam và Liên đoàn cầu lông TP.Hồ Chí Minh. Nhiều người cho rằng, 2 "tờ giấy” khổ A4 ghi số tiền thưởng nóng trông tầm thường so với thành tích của Tiến Minh.

Trên cộng đồng mạng, nhiều ý kiến bình luận cho rằng "không hiểu những người thưởng cho Tiến Minh nghĩ gì khi chỉ làm một tờ giấy quá đỗi đơn giản và hời hợt như thế cho một thành tích lịch sử của cầu lông Việt Nam. Tất cả cho thấy sự thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp từ chính những nhà quản lý thể thao nước nhà”. Trong khi đó, một số ý kiến khác còn cho rằng "mới chỉ thấy giấy, không biết tiền bao giờ mới đến tay Minh”.

Nhìn qua Thái Lan sẽ thấy khác hẳn. Tay vợt nữ 18 tuổi Ratchanok Intanon sau khi đoạt HCV nội dung đơn nữ giải VĐTG đã được đón tiếp như người hùng khi về nước. Khi cô về đến sân bay Suvarnabhumi, đích thân Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn và công chúa Maha Chakri Sirindhorn lên tận máy bay đón cô. Chưa kể, Ratchanok còn được Chính phủ Thái Lan đón tiếp trọng thị. Đích thân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra còn cho phép Ratchanok được ngồi lên chiếc ghế của mình khi cô đi thăm văn phòng Chính phủ. Tiền thưởng mà Ratchanok nhận được cũng rất lớn. Trước mắt cô nhận được 2,5 triệu bath tiền thưởng (khoảng 1,7 tỷ đồng).

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bản thân Tiến Minh cảm thấy hài lòng với những nỗ lực, thành quả mà mình đã giành được và đóng góp cho thể thao Việt Nam. Điều đó càng khiến người hâm mộ thêm yêu, thêm quý anh hơn.

Bài toán hậu Tiến Minh

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi lên nhậm chức, tân Chủ tịch Liên đoàn cầu lông Việt Nam Lê Đăng Xu nhấn mạnh: "Mục tiêu quan trọng nhất là phát triển lực lượng trẻ từ các trường học để tạo ra nhân tài. Nếu không chỉ vài năm nữa thôi, cầu lông Việt Nam sẽ mất trắng”.

Tổng thư ký Liên đoàn cầu lông Việt Nam Lê Thanh Sang cũng từng khẳng định, sau 20 năm nữa cầu lông Việt Nam cũng không có Tiến Minh thứ 2. Lời nhận xét của người đứng đầu Liên đoàn có phần chua xót nhưng đó lại là thực tế.

Tại các giải khu vực và châu lục, cầu lông Việt Nam luôn tham dự với lực lượng hùng hậu. Thế nhưng thường ngay ở những vòng đầu, rất nhiều tay vợt đã "rơi rụng” và chỉ còn lại Nguyễn Tiến Minh. Thực tế này không chỉ chỉ ra khoảng cách lớn về trình độ của cây vợt ở đội tuyển, mà còn là sự hụt hẫng đáng quan ngại về lực lượng đỉnh cao của cầu lông nước nhà. Ngay cả tay vợt nữ trẻ từng giành HCĐ tại Olympic trẻ thế giới Vũ Thị Trang cũng chưa thể đảm bảo về khả năng phát triển của mình, khi mà sự quan tâm của ngành thể thao chưa tới nơi tới chốn. Trong năm 2012, kế hoạch lọt vào tốp 100 để có vé tham dự Olympic của Vũ Thị Trang đã bị phá sản. Trong khi đó, đôi nam Bằng Đức, Mạnh Thắng đang sát tốp 50 nhưng cái ngưỡng này vượt qua là rất khó.

Nhiều năm gắn bó với cầu lông Việt Nam, bà Huỳnh Ngọc Liên - Phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.Hồ Chí Minh cho biết: Có 3 nguyên nhân khiến cầu lông Việt Nam chưa thể đột phá. Thứ nhất, chúng ta chưa mạnh dạn thuê HLV chất lượng nên chưa có được chương trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp. Thứ hai, chúng ta chưa có sự phối hợp giữa ngành thể thao và giáo dục để rồi nhiều tay vợt dưới 18 tuổi vì tập trung nhiều hơn cho việc học văn hóa mà chỉ tập luyện cầm chừng. Thứ ba, chúng ta không thiếu tài năng nhưng rất ít tay vợt trẻ Việt Nam được tạo điều kiện thi đấu quốc tế thường xuyên để phát triển chuyên môn.

"Tiến Minh là tấm gương sáng của cầu lông Việt Nam, nhưng đáng tiếc không một ai theo con đường của cậu ấy. Có lẽ 100 năm nữa ở làng cầu lông Việt Nam cũng chẳng có ai thay thế, hoặc làm được như Tiến Minh”, bà Liên trăn trở.

Chính Tiến Minh cũng phải thừa nhận, nhận xét của bà Liên đã phản ánh thực tế về nền tảng, cách thức đầu tư, phát triển của cầu lông Việt Nam. Đúng là cứ như thế này, chưa nói đến chuyện quá cao xa, rất khó có một tay vợt lọt vào tới Top 100 đơn nam, nữ trong nhiều năm tới.

Vấn đề của cầu lông Việt Nam hiện nay là kinh phí đầu tư cho tài năng có thừa, nhưng lại thiếu người am tường về mặt chuyên môn để có những kế hoạch hợp lý. Việc thiếu HLV giỏi và quy trình đào tạo, tập huấn, thi đấu chuyên nghiệp cũng là nguyên nhân chính khiến việc san lấp khoảng trống lực lượng phía sau Tiến Minh không thể thực hiện được. Nhìn sang các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… họ luôn có lớp kế cận khi các trụ cột nghỉ thi đấu. Vì sao các quốc gia này làm được trong khi Việt Nam lại "bó tay”, dù phong trào cầu lông của chúng ta chẳng hề thua kém? Suy cho cùng cũng từ cách làm chưa đúng mà thôi!

An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục