Sự thanh thản và “vết thương lòng” của Mourinho

16:27 Thứ tư 18/04/2012

Thanh thản, một từ nghe thật giản dị và một số người thường cười nhếch mép khi ai đó đề cập tới, tuy nhiên trong cuộc sống, để tìm được sự thanh thản trong tâm hồn đôi khi lại là một điều xa xỉ, dù bạn có là người giàu nhất thế giới tiền tiêu không phải nghĩ hay bạn chỉ là một người vô gia cư nằm dưới gầm cầu và không phải quan tâm bất cứ điều gì về thế giới bên ngoài. Và “thanh thản” có lẽ là một từ duy nhất không có trong từ điển của thế giới bóng đá. Các bạn không tin ư, các bạn hãy nhìn Mourinho các bạn sẽ hiểu được tại sao tôi nói vậy.

Trong thế giới bóng đá hiện đại, nói đến Mourinho là chúng ta đang nói tới Midas – người sờ vào đâu mọi thứ đều biến thành vàng. Thực sự, Mourinho là biểu hiện của sự thành công ở bất kỳ nơi đâu ông đặt chân tới, không ai là không ngưỡng mộ tài năng và bản lĩnh của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha với một bảng thành tích quá ấn tượng

Có thể với một HLV nào đó thì với hành trang trên đã có thể giúp họ sống suốt phần đời còn lại trong sự thanh thản về sự nghiệp, nhàn nhã trong bộn tiền bằng cách sang huấn luyện ở một CLB nào đó ở Qatar, UAE xa hoa hay Anzhi ở nước Nga xa xôi và lạnh lẽo nhưng luôn được “sưởi ấm” bằng những đồng USD hào phóng từ ông chủ. Nhưng Mourinho thì không, ông là con người tham vọng và luôn khao khát chinh phục những đỉnh cao mới trong thế giới bóng đá. Động lực rất tốt, ý chí khát vọng rất chính đáng, tuy nhiên, từ khi sang với Real Madrid – “Đội bóng hay nhất Thế kỷ 20”, có lẽ do áp lực thành tích quá lớn, “Người đặc biệt” Mourinho đã thực sự bớt “đặc biệt” đi khá nhiều. Từ một con người tài năng, cá tính với những phát biểu thông minh, sâu sắc luôn là tiêu điểm của mọi tờ báo thì giờ ông lại trở thành một con người của sự đố kỵ, hiềm khích, luôn xuất hiện với những phát biểu gây tranh cãi và có một “vết thương lòng” mang tên “Barca”.

Jose Mourinho là một trong những HLV tài giỏi nhất hiện nay. Ảnh: Internet.

Vết thương đó bắt nguồn từ mùa giải 2005-06 khi đó Mou còn huấn luyện Chelsea khi 2 đội gặp nhau ở vòng 16 đội, Mou khi đó đã lớn tiếng chỉ trích trọng tài Terje Hauge (Na Uy) đã thiên vị Barca khi đuổi Del Horno và cho rằng Messi chính là kịch sỹ xuất sắc ở Barcelona “nơi có rất nhiều nhà hát kịch nổi tiếng”.

Và rồi đến trận Barca 1–0 Inter Milan (Bán kết lượt về Champions League 2009-10): Đây là trận đấu mà Thiago Motta đã bị trọng tài truất quyền thi đấu từ rất sớm khiến cho đội bóng của Mou phải rơi vào thế co cụm chống đỡ suốt cả trận. Sau trận đấu màn ăn mừng mang đầy tính khiêu khích của Mou đã khiến Victor Valdes thủ môn của Barca điên tiết lao vào bóp cổ Mou. Vết thương đó ngày càng sâu hơn.

Và đỉnh điểm của vết thương đó là bắt đầu từ khi Mou chuyển sang làm HLV cho đối thủ không đội trời chung của Barca là Real Madrid. Từ đây, mỗi lần El Clasico diễn ra, đó thực sự là một trận chiến với đầy đủ “hỉ, nộ, ái, ố” mà phần thiệt thòi thường thuộc về Mou và các học trò. Mou luôn lớn tiếng chỉ trích trọng tài là thiên vị Barca, các cầu thủ Barca là những kịch sỹ sân cỏ, còn Pep và ban huấn luyện của Barca là những kẻ đạo đức giả.

Mou nói không sai, đúng là có những trường hợp Barca được hưởng lợi từ những quyết định của trọng tài nhưng không biết có phải do sự ghen tức đến mức mù quáng hay không mà ông không nhận ra rằng Real mà ông huấn luyện cũng rất nhiều lần “tình cờ” được trọng tài bỏ qua rất nhiều pha bóng thô bạo, những bàn thắng việt vị hay được hưởng những quả phạt đền không đáng có… Có lẽ ông cũng không chịu hiểu một điều rằng trọng tài cũng chỉ là những con người như ông, như Pep… cũng đều có những quyết định đúng đắn và sai lầm. Và nói cho cùng công bằng chỉ là tương đối, không thể có công bằng cho tất cả mọi người dù trong lĩnh vực nào cũng vậy mà thôi, không chỉ riêng bóng đá.

Mou cũng nói chẳng sai khi bảo các cầu thủ Barca là những kịch sỹ, nhưng ông có hiểu rằng nếu như không có những pha vào bóng thô bạo và đầy tính triệt hạ của các học trò ông như Pepe, Marcelo, Ramos…. thì các cầu thủ Barca lấy đâu ra cơ hội để “đóng kịch”. Các cầu thủ Barca cũng chỉ là những con người, khi có nguy hiểm ập đến thì họ phải biết “thủ thế” để bảo vệ mình và việc lăn lộn trên sân cũng chỉ là một trong những cách để họ bảo vệ mình mà thôi, điều đó cũng chỉ là “việc thường ngày ở huyện” thôi mà, sao Mou lại phải căng thẳng và nâng cao quan điểm như thế. Có thể vì “vết thương lòng” đã lại “trở gió” khiến Mou đau chăng?!

Gần đây Mou thường có những phản ứng thái quá. Ảnh AP.

Rồi Mou chính là người đã lôi Pep và các cộng sự của ông vào các cuộc khẩu chiến, đáp lại sự “hung hăng” của Mou là một thái độ điềm tĩnh vốn có của Pep và như vậy Pep đã bị quy chụp cho mác “đạo đức giả”. Bất cứ ở đâu, thời điểm nào, Mou cũng có thể “đá xoáy” Barca cũng như Pep. Như ngay trong buổi họp báo trước trận với Bayern, Mou cũng không quên nhiệm vụ đó, điều đó chỉ cho thấy một điều là Mou đang mất đi sự thanh thản trong cuộc sống khi trong đầu lúc nào cũng lảng vảng hình ảnh không đẹp của Pep và Barca.

Cũng như đã nói ở trên, mỗi khi có một sự việc xảy đến với mình, mỗi người sẽ có cách hành xử riêng, với Mou thì là lôi những người liên quan ra và lên án cho hả cơn giận nhưng Pep thì lại chọn một cách khác đó là né tránh những rắc rối không đáng có bên lề sân cỏ. Có thể nhiều người sẽ cho rằng Pep là một tên “hèn nhát” luôn tìm đường trốn chạy, Mou là chính nhân quân tử khi dám “nói thẳng nói thật”. Nhưng thực sự trên sân cỏ đã cho thấy, “chính nhân quân tử” và những học trò của ông luôn là những người thua thiệt khi không biết giữ cái “đầu lạnh” mỗi khi nhận đòn “hồi mã thương” từ những tên “hèn nhát” kia. Bóng đá hiện đại thực sự là một cuộc chiến không khoan nhượng về rất nhiều khía cạnh: chiến thuật, kỹ thuật, tâm lý, hành xử, thậm chí cả… tay chân. Nhưng không thể chỉ vì những cơn nóng giận không thể kìm nén của bản thân là có thể vào bóng thô bạo với đội bạn; mắng chửi, mạt sát những người có liên quan như: trọng tài, đối thủ, cổ động viên…

Mourinho, ông có thể thành công nhiều hơn nữa, có thể thắng Barca bao nhiêu lần ông muốn nhưng với tính cách như hiện tại, ông sẽ không thể có được sự tôn trọng của các đồng nghiệp, giới truyền thông, những người hâm mộ chân chính và hơn hết ông không thể tìm lại được sự thanh thản vốn có trong tâm hồn cũng như “vết thương lòng” mang tên Barca sẽ còn đeo đuổi mãi.

Và cuối cùng xin trích dẫn lại câu nói của Alfredo Relano - Tổng Biên tập tờ AS làm lời kết: “Đó là một nhà thông thái trong bóng đá, nhưng thô lỗ và ngu dốt trên tất cả các mặt khác.”

(Bạn đọc: Quang Lam)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục