Nỗ lực tham dự OLYMPIC bằng mọi giá...

15:12 Chủ nhật 05/08/2012

Trên thế giới có nhiều vận động viên (VĐV) nổi tiếng sở hữu cả khối tài sản khổng lồ, thế nhưng cũng có VĐV không có đủ tiền vé để tham một dự kỳ Thế vận hội hiếm trong đời.

Vậy là để thực hiện được niềm hy vọng, ước mơ trong cuộc đời, những VĐV này đã làm tất cả để kiếm ra tiền, nỗ lực tập luyện nhằm được tới London hè này...

Từ rao bán... bản thân

Dù đang giữ thành tích tốt nhất ở cự ly chạy 200 mét trên toàn nước Anh, VĐV chạy nước rút cự ly 200 mét James Ellington đang lâm vào một tình trạng khá bi đát: anh hiện không có nhà tài trợ và vì vậy, anh cũng không có tiền để tập luyện nhằm chuẩn bị cho Olympic London 2012 trên sân nhà. Để giải quyết rốt ráo tình trạng tài chính này (anh cần khoảng 30 nghìn bảng - tương đương với 47 nghìn USD - nhằm trang trải chi phí tập luyện như những VĐV khác), Ellington đã buộc phải đưa ra một quyết định khá buồn cười nhưng không kém phần chua chát: rao bán mình trên trang mạng eBay (trang mạng đấu giá bán hàng online nổi tiếng nhất thế giới).

Người giành chiến thắng trong cuộc đấu giá… chính bản thân Ellington đương nhiên sẽ không được "sở hữu bản thân anh", thay vào đó, tên tuổi của người mua giành chiến thắng sẽ được trang trọng ghi lên trên trang thiết bị, quần áo, giày dép của Ellington khi anh xuất hiện ở các buổi tập luyện, họp báo trước, sau các buổi thi đấu.

Ellington nói với phóng viên của AFP ngay sau khi tin… rao bán anh vừa được đăng lên mạng vào sáng thứ Tư vừa qua(theo giờ địa phương): "Tôi đã đặt bản thân lên trang eBay để tiến hành bán đấu giá nhằm tìm kiếm tiền tài trợ. Sự thật là hiện nay tôi không có một bản hợp đồng thương mại tài trợ nào, nghĩa là tôi không có tiền. Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm những cách khác biệt để quảng bá tên tuổi của mình, và nhằm thu hút sự chú ý với những… Cty ở ngoài kia!".

Trong mùa giải năm nay, Ellington đã đạt thành tích 20 giây 52 ở cự ly 200 mét, đây là thành tích cá nhân tốt nhất của anh và cũng là thành tích tốt nhất mà một VĐV Anh từng lập ra ở các giải đấu thuộc những địa điểm ngang bằng mực nước biển. Ellington đương nhiên là niềm hy vọng huy chương ở cự ly 200 mét của điền kinh Anh tại Olympic. Anh còn có thể thi đấu ở cự ly tiếp sức 4x100 mét. Tuy nhiên, thật trớ trêu là Ellington… không có tiền.

James Ellington trong một buổi tập. Ảnh: TL

... đến kinh doanh mại dâm kiếm tiền dự Olympic

Muốn có chi phí tập luyện, thi đấu để dự Olympic London, một võ sĩ taekwondo người New Zealand từng mở một nhà thổ ở Auckland. 4 năm trước tại Olympic Bắc Kinh, võ sĩ Logan Campbell không giành được tấm huy chương nào. Sau chuyến đi Trung Quốc, Campbell đã phải chi trả hàng đống hóa đơn từ tiền máy bay, dụng cụ tập luyện... tất cả vào khoảng 120.000 USD.

Năm nay, Olympic London 2012 dự kiến sẽ ngốn của Campbell khoảng 200.000 USD nữa. Cần có tiền và cần có thật nhanh, Campbell không tìm được giải pháp nào ngoài việc mở một nhà thổ.

Năm 2009, võ sĩ taekwondon người New Zealand đã thông báo ý định và kế hoạch của anh ngay lập tức bị Liên đoàn thể thao New Zealand phản đối. Họ cho rằng Campbell làm xấu hình ảnh của thể thao New Zealand, và nhấn mạnh việc lấy tiền bán thân của các cô gái để trang trải cho chuyến đi tới Olympic London 2012 là không phản ánh đúng giá trị và tinh thần của Olympic. Bộ trưởng thể thao New Zealand không hài lòng về kế hoạch của Campbell dù mại dâm được xem là hợp pháp ở quốc gia này. Còn Ủy ban Olympic New Zealand đã gửi cho Campbell một bức thư khuyên anh từ bỏ ý định mở nhà thổ lấy tiền tham dự Olympic hoặc họ sẽ kiện anh.

Mặc dù không muốn nói đến công việc, cha mẹ đều lo lắng về kế hoạch của anh. Khi đấy, nhà thổ này có 14 phòng, thậm chí, Campbell còn lập một website có hình ảnh anh trong bộ đồng phục taekwondo cùng với lời mời chào hấp dẫn. "Nếu bạn ở Auckland, hãy cho thấy sự ủng hộ của mình bằng cách tới khu nghỉ dưỡng cao cấp tôi mới thành lập".

Một tháng sau khi cho ra mắt nhà thổ, một Cty đã dành ngân sách rất lớn cho thể thao New Zealand, trong đó taekwondo được đầu tư hơn 100.000 USD. Không phải chịu áp lực kiếm tiền, Campbell bán nhà thổ của anh vào năm 2011. Đến đầu năm 2012, New Zealand đưa anh vào danh sách tham dự Olympic.

Võ sĩ Campell. Ảnh: TL

Nỗ lực tham gia Olympic

Đối với nhiều VĐV tiền bạc là một phần quan trọng của cuộc chơi nhưng có không ít những VĐV đến với Olympic chỉ bởi niềm đam mê thể thao và giới thiệu hình ảnh quốc gia mình với thế giới... Họ không là tiêu điểm của giới truyền thông, cũng không được các nhà tài trợ mặn mà chú ý và ngay cả những điều kiện tập luyện tốt, họ cũng không có.

Nhưng với một số VĐV điền kinh ít ỏi đến tham dự Olympic London 2012 từ Afghanistan hay những vùng lãnh thổ Palestine, giấc mơ của họ đã thành hiện thực ngay từ lúc này. Trong các nội dung của ngày thi đấu đầu tiên 28-7, có hai VĐV điền kinh Palestine tham gia là Baha al-Farra ở cự ly 400 m nam và Woroud Sawalha ở cự ly 800 m nữ. Họ đã phải trải qua không ít gian khổ để có thể góp mặt trong ngày hội thể thao thế giới này.

HLV Majed Abumarahil của họ tâm sự: "Rất khó để tập luyện tại Palestine. Không có sân cũng như dụng cụ tập luyện. Môi trường hoàn toàn không thích hợp với bạo lực luôn có nguy cơ nổ ra ở mọi nơi." Hai VĐV điền kinh này thường phải đi tới các quốc gia Arập khác như Ai Cập, Qatar hay Jordan để luyện tập mà đi ra nước ngoài để tập luyện thì chi phí trang trải là một vấn đề lớn thực sự. HLV Abumarahil cũng kể lại những chặng đường khó khăn khi đi lại từ Dải Gaza đến Bờ Tây, hai lãnh thổ của Palestine bị Israel chia cắt và kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Cách thuận tiện hơn cả cho đoàn VĐV Palestine này là cùng ra nước ngoài tập luyện. Và HLV Abumarahil cũng không giấu giếm sự thỏa nguyện: "Với tôi, mục tiêu đã hoàn thành khi có mặt tại đây. Và khi chứng kiến tên tuổi các học trò bên cạnh những huyền thoại như Usain Bolt hay Asafa Powell, tôi cảm thấy hạnh phúc tột cùng.

Câu chuyện của VĐV Tahmina Kohistani, 23 tuổi gương mặt nữ duy nhất trong đội điền kinh Afghanistan tại Olympic London 2012 cũng có phần tương tự. Cô tâm sự: "Tôi biết để mơ được huy chương là rất khó khăn. Nhưng tôi có mặt ở đây để mở ra một con đường mới cho nữ giới ở Afghanistan. Tại quê hương, mỗi ngày khi tập luyện tôi đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Luôn có những người cản trở, chê bai tôi.

Trong xã hội Afghanistan, không có khái niệm thể thao cho phụ nữ. Thậm chí không nhà tài trợ nào để ý tới một nữ VĐV, mọi chi phí trang trải cho việc tập luyện và thi đấu đều do tôi tự xoay xở, gia đình tôi có một cửa hàng tạp hóa nhỏ, nguồn thu từ đây cũng giúp tôi phần nào có thể yên tâm tham gia tập luyện và thi đấu...". Mặc dù thừa nhận khó lọt vào được vòng chung kết cự ly 100m nhưng Kohistani cho rằng sự hiện diện của cô tại Olympic lần này là một giấc mơ đích thực: "Trở thành một nữ VĐV điền kinh Hồi giáo là quan trọng nhất đối với tôi. Tôi vinh dự khi được đại diện cho quốc gia. Dù ở đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, các vụ bạo lực vẫn diễn ra hàng ngày nhưng tôi muốn thể hiện rằng tinh thần thể thao vẫn luôn hiện diện, ở cả phụ nữ...".

Dũng Đông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục