Nhìn từ vụ Xuân Thành Sài Gòn bị trừ điểm: Tự bắn vào chân mình

15:19 Thứ tư 21/08/2013

Quyết định kỷ luật Xuân Thành Sài Gòn khá vội vàng và lỏng lẻo về mặt luận chứng đã đặt VFF, VPF vào tình thế mạo hiểm. Do vậy, chỉ với tuyên bố XTSG bỏ giải, bầu Thụy đã ép ngược trở lại khi bắt V.League làm “con tin”.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Ảnh: NAM HẢI

Chủ tịch VFF muốn CLB khiếu nại chứ đừng bỏ giải!

Điều vô cùng hài hước là ngay sau tuyên bố bỏ cuộc của anh em nhà bầu Thụy (Nguyễn Đức Thụy và Nguyễn Xuân Thủy) thì chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, đã vội vã đăng đàn phát biểu đại ý: “Có gì anh em bầu Thụy khiếu nại đi, để VFF giải quyết chứ đừng bỏ giải”. Phản ứng của người đứng đầu VFF là một minh chứng rất rõ ràng về tính bất cập, thiếu thuyết phục của quyết định “xử” XTSG mà Ban kỷ luật đưa ra.

Ở khía cạnh khác, sự phản pháo của XTSG trước quyết định kỷ luật đã cho thấy lỗ hổng ghê gớm trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và tổ chức giải đấu V.League cũng như giải hạng Nhất. Đó là các CLB tham dự giải đấu hoàn toàn không chứng minh và bị ràng buộc gì về tài chính, cũng như BTC giải không có một “hàng rào kỹ thuật tài chính” (nôm na là CLB phải đóng tiền thế chân để dự giải) nhằm bảo vệ giải đấu.

Chính sự lỏng lẻo này đã đặt V.League và giải hạng Nhất vào tình trạng bất an khi nhiều CLB xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng cầu thủ, HLV đầm đìa (CLB TPHCM, K.Kiên Giang, Navibank Sài Gòn, V.Ninh Bình...). Hoặc các ông chủ có tiền thích thì chơi, không thích hay hết tiền thì nghỉ ngang và phổ biến nữa là bắt V.League làm “con tin” bằng việc hù dọa bỏ giải.

Sự bất cập trong Quy chế, Điều lệ lẫn cách xử lý, giải quyết vấn đề của các nhà quản lý, điều hành BĐVN mới nảy sinh ra chuyện bi hài khi ông chủ tịch VFF xúi CLB khiếu nại chính VFF chứ đừng có bỏ giải.

Chống tiêu cực như thế nào cho đúng?

Biểu hiện tiêu cực trong bóng đá tồn tại ở bất kỳ giải đấu nào, từ vùng trũng Đông Nam Á cho đến các giải đấu đỉnh cao ở Anh, Pháp, Ý, Đức, TBN... Thế nhưng, để chống tiêu cực bắt buộc phải có chứng cứ rõ ràng từ cơ quan điều tra (cảnh sát) và sau đó được xét xử tại tòa án.

Trong số báo hôm qua, Thể Thao đã trình bày về việc việc phán xét, kỷ luật nghi án tiêu cực trong bóng đá cần phải có bằng chứng nhằm tránh 2 hậu quả: thứ nhất, tránh hệ lụy về pháp lý khi luận chứng không thuyết phục dẫn đến việc bị kiện ngược; thứ hai, xử lý đúng người, đúng tội và tránh gây thiệt hại cho tập thể hay cá nhân vô can bị liên lụy.

Trường hợp của XTSG, phải khách quan nhận rằng đội bóng này có rất nhiều trận đấu có biểu hiện “bất thường”, không chỉ ở mùa giải 2013 mà còn ở cả mùa giải 2012 (điển hình là trận thua 2-4 trước K.Khánh Hòa ở sân Nha Trang). Thế nhưng, cần phải hiểu giữa chuyện nghi ngờ với việc kỷ luật (trừ 4 điểm) là 2 việc rất khác nhau vì cơ sở pháp lý của quyết định.

Chống tiêu cực trong bóng đá là việc khó khăn nên muốn làm được phải có ý chí, quyết tâm của BTC giải với sự giúp đỡ của Cơ quan điều tra. Để phanh phui một nghi án, cần phải theo dõi, giám sát và thậm chí là “giăng bẫy” để thu thập chứng cứ như vụ tuyển U.23 Việt Nam bán độ ở SEA Games 23 (2005).

Thế nhưng, với BĐVN người ta lại chống tiêu cực theo kiểu “thời vụ” hoặc chỉ vì bị sức ép của truyền thông, dư luận mà thiếu cả công cụ pháp lý lẫn sự tỉnh táo để rồi đưa ra những quyết định thiếu thuyết phục, hở sườn như bản án dành cho XTSG.
Đăng Khoa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục