Hàng loạt ngôi sao đánh bóng ghế dự bị: Cuộc sống khắc nghiệt

18:59 Thứ tư 15/02/2012

Thanh Trung không đủ điều kiện ra sân đã đành, nhưng khi những ngôi sao cỡ bự như Việt Thắng, Vũ Phong (B.BD) hay Hải Lâm, Quốc Anh (SHB.ĐN)…, phải đánh bóng băng ghế dự bị kể cũng hơi lạ. Hết thảy đều là các cựu hoặc đương kim tuyển thủ QG và đang ở đỉnh cao phong độ.

Những lần Việt Thắng (trái) xuất hiện trong màu áo B.BD như thế này ở mùa bóng năm nay là rất hiếm hoi. Ảnh: VSI

Thuận thì sống…

Tập tốt, ghi bàn và chuyền thành bàn đều đặn, nhưng đến cuối tuần khi lên danh sách thi đấu, lại bị gạt ra ngoài. Không có một lời giải thích nào từ phía HLV trưởng. Đó là tình cảnh của tuyển thủ QG, Nguyễn Việt Thắng, trong màu áo B.BD. Hơn một lần Thắng đã chủ động gặp HLV Đặng Trần Chỉnh và hỏi thẳng: “Có điểm gì cần phải điều chỉnh trong cách chơi của cháu, chú cứ nói, để cháu cải thiện”, anh chỉ nhận được câu trả lời rất phũ: “Cháu là ngôi sao rồi, còn gì phải sửa nữa”.

Tình huống tương tự với Vũ Phong, ngôi sao và là công thần của bóng đá đất Thủ, trước và sau khi ông Chỉnh ngược lên Thủ Dầu Một lập nghiệp. Khi tiêu chí xây dựng chiến thuật của HLV họ Đặng luôn ưu tiên 3 mũi tên ngoại trên tuyến đầu (sơ đồ 4-3-3), không chỉ có Việt Thắng mà cả Vũ Phong cũng là sự thừa thãi. Không hiếm tình huống được tung vào sân (từ băng ghế dự bị), Phong được hiệu lệnh chơi bó vào trong. Tất nhiên, kỹ năng hay nhất của chuyên gia chạy cánh này bị triệt tiêu.

Ngược ra xứ Quảng-Đà, không nhiều người hiểu hết lý do tại sao HLV Lê Huỳnh Đức lại cất những cầu thủ có chất bậc nhất ở sân Chi Lăng là Quốc Anh và Hải Lâm (đó là chưa kể đến cựu đội trưởng Quang Cường) trên băng ghế dự bị. Cường vướng phải những vấn đề ngoài bóng đá, trong khi Quốc Anh nằm trong diện chính sách… xoay tua cầu thủ của Huỳnh Đức. Còn Hải Lâm, bắt đầu bằng việc anh đề bạt nguyện vọng được ra đi bất thành, để rồi từ dự bị đến lên… khán đài ngồi.

Nỗi ám ảnh mang tên bóng đá

Cùng với Như Thành, Huy Hoàng…, Hải Lâm nổi lên như một trong những trung vệ hay bậc nhất bóng đá Việt (hậu “thế hệ vàng”), trước và sau án tiêu cực SEA Games 2005. Mạnh mẽ trong tranh chấp, quyết đoán trong xử lý tình huống, khôn ngoan và chỉ huy hàng phòng ngự cực tốt, sân Chi Lăng vắt qua rất nhiều đời HLV nhưng Hải Lâm luôn là kép chính ở trung tâm hàng phòng ngự đội bóng bên bờ sông Hàn. Lâm là một cá tính và thật không may cho cầu thủ này khi đụng phải một cá tính khác là ông thầy của mình, HLV Lê Huỳnh Đức. Và thế…

Một câu chuyện bên lề, nhưng lại có thật khi một bộ phận các cầu thủ SHB.ĐN lúc này đang nuôi sở thích rất mới. Đó là mua vé số một cách đều đặn và hy vọng vận may sẽ mỉm cười. “Chỉ cần trúng tầm 10 tờ (10.000 đồng/tờ) giải độc đắc, trừ thuế đi rồi vẫn bỏ túi 10 tỷ đồng. Lúc ấy sẽ “say goodbye” bóng đá luôn”. Người Đà Nẵng không đùa! Từ các quán café vỉa hè đường Ngô Gia Tự, cạnh sân Chi Lăng trước và sau các buổi tập, đến những nẻo đường TP.HCM khi đội bóng xuôi Nam và chọn khách sạn Kỳ Hòa (Q.10) làm nơi đóng quân, cầu thủ SHB.ĐN mua rất nhiều vé số.

Khi niềm tin có thể làm giàu bằng nghề quần đùi áo số bị triệt tiêu, cầu thủ cũng chỉ là người phàm với giấc mơ con thế thôi. Phần đông những ngôi sao thất thế đều có chung một mong ước: được giải thoát. Nhưng nó cũng khó như bắc thang lên hỏi ông trời. Những Thanh Trung, Việt Thắng, Vũ Phong hay Hải Lâm…, là sự phí phạm cực lớn của các đội bóng mà họ khoác áo. Và ngoài ra, chính họ cũng đang tiêu hoang những ngày ngắn ngủi của sự nghiệp. Đúng là lợi bất cập hại mà.

Nhưng, trách ai, ai trách, bây giờ trách ai?!
Tùy Phong | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục