Ghi chép ở Kharkiv: Người Việt yêu Lốc cam

08:59 Chủ nhật 17/06/2012

ôi đến Làng Thời Đại, ngôi làng duy nhất của người Việt Nam trên đất Ukraine vào buổi sáng ngày ĐT Hà Lan gặp Đức. Chỉ có sự vắng lặng tồn tại. Bởi người Việt còn đang bận ra sân lùng vé xem ĐT Hà Lan thi đấu.

Cổng làng Thời Đại

Trên đất Ukraine, dấu ấn của người Việt không thiếu. Nhưng để có một ngôi làng khang trang, rộng rãi, lại được dùng tên tiếng Việt không phải chuyện đơn giản. Làng Thời Đại, ngôi nhà chung của khoảng 3.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Kharkiv, nơi ĐT Hà Lan thi đấu cả 3 trận vòng bảng, nằm trên một con phố khá rộng rãi, khác xa với những con đường gồ ghề, bụi bặm ở thành phố này.

Gọi là “làng”, nhưng diện mạo của Làng Thời Đại hoành tráng hơn hình dung ban đầu của tôi rất nhiều. Bước vào khuôn viên Làng (phải đi qua một chốt an ninh do vệ sĩ người Ukraine canh gác), ấn tượng đầu tiên của tôi là những chiếc xe sang. Dân Kharkiv khá chuộng loại xe Lada cổ lỗ từ thời Liên Xô, trong khi người Việt ở Làng Thời Đại chịu chơi hơn rất nhiều với dòng Mazda, Camry, Honda… đỗ kín trong bãi gửi xe. Trong làng toàn bộ đều là người Việt. Chỉ lác đác vài bóng người Ukraine làm bảo vệ hoặc trông trẻ. Thật tự hào khi cũng có nơi dân ta được làm chủ người bản địa.

Tác giả đứng trước bức tượng Thánh Gióng trong Làng Thời Đại

Đứng sừng sững giữa khuôn viên của Làng Thời Đại, là bức tượng Thánh Gióng. Cạnh đó là một sân khấu, mà trước đó được trưng dụng để tổ chức Tết Thiếu nhi 1/6, và vào dịp EURO, dĩ nhiên là nơi để người Làng cùng thưởng ngoạn bóng đá.

Tất nhiên, sân khấu đó chỉ dành cho những người không mua được vé vào sân thôi. Còn Kiều bào của chúng ta “máu” bóng đá vô cùng. Đặc biệt ở Kharkiv, thành phố tổ chức cả 3 trận vòng bảng của ĐT Hà Lan, cơn lốc màu Da cam vô tình có thêm được một lực lượng fan vô cùng đông đảo đến từ dải đất hình chữ S.

“Cháu là phóng viên đến từ Việt Nam à? Cháu có cách nào mua giúp vé trận Hà Lan - Đức cho cô không?”, cô Lan, một tiểu thương ở chợ Barabashova (khu chợ lớn nhất Đông Âu) hỏi tôi sau khi tiu nghỉu đi ra từ quầy vé. Cô đến sân Metalist từ 9h sáng, nhưng hết không còn vé. Khi tôi buộc phải từ chối vì chẳng có cách nào giúp cô mua được vé cô Lan đáp: “Không sao, cô sẽ chờ ở đây cho đến sát giờ thi đấu, kiểu gì cũng mua được vé từ phe (giá phải từ 1.200 đến 1.500 hryvnia, khoảng gần 4 triệu đồng)”. Đứng ở Metalist gần một tiếng, tôi gặp cả chục trường hợp như cô Lan. “Bận quá, vừa tan ‘Ốp tôm’ (chợ đêm, một phiên chợ đặc biệt ở Barabashova) nên bây giờ bọn chú mới chạy ra mua vé Hà Lan được”, chú Hùng, một fan Việt yêu Hà Lan khác than phiền với tôi.

Tình yêu mà người Việt ở Kharkiv dành cho ĐT Hà Lan ngày càng khiến tôi ấn tượng. Trong trận Hà Lan gặp Đan Mạch trước đó, đi một vòng SVĐ Metalist trong giờ thi đấu, tôi gặp cả trăm fan Việt mặc áo Da cam, hò hét, cổ vũ như thể họ là những người Hà Lan đích thực.

BÊN LỀ:

- Trong Làng Thời đại, có một bảng thông báo bằng tiếng Việt rất đúng chất Việt Nam. Trên bảng ghi nội quy, các hoạt động trong tuần…

- Ở gần SVĐ Metalist xuất hiện một bảng Menu bằng tiếng Anh hiếm hoi tại Kharkiv. Các menu ở Ukraine hầu hết đều bằng tiếng Ukraine, trong khi phần đông người dân nước này lại dùng tiếng Nga.

- Ra các sông, hồ ngâm mình trong nước là cách người dân Ukraine chọn để chống lại cái nắng gắt kéo dài nhiều ngày. Chỉ có điều, nước hồ dường như không được vệ sinh cho lắm.

- Có một điều khá thú vị là 70% người lái các phương tiện công cộng ở Ukraine (tàu điện, xe điện, xe bus) lại là phụ nữ.

Thạch Long | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục