Cựu thủ môn Lutz Pfannenstiel: Gã du mục bóng đá chiến thắng cả ngục tù và thần chết

09:19 Thứ tư 03/10/2012

Lutz Pfannenstiel không đơn thuần là một cầu thủ. Anh từng chơi 400 trận cho 25 đội bóng khác nhau thuộc 6 lục địa của thế giới. Trên hành trình lập kỷ lục về xê dịch trong thế giới bóng đá ấy, Lutz từng làm DJ ở Malaysia, tham gia hoạt động băng đảng ở London, ngồi tù ở Singapore và từng bị cồn đồ... đánh gần chết ở Nam Phi. Giờ đây, ở tuổi 39, gã du mục người Đức vẫn chưa chịu dừng chân, bởi phía trước anh còn một lục địa cần phải chinh phục: Nam Cực.

Thủ môn của thế giới

Lutz Pfannenstiel sinh năm 1973 tại Bavaria, Đức. Hoài bão lớn trong cuộc đời của Lutz không phải là những danh hiệu ở Đức, châu Âu hay thế giới. Đơn giản, chàng trai xứ Bavaria này chỉ mơ một lần trong đời được thi đấu ở sân đấu huyền thoại chật kín người Maracana ở Brazil.

Lutz khởi nghiệp ở đội bóng xứ Bavaria, Bad Koetzting và được đánh giá là một tài năng đầy hứa hẹn của bóng đá Đức, chẳng thế mà anh từng được gọi vào các ĐT U15, U16 và U17 của Đức. Năm 18 tuổi, Lutz lọt vào tầm ngắm của Bayern Munich.

Tự cổ chí kim, với những cầu thủ trẻ ở Đức, lời đề nghị của Bayern chính là cơ hội, là bước ngoặt trong sự nghiệp của họ. Nhưng rất bất ngờ, Lutz lại từ chối lời đề nghị của "gã khổng lồ" xứ Bavaria để rồi sau đó sang tận Malaysia đầu quân cho đội bóng vô danh Penang FA.

Người thân và bạn bè cho rằng, Lutz là một gã gàn dở, nhưng chàng thủ môn này có lý lẽ của riêng mình: "Tôi không muốn đến Bayern để chấp nhận thân phận dự bị, dù thời điểm đó tôi vẫn còn quá trẻ. Mặt khác, tôi đã chán ở Bavaria, tôi muốn khám phá thế giới bằng bóng đá. Phía Penang đưa ra mức lương 5.000 USD/tháng cùng một chiếc xe hơi, với tôi như thế là chấp nhận được".

Từ Đức đến Malaysia, Lutz bắt đầu cuộc đời xê dịch của mình trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đội bóng mà chàng thủ môn người Bavaria này gắn bó lâu nhất là Otago United cũng chỉ 3 năm (2004-2006). Sở dĩ Lutz không thể ở quá lâu với một đội bóng cụ thể vì đời tư của anh rất phức tạp. Mặt khác, chẳng đội bóng nào có thể "trói chân" một gã tôn thờ chủ nghĩa xê dịch như Lutz.

Năm 2007, Lutz đầu quân cho đội bóng nổi tiếng tại giải Nhà nghề Mỹ, Vancouver Whitecaps. Nhưng khi vừa thi đấu được 4 trận cho Whitecaps, Lutz đã "nhảy tót" sang Brazil gia nhập đội bóng hạng Ba, Hermann Aichinger chỉ để thực hiện giấc mơ từ thời thơ ấu của anh: được thi đấu ở sân Maracana.

Sau khi hoàn thành giấc mơ Maracana, Lutz tiếp tục hành trình xê dịch của mình tới Na Uy rồi treo găng ở châu Phi trong màu áo Ramblers (Namibia) năm 2009, kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, sau 400 trận đấu ở 25 CLB trên 6 lục địa của thế giới.

"Thăng hoa" và "thăng thiên"

Một năm thi đấu ở Malaysia cho Penang (1993-1994), Lutz không để lại được ấn tượng đặc biệt nào. Nhưng anh vẫn nổi đình nổi đám nhờ tài DJ trong các hộp đêm ở Kuala Lumper. Tâm sự trên tạp chí FourFourTwo, thủ thành người Đức hào hứng tiết lộ, anh từng làm phát cuồng 40.000 người hâm mộ trong một đêm biểu diễn thăng hoa tại Kuala Lumper.

Nhưng bóng đá không chỉ cho Lutz những khoảnh khắc ngọt ngào, mà cuộc đời phiêu bạt nay đây mai đó còn đẩy anh vào những bi kịch cùng cực.

Năm 1994, Lutz được HLV Joe Kinnear của Wimbledon thu nạp. Nhưng tại Wimbledon, Lutz không thường xuyên được trọng dụng. Trong thời gian "nhàn cư vi bất thiện" này, Lutz ngập chìm trong những "trận say đến chết" với 2 đồng đội Gary Blissett và Mick Harford, thậm chí anh còn giao du với những tay gangster khét tiếng ở London nên bị Wimbledon đẩy sang Nottingham Forest năm 1995.

Một năm sau, Lutz đến Johannesburg, Nam Phi đầu quân cho Orlando Pirates theo bản hợp đồng cho mượn. Ở thành phố này, dù được cảnh báo "nguy hiểm" nhưng Lutz vẫn giao du với các phần tử cộm cán và hậu quả là anh đã bị một băng đảng ở Johannesburg đánh gục trên trên đương phố và được đưa đến bệnh viện trong trạng thái tim đã ngừng đập.

Năm 2002, khi trở lại Anh thi đấu cho Bradford Park Avenue, Lutz lại nhập viện, sau pha va chạm với tiền đạo Clayton Donaldson khiến anh dập phổi. Lutz thổ lộ: "Tim tôi đã 2 lần ngừng đập trong khoảng 3 phút, chỉ có phép nhiệm màu của Chúa mới giúp tôi sống lại sau trận đòn của bọn du côn ở Nam Phi và cú va chạm với Clayton".

Tâm sự với báo giới Đức, Lutz cho biết: "Tôi không thể gắn bó với một đội bóng nào đủ lâu để mua một căn nhà. Bạn bè tôi thường nói đùa rằng, thay vì nghĩ đến một ngôi nhà, tôi nên dành tiền mua một chiếc xe bus"

101 ngày chiến đấu trong nhà tù

Trên hành trình xê dịch không biết mệt mỏi của mình, Lutz từng "2 lần đặt chân xuống địa ngục trong 3 phút", nhưng với Lutz, địa ngục kinh hoàng nhất mà anh từng chứng kiến lại nằm ở trần gian, đó là nhà tù Queenstown ở Singapore.

Nhưng vì sao Lutz lại lầm lạc vào chốn lao tù? Tháng 8/2000, khi còn thi đấu cho Geylang United ở đảo quốc Sư tử, Lutz vô tình quen một người đàn ông ở trạm bơm xăng mà không hề hay biết rằng, đó là đối tượng chuyên tổ chức, móc nối dàn xếp tỉ số bất hợp pháp.

Sau đó, người đàn ông lạ thường tiếp cận Lutz rồi gạ gẫm anh vào đường dây, nhưng Lutz cương quyết từ chối. Tuy nhiên, khi hắn hỏi về những trận đấu sắp tới, Lutz chỉ hồn nhiên trả lời: "Geylang là một tập thể mạnh, chúng tôi sẽ chiến thắng".

Thời điểm đó, cảnh sát Singapore mở chiến dịch truy quét tội phạm bóng đá và... Lutz sa lưới. Không có luật sư biện hộ, Lutz cương quyết không nhận tội. Nhưng rồi, Lutz buộc phải nhận bừa lấy vài tội dàn xếp, sau khi bị đánh vỡ hốc mắt, dập 10 đầu ngón tay và bị lột trần truồng trong buồn giam lạnh. Thế là xong, tòa tuyên án Lutz Pfannenstiel 101 ngày tù giam.

Tại nhà tù Queenstown, Lutz bị tống vào buồng trọng phạm, nơi giam giữ toàn những thành phần cộm cán lĩnh án vì giết người và hiếp dâm. Và "lễ nhập buồng" của Lutz được các "đại bàng" thực hiện trang trọng bằng một... trận đòn thừa sống thiếu chết.

Ăn đòn liên tục, nhưng kinh hoàng hơn, Lutz thổ lộ trên FourFourTwo: "Tôi bị giam chung với những kẻ giết người và hiếp dâm. Chúng đã đánh tôi hằng ngày và còn cố... hiếp tôi. Nhưng sau 2 tuần trong khám, một bạn tù tốt bụng nói với tôi rằng, ở đây muốn tồn tại bạn phải chiến đấu. Tôi tỉnh ngộ từ đó và bẻ gãy tay bất cứ tên nào dám đụng vào tôi".

Tháng 4/2011, Lutz được tự do sau 101 ngày sống và chiến đấu như một "đại bàng" trong nhà ngục khét tiếng Queenstown. Tự do, anh tiếp tục tìm kiếm đội bóng mới, dù giảm mất 16kg.

Global United và lục địa thứ 7

Từ giã sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp năm 2009, nhưng Lutz - một gã "giang hồ ham chơi" không từ bỏ bóng đá mà tiếp tục nay đây mai đó làm công tác huấn luyện ở Cuba, Na Uy, Namibia. Đến năm 2011, Lutz tìm được một công việc phù hợp với sở thích xê dịch của mình, ấy là làm chuyên gia "săn đầu người" cho đội bóng Bundesliga, Hoffenheim.

Không chỉ tất bật với công việc mới ở Hoffenheim, Lutz còn bận rộn với đội bóng do anh thành lập ra, Global United. Mục đích của Global United là tổ chức những trận đấu để gây quỹ từ thiện và truyền bá nhận thức của con người về biến đổi khí hậu nên Lutz nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những cựu danh thủ nổi tiếng như Zinedine Zidane, Lothar Matthaeus, Pavel Nedved, Aldair, Cafu, Luis Chilavert, Ole Gunnar Solskjaer...

Từ khi thành lập năm 2010, Global United đã tổ chức được những trận đấu nổi tiếng ở Đức, Namibia, Thụy Sỹ và Mỹ. Đặc biệt, Lutz cùng các cựu danh thủ trong đội bóng Global United còn thực hiện trận đấu ở Pakistan nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân của trận lũ lụt lịch sử ở quốc gia này.

Trong năm 2012 này, Lutz còn đặt ra một mục tiêu nữa để chinh phục, đó là Nam Cực - lục địa thứ 7 của thế giới. Lutz tâm sự: "Tôi muốn tổ chức một trận đấu chuyên nghiệp ở Nam Cực trong năm 2012 này, tôi sẽ hoàn thành được mục tiêu đến lục địa thứ bảy bằng mọi giá, khi đó chẳng ai trên thế giới có thể san bằng được kỷ lục chơi bóng của tôi". Vậy sau Nam Cực, gã du mục của bóng đá thế giới có chịu dừng chân?

Văn Hòe | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục