Cầu thủ đồng tính: Nên kín hay lộ?

13:37 Chủ nhật 30/09/2012

Chuyện giới tính thứ ba xuất hiện trong làng túc cầu thế giới không phải điều quá mới mẻ. Nhưng đến giờ này thế giới bóng đá vẫn như một tòa lâu đài trung cổ, những định kiến về giới cầu thủ đồng tính vẫn chưa được chấp nhận, trái đất vẫn hình vuông. Huấn luyện viên người Brazil, Luiz Felipe Scolari, từng tuyên bố “có thể anh uống rượu be bét, có thể anh đã đánh đập vợ con, chuyện ấy ít nhiều còn chấp nhận được. Nhưng nếu một cầu thủ nào đó tuyên bố mình là gay thì có nghĩa anh ta sẽ không có mặt trong đội hình của tôi”.

Chớ dại như Justin Fashanu?

Tính đến nay, Justin Fashanu là cầu thủ duy nhất trong làng bóng đá chuyên nghiệp công khai chuyện mình đồng tính. Fashanu không phải cái tên hạng xoàng bởi anh từng được coi như một tài năng tầm cỡ khi khoác áo những đội nổi tiếng ở Anh trong những năm 1980 như Nottingham Forest hay Norwich.

Song bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Fashanu xảy đến chỉ vì tuyên bố bản thân là người đồng tính làm ngỡ ngàng dư luận. Bắt đầu từ đây, tấn bi kịch xảy đến với Fashanu. Trong mắt những đồng nghiệp tại Forest và khán giả, đó không còn là chàng trai được họ yêu mến. Ngược lại, luôn xuất hiện những ánh mắt kỳ thị hướng về Fashanu. Một quyết định còn hơn cả sự can đảm lại là nguyên nhân dẫn đến bi kịch cuộc đời của Fashanu. Chịu sự khinh rẻ và ruồng bỏ ở mọi nơi, Justin tìm đến cái chết vào năm 1998.

Justin Fashanu tìm tới cái chết vì bị phân biệt đối xử- Ảnh Getty

Bài học Justin Fashanu để lại như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những cầu thủ giới tính thứ ba. Người ta từng nghĩ cầu thủ người Anh sẽ nhận được sự cảm thông cho quyết định dám bước ra ánh sáng đối mặt với dư luận. Nhưng ngờ đâu, kết cục của Fashanu lại trở thành nỗi ám ảnh cho những ai đang tính thách thức dư luận với tuyên bố: Tôi là “gay”.

Tranh cãi bất tận

Theo tinh thần thể thao, đồng tính không hề được quy vào bất kỳ hạng mục cấm nào. Còn khi xét về yếu tố nhân văn, các cầu thủ thuộc giới tính thứ ba cũng là con người, tất có quyền được lựa chọn môn thể thao ưa thích. Vì vậy, trong một nỗ lực chống lại sự kỳ thị và giành lấy sự công bằng cho những người đồng tính, một liên đoàn bóng đá đồng tính thế giới (IGLFA) thậm chí đã được thành lập vào năm 1992. Qua từng năm tháng, tổ chức này ngày một lớn mạnh và tính đến nay đã có 80 đội tuyển đến từ hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới trở thành thành viên. Đi kèm đó, IGLFA cũng cho ra đời hàng loạt giải đấu bóng đá đồng tính quy mô thế giới.

Riêng tại Anh, Liên đoàn bóng đá nước này FA cũng thực hiện dự án có tên gọi So What? (Thì sao?) để bảo vệ những người đồng tính nhằm giúp các cầu thủ trút bỏ gánh nặng của sự mặc cảm để hòa nhập cùng môi trường bóng đá theo một cách bình đẳng như các cầu thủ khác. Chương trình này được áp dụng phổ biến trên khắp nước Anh để tất cả những cầu thủ thuộc giới tính thứ ba đều có cơ hội nhận được sự bảo vệ. Song song đó, FA tuyên bố sẽ phạt nặng bất kỳ cá nhân nào có bị phát hiện hành vi kỳ thị người đồng tính. Điển hình, tiền đạo Federico Macheda đã bị FA phạt 15.000 bảng vì miệt thị người đồng tính trên Twitter. Ngoài chân sút của Manchester United, hai cầu thủ khác là Nile Ranger (Newcastle) và Manny Smith (Walsall) cũng bị phạt lần lượt 6.000 bảng và 1.200 bảng vì những lời bình không hay về người đồng tính trên mạng xã hội Twitter. Trước đây, tiền vệ Ravel Morrison (West Ham) đã phải nộp 7.000 bảng vì lỗi tương tự.

ILGFA tổ chức các giải đấu mang tính quốc tế cho những đội bóng đồng tính- Ảnh Getty

Thế giới đã và đang tạo ra một vòng tròn bảo vệ những người đồng tính. Ở góc độ khách quan, đây là một điều rất đáng trân trọng. Song chừng ấy hành động liệu có che khuất được sự kỳ thị từ phần đông dư luận? Trên tất cả, vinh quang bóng đá tạo ra có thể lớn hơn bất kỳ bộ môn nào mang đến. Đôi khi, chỉ một khoảnh khắc lóe sáng có thể thay đổi cuộc đời một cầu thủ. Mới ngày trước, anh ta hãy còn lụi cụi trong những khu ổ chuột, đá bóng trên đường phố hay chạy vặt. Nhưng đã tiến vào mội trường chuyên nghiệp, ánh hào quang có thể ghé thăm bất kỳ lúc nào không hay. Lẽ thường, mấy ai từ bỏ được một cuộc sống xa hoa để đổi lấy sự khinh bỉ, ruồng bỏ như trường hợp của Justin Fashanu.

Khía cạnh tâm lý là thế nhưng thực tế lúc nào trong thế giới bóng đá đầy mạnh mẽ và nam tính luôn có những phần tử chống đối người đồng tính. Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ Ý, cựu danh thủ Damiano Tommasi, đã có những phát biểu khá cứng rắn về giới tính cầu thủ trong môn bóng đá. Theo cựu tiền vệ của AS Roma, những cầu thủ đồng tính thì không nên ra sân. “Đồng tính trong bóng đá là điều cấm kỵ và tôi không ủng hộ chuyện này. Trong thế giới bóng đá, đôi khi chuyện giới tính lại ảnh hưởng tới sự tập trung của các cầu thủ”, Tommasi nói.

Đồng quan điểm, cựu huấn luyện viên tuyển Ý Marcello Lippi cho biết ông sẽ không gọi cầu thủ lên tuyển nếu họ công khai có quan hệ đồng tính luyến ái. “Ở hoàn cảnh hiện tại, sự có mặt của một cầu thủ đồng tính trong đội hình là không phù hợp chút nào”, Lippi nói. “Đối với xã hội thì đó là chuyện bình thường nhưng trong bóng đá, điều đó rất khó được các cổ động viên chấp nhận”.

Bóng đá thế giới có thể chấp nhận với người đồng tính. Nhưng để tạo ra một sự gắn kết giữa họ và các cầu thủ còn lại không phải chuyện một sớm một chiều. Cựu hậu vệ Chelsea, Graeme Le Saux, cho rằng để dư luận có cái nhìn tích cực hơn về người đồng tính, hãy bắt đầu từ phòng thay đồ. Bản thân Le Saux, người đã có vợ, suốt 20 năm qua cũng bị nghi ngờ giới tính không rõ ràng và nhận những sự đối xử bất công. “Ai cũng có vẻ gì đó xa lánh tôi, cô lập tôi. Thật sự tôi không phải là dân đồng tính mà còn bị kỳ thị chỉ vì tin đồn. Thử hỏi những cầu thủ đồng tính công khai sẽ bị ức chế tâm lý như thế nào trong phòng thay đồ đội bóng?” Le Saux bức xúc.

Huỳnh Ngọc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục