Bóng gỗ Hà Nội “tay không bắt huy chương”

08:27 Thứ bảy 06/12/2014

Chưa đầy một tuần sau khi tham dự Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á 2014, thầy trò CLB Bóng gỗ Hà Nội lại miệt mài luyện tập. Thành tích 1 HCV, 3 HCĐ tại Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á dường như đã tiếp thêm động lực cho họ. Cách đây gần 6 năm, ít ai nghĩ rằng, CLB có thể phát triển như hiện nay.

Từ không thành có

Ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là lúc nguyên Phó Giám đốc Sở TDTT Hà Nội cũ Hà Khả Luân dồn hết tâm huyết cho một thách thức mới trong nghiệp thể thao của mình. Người ta đã biết nhiều đến một ông Hà Khả Luân khi có công phát triển nhiều môn thể thao mới lạ tại Hà Nội, Việt Nam như cầu mây, bowling, bi sắt. Thành công nhất trong sự nghiệp của ông có lẽ là việc phát triển thành công môn cầu mây - môn thể thao đang mang về nhiều vinh quang cho thể thao Việt Nam ở đủ các cấp độ giải. Từ những ngày ông tập hợp một số VĐV đá cầu để luyện cầu mây ngay trong ngõ nhà mình trên đường Nguyễn Thái Học, đến việc thầy trò cứ phải vá chằng vá đụp mấy quả cầu mây được tặng ở nước ngoài rồi đến khi cầu mây lên ngôi vô địch ở ASIAD năm 2006… tất cả đều mang dấu ấn của ông. Nhưng khi phát triển những môn trên thì ông còn đương chức, có điều kiện để tham mưu tới lãnh đạo thể thao các tỉnh, thành khác, nhiều việc trong tầm tay, ông có thể "quyết" ngay. Cũng nhờ vậy mà việc ông gây dựng nhiều bộ môn ở Hà Nội rồi phát triển ở cả các tỉnh, thành khác cũng có những thuận lợi riêng. Đến lúc phát triển môn bóng gỗ, ông đã nghỉ hưu nên cũng có những khó khăn riêng. Nhưng khó thì vẫn phải làm.

Đoàn thể thao bóng gỗ Việt Nam dự Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á tháng 11 - 2014 tổ chức tại Thái Lan.

Việc đầu tiên là gây dựng lực lượng. Vào khoảng năm 2008 đầu 2009, được lãnh đạo Sở VH-TT& DL Hà Nội tạo điều kiện, ông đến từng bộ môn để xin quân. Cứ những VĐV không phát triển được ở môn đó thì được mời sang tập luyện ở bộ môn bóng gỗ. Ở trong nghề đã lâu nên ông Hà Khả Luân hiểu rằng ở một môn mới như bóng gỗ, dạy cho một VĐV chưa từng theo tập thể thao chuyên nghiệp sẽ vất vả và lâu đạt thành tích hơn so với những VĐV đã từng tập chuyên nghiệp. Vì vậy, trước mắt chỉ có thể trông vào nguồn VĐV này. Cách làm này đã phát huy hiệu qua, nhiều VĐV không phát triển được ở các bộ môn khác lại là cánh chim đầu đàn ở đội bóng gỗ, như Nguyễn Huyền Trang, VĐV nữ số 1 hiện nay ở Việt Nam. Cô gái này từng theo tập cử tạ 4 năm nhưng chưa một lần "qua biên giới" thi đấu. Làng nhàng ở môn cử tạ là thế nhưng sang bóng gỗ lại tìm được chính mình, giành đủ cả huy chương châu lục, thế giới và mới rồi là HCV đồng đội, HCĐ cá nhân tại Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á.

Đến bây giờ, VĐV bóng gỗ Hà Nội đã đại diện Việt Nam tham dự nhiều giải vô địch châu lục, thế giới và mới đây nhất là Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á. Nhiều giải đấu trước đây, kinh phí tham dự đều do xã hội hóa hoặc các thành viên tự túc. Chỉ đến lúc có "danh phận" rồi thì các thành viên trong đội mới bớt lo khoản kinh phí dự giải quốc tế. Bóng gỗ cũng chính thức là bộ môn được Hà Nội đầu tư, phát triển. Với 3 tuyến đào tạo, thi đấu gồm 30 VĐV, CLB đã có nền móng khá tốt để vươn rộng.

Ước mơ mở rộng phong trào

Đến lúc này, ông Hà Khả Luân vẫn luôn đau đáu ước mơ mở rộng phong trào bóng gỗ. Theo ông, môn chơi này phù hợp với mọi lứa tuổi, rất dễ nắm bắt cách chơi, kỹ thuật chơi không quá phức tạp. Riêng khoản kinh phí tập luyện cũng không quá lớn. Một cây gậy chơi bóng gỗ có giá từ 120 USD đến 150 USD, miếng cao su ở đầu gậy có giá khoảng 30 USD, một quả bóng khoảng 10 USD. Với người chơi nghiệp dư thì phải một năm mới thay bóng và miếng cao su nơi đầu gậy một lần còn cây gậy thì phải rất lâu mới hỏng. Từng ấy tiền chia cho cả năm thì một ngày chơi bóng cũng không mất là bao. Không kể, môn này chơi được trên mọi địa hình, không gian. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 10 CLB bóng gỗ. Ông Hà Khả Luân hy vọng thành tích tại Đại hội Thể thao bãi biển vừa qua cũng như cơ hội thi đấu, giành huy chương tại Đại hội Thể thao bãi biển năm 2016 do Việt Nam đăng cai sẽ thúc đẩy bộ môn này phát triển.

Bóng gỗ được một tay golf người Đài Loan (Trung Quốc) là Ming Hui Weng phát minh vào năm 1990 nhằm tạo ra một môn thể thao gần giống như golf nhưng có chi phí rẻ hơn để nhiều người có thể tham gia luyện tập. Hiện tại, bóng gỗ đã phát triển ở hơn 40 quốc gia, vùng, lãnh thổ với hệ thống Liên đoàn thế giới, Liên đoàn Châu Á và mới đây là Liên đoàn Đông Nam Á. Tại Hà Nội, CLB Bóng gỗ được thành lập năm 2009 với 22 thành viên ban đầu.
Minh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục