Bóng Đá Việt Nam vẫn trong giai đoạn giao thời

16:08 Thứ ba 22/07/2014

(TinTheThao.com.vn) - Giao Thời là tên một bộ phim Việt Nam lấy bối cảnh nước ta sau giai đoạn bao cấp, Nhà nước bắt đầu công cuộc chính sách mở cửa về kinh tế. Trong hoàn cảnh thay đổi lớn như vậy, xã hội có nhiều biến chuyển và tác động đến cuộc sống của mọi người. Có nhiều cơ hội mở ra, đời sống đi lên, tuy nhiên không phải ai cũng có đủ bản lĩnh và lý trí để có thể vượt qua những cám dỗ của một cuộc sống hiện đại mới.

Tính đến nay, bóng đá Việt Nam đã có 14 năm đi lên chuyên nghiệp kể từ mùa bóng 2000 – 2001. 14 năm không phải quá dài nhưng cũng chẳng phải là ngắn để hoàn thiện một giải đấu bóng đá. Nhưng sau 14 năm nhìn lại, Giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam đã làm được gì, hay có chăng chỉ là những hỗn độn, rối bời và chuyên nghiệp kiểu nông dân.

Chuyên nghiệp không phải là tờ khẩu hiệu hay tấm băng rôn khi treo lên là đã có chuyên nghiệp. Đó càng không phải là bài phát biểu hàng chục tờ A4 rồi sau đó chẳng để lại chút dư âm nào. Chuyên nghiệp cũng không phải là kiểu cổ động, hưởng ứng trong một thời điểm nào đó rồi dẹp kèn bỏ trống quay về với lối hành xử xóm làng.

Cầu thủ Đồng Nai bán độ lại làm xám đi bộ mặt bóng đá Việt Nam.

Chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại từ “chuyên nghiệp” trong hơn 10 năm qua nhưng lại thiếu sự giáo dục, tuyên truyền để có được sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp không phải là thứ mà tự có. Đó phải là cả một quá trình được đào tạo, nhận thức lâu dài. CĐV chuyên nghiệp là cổ vũ theo tinh thần thể thao, không cay cú, không đập phá, không tràn xuống sân, không ẩu đả ….Một cầu thủ chuyên nghiệp phải biết chơi hết mình theo tinh thần thể thao, tuân thủ và tôn trọng mọi quyết định trọng tài, có lối sống lành mạnh và là tấm gương tốt. Bộ máy quản lý chuyên nghiệp phải đưa ra được những quy định chặt chẽ, phù hợp với hoàn cảnh bóng đá nước nhà, xử lý minh bạch, dứt khoát…

Nhưng trong 14 năm qua, bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp đến mức độ nào. Không ít cảnh khán giả hai đội đánh nhau, tràn xuống sân đuổi đánh trọng tài, đốt pháo sáng, đập phá khán đài, ném vô số chai lọ, vật lạ xuống sân… Tất cả làm mất đi vẻ đẹp của của một môn thể thao mang tính đại chúng như bóng đá. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện tại, rất dễ dàng để chúng ta tiếp nhận thông tin từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng biết chắt lọc thông tin, tiếp nhận những cái hay cái tốt và đủ bản lĩnh để sống tốt, sống lành mạnh khi đời sống vật chất được nâng lên rất nhiều.

Cầu thủ nổi tiếng của chúng ta bây giờ cũng như những ngôi sao quốc tế cũng đi xe sang, có cuộc sống xa hoa giàu có. Nhưng cái thiếu của các CLB là chỉ chăm chăm đào tạo chuyên môn mà để rồi quên mất việc đào tạo nhân cách con người. Từ đó mới có chuyện tuyển thủ Quốc gia sẵn sàng bán độ, bán đi màu cờ sắc áo của mình. Và khi hình ảnh Quốc gia còn bị bán thì quyền lợi CLB còn có ý nghĩa gì nữa. Sau vụ việc tại CLB Ninh Bình, giờ lại tới Đồng Nai. Có lẽ người hâm mộ Việt Nam chẳng còn thấy đau xót cho những tiêu cực thế này nữa, đơn giản vì người ta đã quá đau, quá chán nản rồi. Một nền bóng đá cứ loay hoay mãi chưa lên được số 1 tại vùng trũng như Đông Nam Á mà cứ đầy rẫy những chuyện đau lòng như thế thì tương lai sẽ đi đâu về đâu.

Từ những vụ việc đau lòng như thế lại phải quay ra hỏi về vai trò của những cấp quản lý. Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã làm được những gì trong suốt 14 năm quá. Đó đều là những người được xem là có tài có tâm muốn phát triển bóng đá nước nhà, nhưng sau hơn 10 năm, chính họ đã bôi nhọ chữ “chuyên nghiệp” mà họ đã viết đã, đã tự xé rách mấy chục trang quy chế, quy định do chính họ biên soạn nên. Chuyên nghiệp mà lại để một ông chủ sở hữu hai CLB cùng chơi ở một bậc đấu, khiến cho khán giả nghi ngờ có sự thi đấu không lành mạnh; chuyên nghiệp nhưng khi xử lý CLB Sài Gòn Xuân Thành lại không khiến người ta tâm phục khẩu phục; chuyên nghiệp mà khi Xuân Thành bỏ giải lại lúng túng vì không biết xử lý việc lên xuống hạng ra sao; chuyên nghiệp mà thành lập ra cái gọi là Super League rồi bỏ đi sau ….5 vòng đấu.

Cầu thủ Đồng Nai bán độ lại làm xám đi bộ mặt bóng đá Việt Nam. Trong 14 năm qua, chúng ta có đủ điều kiện để tiếp thu và học hỏi những điều tốt đẹp của những nền bóng đá tiên tiến trên thế giới nhưng những gì mà chúng ta học được là quá ít ỏi trong khi đại bộ phận cầu thủ Việt Nam bị cuống vào lối sống hiện đại khi bóng đá là một ngành công nghiệp, ngành thương mại hái ra tiền, hào nhoáng nhưng cũng nhiều cám dỗ. Trong thời đại giao thời, chúng ta có nhiều thêm cơ hội nhưng cũng dễ đánh mất chính bản thân mình. Và sau 14 năm, bóng đá Việt Nam vẫn loay hoay trong sự thay đổi mãnh liệt của xã hội và thế giới.

Hoàng Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục