Bóng đá Việt & cơn ác mộng bạo lực (Kỳ 4): Điểm mặt những gã "đồ tể" của bóng đá Việt

11:44 Thứ sáu 10/02/2012

Tác nhân không nhỏ gây nên làn sóng bạo lực chính là những cái tên mà khi nói đến nhiều cầu thủ đã phải rùng mình với cách chơi bóng của họ. Gần như mục tiêu của những gã "đồ tể" ấy không ngoài gì khác là chặt chém và đưa đối thủ ra sân bằng băng ca chấn thương... Họ là những ai?

Cho tới giờ, nếu như hỏi các ngoại binh ở Việt Nam "sợ ai nhất mỗi khi đối đầu" chắc chắn phần đông sẽ không chọn Như Thành, Phước Tứ hay bất cứ ai khác mà phải là Huy Hoàng (SLNA).

Cái tên Hoàng "lác" hay Hoàng "Cẩn" gần như đã là thương hiệu khiến cho cả tiền đạo Tây lẫn ta khiếp đảm mỗi khi đối đầu. Ngoài chuyên môn tốt còn bởi ở chỗ trung vệ của SLNA sẵn sàng "chặt chém" bất cứ ai nếu cần thiết.

Pha bóng lao như tên lửa, bằng cả hai chân đối với Samson như ở trận đấu gần đây nhất của Huy Hoàng chẳng phải hiếm gặp mỗi khi chứng kiến trung vệ rất tài hoa của BĐVN này thi đấu.

Không ai giựt ngôi quán quân nổi với Huy Hoàng về khả năng chơi rắn có tiếng

Gần như không phải nghĩ, và không tiếc chân mỗi khi tranh chấp với đối thủ. Nhiều người đã bảo rằng, cả trận đấu có lẽ quá nửa thời gian trung vệ người xứ Nghệ bay trên không, tức tung người đá vào đầu hay ngực đối thủ.

Phần còn lại cũng chẳng kém phần nguy hiểm khi Huy Hoàng luôn biết quét trụ, hoặc rình rập từ phía sau và lao cả hai chân vào đối thủ mà không cần biết hậu quả gì sẽ xảy ra cho mình hay đối phương.

Độ gần chục năm trở lại đây, kể từ lúc bắt đầu chơi bóng đỉnh cao thực thụ có lẽ chẳng thể đếm được bao nhiêu "nạn nhân" của Huy Hoàng. Chấn thương nặng, nhẹ đều có hoặc chí ít là bầm tím mỗi khi đối đầu với trung vệ đang khoác áo SLNA.

Đã có đôi lần, lối chơi rắn quá mức cần thiết, thậm chí là rất "tàn bạo" ấy khiến nhiều tiền đạo cả ngoại lẫn nội đều phải thoả hiệp với trung vệ này mỗi khi đối đầu là đủ hiểu "tầm" của Hoàng "lác" là thế nào...

Nhưng có một thực tế rất khác, Huy Hoàng nếu xét trên bình diện thẻ phạt lại không phải là "vua nhận thẻ", nói như thế không có nghĩa cựu tuyển thủ này vào bóng hợp lệ, mà đơn giản cái bóng và uy của trung vệ người xứ Nghệ là khá lớn đối với các vị vua sân cỏ, nhất là mỗi khi được chơi ở Vinh.

Chẳng thể sánh được với Huy Hoàng về chuyên môn, nhưng ở mức độ khốc liệt hay đá láo có lẽ Chí Công (Bình Dương) cũng không kém người chơi cùng vị trí của mình là bao nhiêu.

Chí Công giành vị trí á quân

Song phi lao vào đối thủ, nhảy lên tranh chấp bóng bổng nhưng cùi trỏ sẵn sàng đưa thẳng vào mặt đối thủ hoặc những pha lao ra "cắt kéo" của Công "Tây" cũng khiến rất nhiều ngoại binh, hoặc nội binh non kinh nghiệm ngán hẳn.

Tính sơ sơ, kể từ khi về khoác áo Bình Dương mùa nào cũng thế nếu như không nhận non chục thẻ vào, và một vài thẻ đỏ vì những lỗi nguy hiểm như thế có lẽ là thất bại đối với cựu trung vệ của đội hạng nhất Cần Thơ.

Đá láo, và thường mất kiểm soát hành vi khiến Công "Tây" luôn là cái gai trong mắt người hâm mộ đối phương. Cũng từ lý do này, đã có lần trung vệ từng lên ĐTQG phải ăn dao của một nhóm côn đồ nào đó, mà nghe đâu đến từ Thanh Hoá, chỉ không lâu sau trận đấu với đội bóng xứ Thanh ở mùa bóng trước.

Thương hiệu "máy chém" ở BĐVN đương nhiên cũng khó có thể thoát khỏi tay Sakda (HA.GL). Cũng giống như trung vệ của Bình Dương, cầu thủ người Thái cũng là nguyên nhân gây khá nhiều rắc rối trên sân với những pha vào bóng khốc liệt không thua gì một võ sỹ Muay Thái.

Gần chục năm chơi bóng ở Việt Nam, tiền vệ đánh chặn này của HA.GL thừa hiểu mánh khoé và ngón nghề xấu của đồng nghiệp rồi phát triển lên thành thương hiệu riêng của mình.

Có lẽ, kể từ khi Quốc Vượng dính vào vòng lao lý, gần như các tiền vệ đang chơi ở Việt Nam chẳng có ai khiến cầu thủ nhập tịch này ngán ngại như khi còn có Vượng "cơ" nữa.

Thể hình nhỏ, nhưng khá chắc và lối chơi quyết liệt quá mức cũng như sự tinh quái của Sakda khiến cho nhiều cầu thủ đối phương phải ngán ngẩm mỗi khi có dịp đối đầu với HA.GL.

Và đương nhiên, thẻ phạt tính sơ sơ sau nhiều mùa chơi ở Việt Nam của Sakda cũng chẳng kém bất cứ trung vệ chơi rắn và đá xấu nào, kể cả so với những cái tên đình đám Chí Công hay Huy Hoàng.

Timothy đá hàng tấn công nhưng về mức độ chơi "bạo lực" thì nhiều hậu vệ phải kiêng nể...

Theo lẽ thường, tiền đạo vốn là những người hay phải chịu cảnh "chặt chém" triệt hạ nhất, thế nhưng với Timothy thì lại khác. Tiền đạo đang khoác áo CLB BĐ Hà Nội đang là nhà vô địch của đội nhà về thẻ phạt và nghỉ nhiều.

Cứ tưởng tượng, mùa bóng trước tiền đạo người Nigeria nhận tới 4 thẻ đỏ và cơ số không nhỏ thẻ vàng thì đủ để khiến không những Huy Hoàng, Chí Công hay bất cứ ai phải sợ mà có khi trên thế giới cũng ít người làm được như thế.

Càng kinh hoàng hơn khi 3/4 thẻ đỏ ấy là những thẻ trực tiếp và được rút ra sau những pha giật trỏ, chuồi bóng... cực kỳ nguy hiểm của tiền đạo chuyên môn rất khá này.

Nhiều trung vệ đang chơi bóng ở Việt Nam đã từng bảo, nếu gặp Timothy một là tránh va chạm hai là chịu khó khiêu khích vài lần kiểu gì cũng được ăn đòn, còn đối thủ sẽ mất người đủ để hiểu cơn điên của tiền đạo của CLB BĐ Hà Nội có "máu điên" ra sao.

Bóng đá Việt không chỉ có những gã "đồ tể" như đã kể mà còn rất nhiều, có chăng chỉ kém đôi chút về danh tiếng cũng như mới nổi và chưa gây nhiều ấn tượng bằng các đàn anh mà thôi.

Có thể kể tới giàn máy chém rất khủng và rất trẻ tới từ đội bóng xứ Nghệ như Hoàng Văn Bình, Âu Văn Hoàn, Đình Đồng và thậm chí là Trọng Hoàng... số má cũng đang lên rất nhanh với các pha bóng đầy bạo lực của mình.

Rồi còn đó là Aniekan, là Sunday...đều là những máy chém chất lượng cao cả. Và chính sự nở rộ như nấm sau mưa của những cầu thủ có lối chơi chặt chém ấy đã khiến các giải đấu của BĐVN luôn ở trong tình thế đầy nguy hiểm, đầy bạo lực như vậy.

Và dù giải đấu diễn ra như thế, nhưng rất đáng buồn mọi chuyện trong mắt BTC giải chỉ là con kiến không hơn. Cứ thế, đôi khi nhiều người cứ tưởng rằng trên các sân cỏ của BĐVN không phải để thi đấu bóng đá mà là sàn đấu võ đối kháng...
Tuệ Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục