Bóng đá Italia: “Số 10” nay đã khác

14:47 Thứ hai 08/10/2012

“Số 10” từng một thời là chiếc áo thiêng liêng trong làng bóng Italia vì chỉ được dành cho những cầu thủ có tài năng và sáng tạo nhất trong đội. Thế nhưng giờ đây, chiếc áo huyền thoại ấy đang mất dần ý nghĩa diệu kỳ của nó.

Giờ đây, bóng đá Italia không còn những cầu thủ mặc áo “số 10” đúng nghĩa như Roberto Baggio ngày nào

Lịch sử đã khẳng định giá trị của “số 10” thông qua sự thể hiện của những cầu thủ nay đã trở thành huyền thoại, như Gianni Rivera, Giancarlo Antognoni, Michel Platini, Roberto Mancini, Giuseppe Giannini, Roberto Baggio, Totti và Alessandro Del Piero... Họ được xem như những ngôi sao có đẳng cấp thế giới nhờ vào tài năng thiên phú cùng những chiến công hiển hách.

Người tôn thờ, kẻ thì không

Cũng vì lý do này, Serie A đang có 3 CLB đã từ chối sử dụng chiếc áo “số 10”, gồm Juventus, Napoli và Cagliari. Trong lúc Napoli quyết định không để cầu thủ nào khác đeo áo “số 10” nhằm tôn vinh Diego Maradona thì Juventus chưa trao chiếc áo đặc biệt này cho ai do không có cầu thủ nào đủ tự tin để kế thừa Del Piero.

Thật ra thì trước đó, ban lãnh đạo và ban huấn luyện Juventus từng có ý định trao chiếc áo “số 10” cho Claudio Marchisio. Tuy nhiên, tiền vệ này đã không nhận. Marchisio giải thích: “Tôi rất nhớ Del Piero, nhưng tôi sẽ không mặc chiếc áo “số 10” của anh ấy. Hồi còn trẻ, tôi từng khao khát được mặc chiếc áo này lúc tôi đang chơi ở vị trí tiền đạo. Thế nhưng bây giờ, tôi là một tiền vệ trung tâm. Tôi không phải mẫu cầu thủ như Platini, Baggio hoặc Del Piero. Tôi không phải mẫu cầu thủ có thể một mình quyết định số phận trận đấu. Vì thế, tôi không xứng đáng với chiếc áo ấy”.

Thế nhưng, Serie A đã có những người không còn tôn thờ ý nghĩa của chiếc áo “số 10” như Marchisio. Vì thế mới có chuyện tranh chấp tại Genoa, khi Merkel và Cristobal Jorquera đều muốn được đeo “số 10”, buộc ban lãnh đạo phải tổ chức “đấu giá mù” để giải quyết (mỗi cầu thủ viết số tiền đề nghị vào lá phiếu, rồi ban lãnh đạo mở ra để xem ai ra giá cao hơn). Dù số tiền ấy được sử dụng làm từ thiện và Merkel được đánh giá là mẫu cầu thủ nhiều triển vọng, nhưng cuộc đấu giá tại Genoa rõ ràng đã gây thất vọng cho những người hoài cổ của bóng đá Italia vì tiền vệ này không được xem là mẫu “số 10” đích thực.

Những nguyên nhân dẫn tới thay đổi

Tuy nhiên, chướng mắt nhất có lẽ phải là sự kiện thủ môn Cristiano Lupatelli (Fiorentina) từng đòi được đeo áo “số 10” lúc còn chơi cho Chievo. Bất ngờ hơn nữa là ban lãnh đạo Chievo đã chấp thuận yêu cầu ấy. Sau đó, Lupatelli giải thích: “Giá trị của những số áo trong bóng đá đã thay đổi. “Số 10” đã không còn mang ý nghĩa đặc biệt như lúc trước.”

Thật ra, Lupatelli không phải là không có lý. Hiện nay, chiếc áo “số 10” không còn nguyên vẹn giá trị thiêng liêng trên sân cỏ Italia một phần là do từ thập niên 90 của thế kỷ trước - khi các đội bắt đầu chủ trương giữ nguyên số áo cho từng cầu thủ, một số ngôi sao xứng đáng được đeo áo “số 10” đã phải chọn số áo khác. Một trong những trường hợp điển hình là Antonio Cassano: tài năng số 1 của bóng đá Italia trong thế hệ của anh từng phải đeo áo số 99 trong một thời gian dài.

Một nguyên nhân quan trọng khác liên quan tới cuộc cách mạng chiến thuật của Serie A đã triệt tiêu dần vai trò của các tiền vệ kiến tạo (trequartisti). Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cướp mất của Serie A những ngôi sao có khả năng tỏa sáng với chiếc áo “số 10” và để lại cho bóng đá Italia những kẻ thế vai không phù hợp.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là ở AC Milan, nơi Zlatan Ibrahimovic từng được xem là người kế thừa chiếc áo “số 10” của Clarence Seedorf. Thế nhưng, do tiền đạo người Thụy Điển bị đem bán cho PSG trong mùa hè vừa qua, Milan đã phải vá víu bằng Kevin-Prince Boateng. Anh là một tiền vệ giỏi, nhưng thuộc loại công thủ 50-50 hơn là những “số 10” đậm chất nghệ sĩ như Sneijder hoặc Totti.

Thế nhưng, so với những “số 10” khác hiện nay như Maxi Lopez và Gilardino - những tiền đạo thuần túy, Boateng vẫn còn có thể được xem là chọn lựa thích hợp hơn. Bản thân một vài “số 10” cũng cảm thấy gượng gạo khi nhận chiếc áo đặc biệt này, như Gilardino chẳng hạn. Anh giải thích: “Tôi tới Bologna là để ghi bàn chứ không phải để kiến tạo cơ hội. Vì thế, tôi phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy hơi kỳ cục khi phải đeo chiếc áo “số 10”, nhưng tại Bologna, đây là một trong những số áo chưa có chủ”.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục