Bóng chuyền Việt Nam “rớt giá” thê thảm

08:12 Thứ hai 22/07/2013

Phần nào vẫn duy trì được vị thế môn thể thao được coi là số 2 tại Việt Nam sau bóng đá, nhưng so với chính mình, bóng chuyền đã và đang mất giá: Sụt giảm đến phân nửa về đầu tư, tài trợ, thậm chí một số đối tác đã “tháo chạy”.

Cẩm Tú, bóng chuyền nữ VN

Từ việc bỗng dưng lên đỉnh...

Có thể coi năm 2013 là tròn 10 năm một giai đoạn “lên hương” thần kỳ của bóng chuyền Việt Nam. Trước đó, dù có truyền thống, tiềm năng, sở hữu sức hấp dẫn riêng, song đây cũng chỉ là một môn... rất thường, không chỉ kém xa bóng đá nam mà còn thua cả quần vợt hay cầu lông. Vậy mà môn này bất ngờ vụt sáng trong đời sống thể thao, trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị, với một cú “hích” lịch sử vào năm 2004: Giải quốc tế nữ do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, phát sóng vào giờ vàng trên VTV3.

Cộng hưởng một số yếu tố khác, các trận đấu có ĐTVN với những gương mặt trẻ xinh tươi, chơi bóng đầy khí thế đã tạo nên một cơn sốt bóng chuyền cả nước. Cao điểm, có những lúc hàng triệu khán giả theo dõi màn trình diễn của những Kim Huệ, Diệu Châu, Bùi Huệ, Phạm Yến...

Cũng kể từ đó, cả bộ môn bóng chuyền bỗng dưng... lột xác hoàn toàn, với sự quan tâm yêu mến đặc biệt mà có gì đó rất khó lý giải. Riêng ĐTQG nữ có những năm nhận được hàng trăm lời mời của các doanh nghiệp, địa phương về giao lưu để giúp người hâm mộ thỏa nguyện. Chuyến thăm và thi đấu giao hữu của đội đến từ Công ty Than Cửa Ông (Quảng Ninh) còn bị tắc đường 20km, do người dân tràn ra đón xe. Việc đi xem các giải bóng chuyền, ngoài sự đam mê, còn đến mức gần như “mốt”.

Khi đó, bóng chuyền Việt Nam gần như chẳng làm gì cũng đã được các doanh nghiệp đổ xô vào, vì họ hiểu không có “kênh” nào quảng bá hiệu quả hơn bóng chuyền, nhất là khi ấy, bóng đá nam đang lao đao với vụ dàn xếp, mua bán tỷ số tại SEA Games 2005. Từ chỗ thiếu thốn trầm trọng, kinh phí hoạt động của các đội bóng tăng vọt nhờ nguồn tài trợ, như đội nữ Thái Bình còn sở hữu tới 2 nhà tài trợ. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn mua và nuôi luôn một đội bóng của riêng mình. Từ chỗ chỉ có duy nhất giải VĐQG, môn này còn có thêm 3-4 giải. Việc cho phép thuê dùng cầu thủ ngoại lại càng khiến bóng chuyền trở nên “hot” hơn bao giờ hết.

... Đến giải tán, trả đội bóng, cắt tài trợ

Cách đây vài năm, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về việc bóng chuyền Việt Nam sẽ phải trả giá vì phát triển không thực chất, vững chắc, phần nào đó rất “ảo” khi dựa cả vào sự “lên hương” mang tính thời thế. Và thực tế, nó đã đến sớm, đặc biệt 2 năm trở lại đây, khi kinh tế khó khăn.

Đã xuất hiện đủ các kiểu, giải tán hay trả đội bóng, rồi cắt tài trợ. Tính đến thời điểm này, đã có 2 đội bóng bị giải tán mà mới đây nhất chính là một đội bóng nam thuộc nhóm hàng đầu, từng được kỳ vọng như một thế lực mới của bóng chuyền Việt Nam.

Hàng loạt đội như: Nữ Quảng Ninh, nam - nữ Hà Nội, nam Long An bị doanh nghiệp trả về đơn vị chủ quản cũ là ngành thể thao, và sau đó đều rơi vào cảnh sống dở chết dở. Đơn cử nữ Quảng Ninh, hay nam - nữ Hà Nội đã trải qua lên xuống hạng tới vài lần. Còn chuyện cắt, giảm tài trợ đã trở thành rất bình thường.

Theo ước tính từ 24 đội bóng chuyền nam nữ tại giải VĐQG, số kinh phí đầu tư tài trợ ở mùa giải này đã tụt giảm tới quá nửa so với hồi đỉnh cao 2005-2007. Lần đầu tiên xảy ra hiện tượng nợ lương thưởng ở một số đội, trong khi các mảng khác cũng bị cắt giảm tối đa kinh phí.

Riêng Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, trước đây luôn rủng rỉnh với khoản kinh phí hoạt động mỗi năm trên dưới 15 tỷ đồng, thì nay đã phải thắt lưng buộc bụng với mức 5-6 tỷ đồng. Dự báo, sau Đại hội khóa mới được hoãn tới cuối năm vì chưa tìm được nhân sự chủ chốt, chắc chắn bóng chuyền Việt Nam còn gian nan hơn nữa với những biến động từ thượng tầng.

Xuyến Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục