Bóng chuyền Việt Nam: Hỏng giống mô hình bóng đá

09:50 Thứ tư 12/03/2014

Các ông chủ rút lui, đội bóng giải thể khiến giải quốc gia điêu đứng, HLV VĐV khốn đốn. Bóng chuyền Việt Nam buộc phải đưa ra những thay đổi

Bóng chuyền Việt Nam cần những định hướng tốt để phát triển qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: KL.

Ở cả cấp đội tuyển và CLB, bóng chuyền Việt Nam nhiều năm qua đang đi xuống rõ rệt. Trong năm 2013, bóng chuyền Việt Nam có những thay đổi, nhằm nâng chất các giải đấu trong hệ thống quốc gia. Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) hy vọng thay đổi sẽ tạo ra cú đột phá, nhưng kết quả thế nào vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Sau 9 mùa, bắt đầu từ năm 2013, các giải nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia sẽ không sử dụng ngoại binh. Đây là quyết định được VFV bàn bạc, lấy ý kiến và tiến hành làm quen ngay trong năm 2011 (rút từ hai xuống còn một ngoại binh mỗi đội). Theo Tổng thư ký VFV Trần Đức Phấn việc hạn chế ngoại binh không nằm ngoài mục đích giúp các VĐV trẻ có cơ hội được thi đấu nhiều hơn, giúp các đội giảm bớt kinh phí. Quy định này của VFV đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những đội bóng nghèo, quanh năm chỉ lo trụ hạng. Những đội bóng này gặp thiệt thòi lớn, khi không có kinh phí thuê ngoại binh “xịn”, nên an phận “chiếu dưới” suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, với những đội chủ yếu dựa vào hơi thở ngoại binh như Ninh Bình, Đức Long Gia Lai, Khánh Hòa... quy định của VFV thực sự khiến họ bị hẫng. Những đội này khẳng định ngay cả khi trong đội có nhiều ngoại binh, nhưng công tác đào tạo trẻ vẫn làm tốt. Chưa biết chất lượng đào tạo trẻ sẽ tăng ra sao, nhưng việc thiếu vắng những tay đập nước ngoài khiến các giải bóng chuyền trong nước mất đi sự hấp dẫn và khán giả cũng giảm đi.

Trong khi V-League đang tìm mọi cách để tăng số đội lên 14 thì bóng chuyền lại làm ngược, lập lộ trình giảm từ 12 xuống 8 đội. So với quy định cấm ngoại binh, việc cắt giảm số đội nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn và người hâm mộ. Thực tế, bản đồ bóng chuyền Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn về trình độ. 12 đội tại giải quốc gia chia làm 3 top. Top một và hai đã có sự chênh lệch lớn về trình độ và khoảng cách của hai top này với top 3 còn xa hơn nữa. Chính vì thế, nhiều trận đấu có chất lượng chuyên môn rất thấp, tẻ nhạt, kết quả sớm an bài, nên tiêu cực cũng từ đó mà ra. Ông Phấn nhấn mạnh: “Việc có quá nhiều đội chỉ ở mức trung bình khiến chất lượng giải đấu bị ảnh hưởng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến khán giả đang ngày càng quay lưng với bóng chuyền. Ngoài ra, giải được tổ chức thành nhiều vòng, ngắt quãng rồi việc chia bảng chưa hợp lý khiến những đội 5-6 năm chưa gặp nhau lần nào”.

Nếu giảm số đội dự giải quốc gia còn 8, VFV sẽ tổ chức cho các đội thi đấu vòng tròn hai lượt tính điểm, để đảm bảo sự công bằng, sòng phẳng. Ngay trong mùa giải 2014 này, giải quốc gia sẽ tổ chức liên tục trong tháng 7, có sự tham dự của 12 CLB nam và 12 CLB nữ.

Nguyên nhân của những thay đổi quyết liệt chính là sự sụp đổ của mô hình xã hội hóa. Ngành thể thao nói chung và VFV nói riêng từng “mát mày mát mặt” với mô hình xã hội hóa ở CLB bóng chuyền Dầu khí. Các HLV, VĐV được nhận mức lương cao hơn hẳn với mặt bằng chung của thể thao Việt Nam. Những nhà quản lý thể thao kỳ vọng rất nhiều vào sự nhân rộng ở môn bóng chuyền.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 4 năm thành lập, đội bóng ngành Dầu khí giải thể, đẩy nhiều HLV, VĐV ra đường, khiến giấc mơ hồng của VFV tan biến như bong bóng xà phòng. Mới đây, một đội bóng ngành dầu khí là Vietsovpetro cũng tuyên bố giải thể, khiến hàng chục VĐV bơ vơ. Sau Vietsovpetro, CLB Bia Sài Gòn - Thái Bình Dương tiếp tục bỏ cuộc chơi vì ông chủ ông còn mặn mà với bóng chuyền. Bóng chuyền Việt Nam đang đi xuống và những thay đổi là cần thiết. Người hâm mộ hy vọng các nhà lãnh đạo có tầm nhìn để đưa ra hướng đi mới chứ không phải các giải pháp chữa cháy.

Phương Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục