Ai dạy cầu thủ từ chối bán độ?

15:30 Thứ ba 22/07/2014

Hôm qua 21.7, các cầu thủ Đồng Nai đã thừa nhận rằng họ đã “bán” trận gặp Than Quảng Ninh với giá 400 triệu đồng. Lại một cái tát nữa cho người theo dõi bóng đá Việt Nam – họ đã nhận nhiều cái tát đến mức không thể kể hết ra trong khuôn khổ bài báo này. Có cái tát nổi tiếng đến mức lên mặt báo nước ngoài.

Và nếu bóng đá là tấm gương thì nó đang phản chiếu khía cạnh gì của xã hội Việt Nam đây?

Chúng ta đã nói quá nhiều về một xã hội thiếu minh bạch trong đó người lừa dối người. Trách nhau khi đã lỡ làng thật dễ. Nhưng tại sao lại tạo ra những con người như thế thì ít khi ta nhìn kỹ lại. Những cậu bé rời nhà để vào “lò” bóng đá từ thuở còn chưa tự buộc được dây giày, chỉ ăn rồi tập bóng đá, môn thể thao dạy con người ta sự vững vàng và cao thượng, tại sao lại kết thúc tuổi trẻ trong đồn công an, và có thể là sau song sắt?

Các cầu thủ Đồng Nai đã “bán” trận gặp Than Quảng Ninh với giá 400 triệu đồng.

Hãy nhìn vào những mô hình mà chúng ta đang học tập. Theo một điều tra của Hiệp hội các CLB chuyên nghiệp châu Âu (ECA) năm 2012, thì có 54,3% số thành viên của họ có chuyên gia tâm lý chuyên phụ trách cầu thủ trẻ; 55,3% có nhân viên tư vấn xã hội thường trực; 56,4% có chương trình dạy kỹ năng sống trong học viện đào tạo trẻ.

Những thứ ấy thì liên quan gì đến bóng đá? Thì đây, hãy thử đọc giá trị cốt lõi trong giáo dục của một học viện nổi tiếng, Arsenal: “Trọng tâm của chương trình giáo dục tại Arsenal là ngôn ngữ, kỹ năng sống (tài chính, truyền thông, thái độ xã hội) và các chủ đề khoa học thể thao”.

Hoặc hãy nghe nhà vô địch thế giới Bastian Schweinsteiger nói về cách anh được dạy bóng đá: “Bayern dạy chúng tôi luôn muốn chiến thắng trên sân cỏ. Nhưng Bayern Munich còn dạy cầu thủ trẻ cách tổ chức cuộc sống của họ từ rất sớm”.

À thì ra là ở trong các học viện bóng đá nổi tiếng nhất thế giới người ta không chỉ dạy bóng đá. Cho dù đó là một mô hình kinh doanh chứ không phải dịch vụ công ích, họ bỏ vốn hàng triệu euro mỗi năm vào các học viện ấy với mục tiêu tạo ra cầu thủ ngôi sao, nhưng họ vẫn hướng tới việc đào tạo ra những con người trước tiên.

Kỹ năng sống, theo WHO, là “năng lực thích ứng và hành xử tích cực giúp cho mỗi cá nhân đương đầu hiệu quả với đòi hỏi và thách thức của cuộc sống”.

Khi mà một tên tội phạm đến đặt lên bàn vài chục triệu bạc và bảo một chàng trai lý lịch không tỳ vết rằng, mày cũng trở thành tội phạm đi, rồi chàng trai đó cũng gật đầu, ra sân ngây ngô đóng vai một tên tội phạm, thì đó chính là không thể “hành xử tích cực”, không thể “đương đầu với thách thức cuộc sống”. Họ không có kỹ năng sống.

Việc quá chú trọng vào đào tạo kiến thức mà quên đi việc đào tạo kỹ năng sống và tạo ra những con người tích cực, không chỉ tồn tại trong bóng đá, mà là vấn đề của cả hệ thống giáo dục.

Ở Arsenal hóa ra là người ta còn dạy cầu thủ trẻ cách quản lý đồng tiền. Không biết bao nhiêu người trưởng thành nước ta ước rằng mình đã từng được học thứ ấy trong nhà trường.

Nếu như kết quả của hệ thống giáo dục được đo lường bằng việc chúng ta có một thế hệ ai cũng biết khảo sát hàm số bậc ba nhưng không thể “hành xử tích cực trước những thách thức của cuộc sống” thì chỉ cần đến một kẻ biết làm tính cộng là có thể đánh bại được họ.

Và tất nhiên là không chỉ có các cầu thủ bóng đá mới “bán” một cái gì đó thiêng liêng.
Đức Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục