AFF Cup quan trọng lắm chứ

10:25 Thứ tư 28/11/2012

Nếu lướt qua bản tin về AFF Cup 2012 của các hãng thông tấn lớn như AFP, Reuters thì đâu là đội tuyển nhận được sự quan tâm nhiều nhất? Đó là nhà đương kim vô địch Malaysia? – Chưa chắc. Đấy là Thái Lan, từng thống trị bóng đá khu vực suốt hơn một thập kỷ, lại đang được dẫn dắt bởi huấn luyện viên khá nổi tiếng là ông Wilfried Schaefer? – Không hẳn. Câu trả lời là đội tuyển... Myanmar.

Một CĐV cuồng nhiệt của tuyển Indonesia. Ảnh: Reuters

Thực tế, với một giải bóng đá khu vực mà tất cả các thành viên đều nằm ngoài top 100 thế giới, thì không hy vọng nó nhận được sự quan tâm của các hãng tin lớn. Hơn nữa, đây có lẽ là giải đấu duy nhất ở cấp độ đội tuyển quốc gia lại gắn tên nhà tài trợ, nghĩa là nó không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA. Trong bối cảnh đó, những yếu tố ngoài bóng đá đương nhiên sẽ được chú ý nhiều hơn. Mà vào thời điểm hiện tại, Myanmar đang là một trong những tâm điểm của thế giới sau tiến trình cải cách dân chủ ở đất nước này, với điểm nhấn là chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới đây chỉ ít ngày sau khi tái đắc cử.

Trong một bài phóng sự đặc biệt về đội tuyển Myanmar trước giải đấu, hãng tin AFP đã nhắc lại quá khứ hào hùng của bóng đá nước này những năm 1960 – 1970, khi họ hai lần giành huy chương đồng Asian Games, năm lần liên tiếp vô địch Đông Nam Á, á quân Asian Cup 1968 và được dự Olympic Munich 1972, nơi họ đoạt giải fair-play. Và giờ, khi Myanmar đang trên đà hội nhập với thế giới bên ngoài sau bốn thập kỷ khép kín, người ta hy vọng bóng đá nước này có thể tìm lại hào quang khi xưa. Và trên hết, các cầu thủ bóng đá chính là những sứ giả cho một Myanmar dân chủ.

Như thế, có vẻ như chủ đề bóng đá đã được lái sang những vấn đề khác, đương nhiên to tát và mang ý nghĩa hơn nhiều so với một giải đấu cấp khu vực. Những gì diễn ra ở Bangkok trong những ngày qua cũng là một minh chứng cho việc bóng đá chỉ bị xếp vào hàng thứ yếu. Bởi trong ngày mà đội tuyển đồng chủ nhà ra sân gặp Philippines, thì cũng là ngày diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong 16 tháng kể từ ngày nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên nắm quyền. Những diễn biến trên chính trường Thái Lan ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm, manh áo hay những quyền lợi cơ bản của người dân nước này. Do đó, việc nó được quan tâm hơn gấp bội so với việc 22 cầu thủ tranh nhau một quả bóng tròn là điều hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, nói vậy cũng có phần thiếu công bằng cho bóng đá, bởi môn thể thao này vẫn được coi là một liều thuốc tinh thần có thể giúp cả một dân tộc tạm quên đi những lo toan thường ngày, hay những bất ổn của đời sống xã hội. Chẳng hạn, nếu đội tuyển Thái Lan giành được chức vô địch, thì nó không chỉ giúp họ giành lại vị thế hàng đầu khu vực sau hai giải liên tiếp bị soán ngôi, mà đó còn giúp chữa lành những vết thương, hay sự chia rẽ giữa “áo đỏ”, “áo vàng”.

Hay một ví dụ khác, hình ảnh cờ đỏ sao vàng đỏ rực trên các đường phố Việt Nam sau mỗi chiến thắng trước Lào hay Campuchia trước đây, từng được cho là nỗi thèm muốn của các quốc gia khác. Đằng sau mỗi chiến thắng, dù tầm vóc là rất khiêm tốn, song lại là bài học lớn về tinh thần dân tộc.

Thế nên, bất chấp việc AFF Cup vẫn bị dè bỉu là sân chơi “ao làng” thì xét ở một khía cạnh nào đó, nó vẫn xứng đáng nhận được sự quan tâm của cả Đông Nam Á. Và cũng bởi nếu không có nó thì các đội bóng ở đây biết dự giải gì, khi mà tất cả đều bị loại sớm khỏi các vòng loại của những giải đấu quan trọng như World Cup hay Asian Cup.

Gia Hân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục