Sức mạnh của truyền thông

07:55 Thứ ba 28/07/2015

Nhân việc CLB Man City (Anh) sang Việt Nam du đấu, chúng ta cũng biết được thêm nhiều điều đấy là đội bóng có được sức hấp dẫn hay không không chỉ nằm ở cái tên của họ mà còn từ cách làm truyền thông.

Ảnh: Minh Hoàng.

1. Không thể so sánh CLB Man City với CLB Arsenal ai mạnh hơn ai. Nhưng có cảm nhận dễ thấy, tác động từ truyền thông khi Man City đến với Việt Nam lần này không mạnh mẽ như khi Arsenal ghé chân Hà Nội cách đây 2 năm. Ở đây hoàn toàn nằm ở phương tiện truyền thông phương Tây. Đặc biệt từ xứ sở sương mù.

Còn nhớ, khi đội bóng Arsenal sang thì những hình ảnh rồi clip hình và các hoạt động của họ được tờ báo uy tín Dailymail đưa không sót chi tiết nào. Lúc đó, khi những cầu thủ này có mặt ở Việt Nam, một đội ngũ phóng viên đi theo họ để đưa thông tin tới từ nhiều tờ báo nước ngoài khá hùng hậu. Mặc nhiên, người ta hiểu rằng, đấy cũng là một hình thức Arsenal quảng bá họ tới người Việt Nam và quảng bá mình ra thế giới từ chuyến du đấu. Thành công hình ảnh ấy là rõ rệt và đặc biệt với thương hiệu “running man” Vũ Xuân Tiến còn được tới SVĐ Emirates (Anh) giao lưu với khán giả xứ sương mù.

Lần này, Man City tới Việt Nam cũng được đại bộ phận người hâm mộ họ đón chào nhiệt tình. Thế nhưng, dường như những phóng viên báo chí nước ngoài đi theo Man “xanh” rất ít ỏi. Gần như, đội ngũ đi cùng chiếm đa số là những nhân viên truyền thông nội bộ hoạt động cho kênh MCTV để ghi hình, làm hình ảnh cho đội bóng. Thông tin Man City tới Việt Nam không phải không có trên báo giới quốc tế. Nhưng, số lượng chắc chắn đã kém rầm rộ như 2 năm trước mà Arsenal được săn đón.

Đơn cử, tờ Dailymail thông tin về cuộc du đấu Việt Nam của Man “xanh” rất ít và như thể sự kiện diễn ra…trong bí mật. Khi trò chuyện với đội ngũ kênh MCTV đi cùng đội bóng, thành viên của kênh này cho biết “chúng tôi có mục tiêu quan trọng là ghi lại hình ảnh của đội bóng ở tất cả những điểm đã qua. Hình ảnh CĐV cuồng nhiệt chính là sức tác động lớn nhất với những người được theo dõi. Như thế, đội bóng có thêm động lực tinh thần để phát triển các chương trình khác ngoài bóng đá. Tại Anh cũng như nhiều quốc gia khác, một đội bóng được báo chí viết thông tin về mình luôn tạo hiệu ứng rất cao.”

2. Từ việc bố trí con người của MCTV đi cùng đội bóng để ghi hình ảnh làm thương hiệu, chúng ta thấy rằng, đội tuyển Việt Nam từ lâu vẫn thiếu đội ngũ làm như vậy. Cách đây 2 năm, CLB Arsenal cũng cử đội hình của Arsenal TV đi cùng ghi hình. Bóng đá Việt Nam trong nhiều giải đấu không có bất kỳ ai làm điều ấy.

Khi thời đại đã bước vào kỷ nguyên công nghệ số và diễn đàn mạng cực kỳ sôi động thì chính những hình ảnh chính thống được ghi lại là phương tiện quảng bá cực hiệu quả. Với thể thao Việt Nam nói chung cũng vậy, chúng ta có một kỳ SEA Games 28-2015 thành công vừa qua (hay trước đây là những lần dự Olympic, Asian Games, SEA Games khác) nhưng chưa một lần, người làm quản lý nhận thấy cần có đội ngũ riêng đi ghi lại hình ảnh rồi quảng bá trên các phương tiện internet.

Nhìn cách nữ phóng viên của MCTV không ngại đứng giữa cả rừng cánh tay CĐV đội bóng này tại Việt Nam trên SVĐ Mỹ Đình trong buổi tối vào xem tập mở là thấy, họ tác nghiệp ghi lại hình ảnh vô cùng quý giá cho CLB của mình. Tiếc rằng, thể thao Việt Nam lại thực hiện chưa tốt dù có phương tiện và có cả con người. Tới đây, thể thao Việt Nam sẽ kỷ niệm 70 năm ngày ra đời. Chắc chắn, tư liệu của ngành có nhưng phần lớn lưu lại lại lấy từ những phóng viên cựu trào. Trong khi, bản thân ngành thể thao đã có thể tự làm, ghi lại hình ảnh làm tư liệu lưu trữ cực quý giá và hiệu quả.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục