Đại hội TDTT toàn quốc "mệt" vì chuyện đăng ký VĐV bóng bàn

02:04 Thứ tư 26/11/2014

14 VĐV bóng bàn đã bị Liên đoàn và bộ môn bóng bàn không cho đăng ký thi đấu ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014 vì ban tổ chức (BTC) cho rằng họ vi phạm điều lệ.

Đào Duy Hoàng được đăng ký thi đấu cho đội Công an nhân dân nhưng theo BTC đại hội thì VĐV này bị cấm thi đấu do năm 2014 đã đấu cho Petrosetco ở nhiều giải. Ảnh: Tiến Hùng

Cuộc cãi vã nảy lửa giữa BTC và các địa phương dự môn bóng bàn diễn ra suốt hai cuộc họp sáng và chiều 25- 11. Do vậy lễ bốc thăm xếp lịch thi đấu giải đã không thể diễn ra như dự kiến. Cho đến tối 25-11, BTC vẫn chưa thể đưa ra kết luận có cho 14 VĐV này thi đấu hay không.

Trước đó, trong danh sách đăng ký thi đấu môn bóng bàn tại Đại hội TDTT toàn quốc, nhiều địa phương đã đưa ra danh sách VĐV đăng ký thi đấu khiến BTC phải "choáng váng"! Cụ thể do điều lệ đại hội không cho phép các đơn vị là doanh nghiệp đăng ký thi đấu nên hai CLB doanh nghiệp có lực lượng mạnh là CLB bóng bàn T&T và Petrosetco đã rải quân đi các tỉnh để thi đấu theo hình thức cho VĐV ký hợp đồng với các đơn vị đánh thời vụ.

Vì lý do đó, dù không có lực lượng VĐV bóng bàn nhưng tỉnh Hưng Yên vẫn có tên trong danh sách các đội tham dự đại hội. Điều đáng nói là 100% lực lượng của đội bóng bàn Hưng Yên từ VĐV đến HLV là người của CLB bóng bàn T&T, gồm: HLV Vũ Mạnh Cường, VĐV Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Anh Đức, Lê Đình Đức, Đinh Anh Hoàng. Các VĐV mạnh khác của T&T là: Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng về đầu quân cho Hà Nội. Ngoài ra các VĐV của T&T còn đầu quân cho Tiền Giang, Vĩnh Long… Trong khi đó ba VĐV của CLB Petrosetco là Đào Duy Hoàng, Tô Đức Hoàng, Nguyễn Thành Luân đầu quân cho Công an nhân dân.

Theo điều lệ chuyển nhượng Đại hội TDTT toàn quốc được ban hành ngày 26- 3- 2013 của Bộ VH-TT-DL, các VĐV được quyền đăng ký thi đấu cho một địa phương nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau: có hộ khẩu thường trú tại địa phương; có giấy xác nhận là VĐV của ngành Quân đội, Công an do thủ trưởng đơn vị ký; có hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV hợp pháp trước ngày 1- 1- 2014.

Căn cứ trên điều lệ này thì một số địa phương cho rằng quân của mình đáp ứng đủ tiêu chí điều lệ đại hội và được quyền đăng ký thi đấu. Tuy nhiên BTC cho rằng mặc dù đã có giấy chuyển nhượng đến một địa phương nhưng từ 1- 1- 2014 đến nay nhiều VĐV vẫn đấu cho địa phương cũ. Cụ thể các VĐV Hải Dương hiện nay đăng ký đấu cho Hải Dương nhưng từ đầu năm lại đấu cho Xi măng Hoàng Thạch; Các VĐV của TP HCM hiện nay đăng ký thi đấu cho đội nữ TP HCM nhưng trong năm 2014 đã từng thi đấu cho đội nữ Petrosetco; các VĐV Công an nhân dân lại từng đấu cho Petrosetco trong năm 2014 trước khi có tên trong màu áo Công an nhân dân tại đại hội…

Tranh cãi xung quanh điều lệ đại hội không đi đến được hồi kết và BTC cuối cùng đã không thể tiến hành bốc thăm xếp lịch thi đấu cho các đội. HLV Nguyễn Nam Hải của đội Hà Nội cho biết BTC hẹn sáng 26- 11 sẽ có thông báo cuối cùng về 14 VĐV này có được thi đấu hay không. Trong khi đó nhiều VĐV lên tiếng phản đối cách làm của BTC đại hội.

Một HLV nói: "Nhìn vào danh sách ai cũng biết địa phương nào mua bán VĐV mà không xây dựng lực lượng từ gốc. Tuy nhiên nếu chỉ xét trên tiêu chí điều lệ đại hội thì các địa phương không sai vì điều lệ không ghi chi tiết từ ngày 1- 1- 2014 VĐV A đã đăng ký thi đấu cho địa phương A thì không được đấu cho địa phương B nữa. Vì thế nhiều địa phương không đồng ý với yêu cầu của BTC đòi cho 14 VĐV không được thi đấu”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối ngày 25- 11, ông Trần Đức Phấn - trưởng tiểu ban chuyên môn Đại hội TDTT toàn quốc cho biết ông chưa được báo cáo chi tiết về từng trường hợp mà BTC môn bóng bàn không cho VĐV thi đấu. Ông Phấn nói: “Trước tiên VĐV được thi đấu không phải căn cứ trên điều lệ đại hội. Tôi sẽ triệu tập cuộc họp với BTC môn bóng bàn ngay trong đêm 25-11 để giải quyết dứt điểm vấn đề này”.

K.Xuân | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục