“Bí mật của Pep”; Chương 6: Loại bỏ chủ nghĩa cá nhân

17:23 Thứ tư 04/03/2015

Ở chương 5, tác giả kể về một số nguyên tắc làm việc của Pep và sự kiện Thiago gia nhập Bayern. Ở phần này, bạn đọc được biết đến quá trình chuẩn bị của Pep cho tham vọng “thống trị thế giới”.

Làm chủ trái bóng

Sáng Chủ nhật đầu tiên của tháng 7/2013, Pep ngồi lỳ trong phòng làm việc và chăm chú nhìn lại buổi tập đầu tiên của Bayern với “nguyên tắc 4 giây”. Ngồi cạnh ông là trợ lý Domenec Torrent, người cũng đang nghiên cứu vấn đề tương tự. Hai người quyết định sẽ làm việc riêng biệt rồi sau đó trao đổi với nhau những kết luận mà họ rút ra, trước khi đi đến thống nhất để xem đâu là điểm yếu, đâu là điểm mạnh của các cầu thủ.

Hàng chục ý tưởng được trao đổi qua lại giữa Pep và Torrent. Nhưng họ cùng nhất trí chọn ra 3 điều cơ bản nhất rút ra được từ “nguyên tắc 4 giây” để gây dựng lối chơi riêng của Bayern. Một, làm chủ trái bóng là quan trọng nhất. Hai, thứ ngôn ngữ các cầu thủ sử dụng với nhau trên sân. Ba, con người.

Pep giải thích cặn kẽ từng yếu tố. Làm chủ trái bóng ở đây được hiểu theo nghĩa dù có hay không có bóng trong chân, các cầu thủ phải luôn ghi nhớ trong đầu họ cần học cách đọc được hướng đi tiếp theo của trái bóng.

“Ngôn ngữ ở đây là gì? Những giao tiếp cơ bản giữa con người với nhau chăng?”, Torrent băn khoăn. “Không, tôi sẽ dạy học những thuật ngữ chuyên môn bằng thứ ngôn ngữ do tôi tự tạo ra. Trên sân, họ không có nhiều thời gian để truyền đạt ý tưởng cho nhau. Vậy thì tôi phải tự mình dựng lên một thứ tiếng riêng cho Bayern”, Pep trả lời bình thản.

Khó khăn duy nhất là con người. Ở Barca, Pep được làm việc với những cầu thủ ăn tập cùng hàng thập kỷ liền nên ông không bận tâm nhiều tới sự kết dính trong lối chơi. Nhưng Bayern chỉ mới làm quen với phong cách huấn luyện của Pep trong vài tuần, hơn nữa trình độ của các cầu thủ ở đây không thật sự tương đồng. Vì thế, Pep cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện yếu tố “con người”.

Chuẩn bị kỹ càng

Pep đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới, không chỉ của Bayern mà là của bóng đá thế giới. Trong 25 năm qua, bóng đá thế giới đã chứng kiến 3 cột mốc đáng nhớ: Thời đại của Arrigo Sacchi, thời đại của bóng đá tổng lực và thời đại của Barca. Rất có thể, thời đại của Bayern sẽ là cột mốc thứ 4.

Nhưng quỹ thời gian cho Pep quá eo hẹp. Sacchi hay Cruyff trong quá khứ dành tới 10.000 giờ (hơn 3 năm) chỉ để nghiên cứu các buổi tập trước khi tạo ra một bước ngoặt thật sự. Mục tiêu của Pep ở Bayern là giúp “Hùm xám” xứ Bavaria thống trị bóng đá thế giới trong vòng 5 năm. Ông buộc phải đốt cháy giai đoạn và chấp nhận mạo hiểm. Hãy thử tưởng tượng, nếu Bayern chỉ cần thua 2 trận liên tiếp trên mọi mặt trận, dư luận sẽ hướng búa rìu vào ông và chê bai rondos là trò trẻ con. Khi ấy, khả năng cao Pep sẽ phải đưa Bayern về những giá trị cũ: Bài tập chạy 1.000 m như bao đội bóng khác.

Pep và các cầu thủ Bayern.

Để giảm thiểu tối đa rủi ro, Pep đã chuẩn bị mọi công đoạn từ hậu cần đến chuyên môn toàn diện. Ông làm cách mạng tư tưởng nho nhỏ với các cầu thủ Bayern khi nói với họ: “Mở rộng tầm mắt và để cho đầu óc của các cậu được thư thái, chiến thắng sẽ đến”. Trong 3 tháng đầu tiên theo kế hoạch ban đầu, Pep sẽ nói chuyện với từng cầu thủ một, chỉ cho họ điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục. Theo vòng tuần tự, Pep sẽ gõ cửa phòng ngủ của các cầu thủ vào 8 giờ tối hàng ngày và bắt đầu cuộc trò chuyện trong 25 phút.

Dinh dưỡng là vấn đề được quan tâm đặc biệt. Pep đặt mua tài liệu dinh dưỡng thể thao từ Italia. Ông biết được bữa ăn quan trọng nhất là ngay sau khi trận đấu khép lại. Nếu thực đơn đủ chất và khoa học, các cầu thủ sẽ hồi phục được 80% tốc độ ban đầu. Ngược lại, sinh hoạt không điều độ và ăn uống vô tội vạ làm tăng nguy cơ gặp chấn thương lên 60%. Pep đề nghị Bayern mời Mona Nemmer - đầu bếp chính của các đội trẻ ĐT Đức về làm trưởng bộ phận dinh dưỡng.

Sức mạnh tập thể

Khi còn ở New York, Pep đã vạch sẵn ý tưởng chiến thuật và nhân sự cho Bayern. Những mẩu giấy trắng chằng chịt sơ đồ và kế hoạch dụng binh. Như đã đề cập ở những chương trước, Pep luôn mong muốn tạo dựng hình tượng “Messi thứ hai” ở Bayern.

Tất nhiên là ước vọng đó không bao giờ trở thành sự thật. Nhưng Pep hoàn toàn thoải mái với chuyện này và sớm nhận ra, ông cảm thấy nhàm chán ở Barca hay không muốn phát triển sự nghiệp ở Nou Camp cũng chính bởi mẫu cầu thủ “siêu nhân” như Messi. Pep nhìn lại quá khứ, xem lại bản đồ của bóng đá thế giới và nhận thấy, sức mạnh tập thể mới đem lại những giá trị cốt lõi.

Chiều 7/7/13, Pep chia đội ra làm 2 nhóm, cho phép các cầu thủ đá theo ý thích và phô diễn hết những gì tinh túy nhất của mình. Pep khá bất ngờ khi qua thông số của cặp kính Google Glass thông báo, không một cầu thủ nào cầm bóng quá 15 giây. Quãng đường bứt tốc lớn nhất cũng chỉ là 35 m (Thomas Mueller). Đáng ngạc nhiên hơn, các cầu thủ Bayern có ý thức rất rõ về vị trí của mình. Nếu Rafinha lên tham gia tấn công ở biên phải, anh này chỉ mất 4 giây để trở về điểm xuất phát và đảm bảo mặt trận phòng ngự. Khi Boateng lên quá vạch giữa sân, Hojbjerg ngay lập tức trám chỗ cho đồng đội.

Dường như, các cầu thủ Bayern hiểu nhau hơn Pep nghĩ. Dù họ vừa giành cú ăn 3 lịch sử nhưng khát vọng chiến đấu không hề mất đi. Cuối buổi tập, Robben chạy tới Pep: “Trước khi ông đến đây, chúng tôi đã đánh mất 2 danh hiệu Champions League chỉ trong 3 năm, để Dortmund vượt mặt ở Bundesliga và Cúp QG. Chúng tôi chưa bao giờ ngừng phấn đấu”.

(Còn tiếp... )

Thành Trần | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục